|
Thắng cảnh của Biên Hòa xưa
Thác Trị An nằm ở địa phận H.Vĩnh Cửu, cách TP.Biên Hòa khoảng 30km. Theo thạc sĩ Trần Quang Toại, nguyên phó giám đốc Sở VH-TT-DL Đồng Nai thì thác Trị An là một trong những thắng cảnh của Biên Hòa xưa. Ông cho biết, ở vùng Vĩnh Cửu - Trị An, trước 1954 rất hoang sơ, dân cư thưa thớt. Cũng giống như Đà Lạt, thác Trị An do người Pháp phát hiện trong những lần đi khám phá vùng đất hoang sơ Vĩnh Cửu vào những năm đầu thế kỷ XX. Những hình ảnh cũ về thác Trị An còn lưu giữ đến ngày nay chủ yếu được người Pháp chụp lại.
Sự hùng vĩ, dữ dội và đẹp mê hồn của con thác còn được nhà văn, nhà sử học Lương Văn Lựu mô tả lại sống động trong cuốn “Biên Hòa Sử Lược” (xuất bản năm 1973) như sau: “Mùa mưa, mặt nước cao đổ mạnh. Đứng từ trên bực, khách nhìn bao quát cảnh hùng vỹ, với sông sâu, lởm chởm đây đó đá gồ ghề nằm vắt ngang, chắn cả lòng sông, làm thành nhiều bậc khác nhau, để cho nước từ thượng nguồn trút qua tuôn tàn xuống, nhào lộn, múa men, sùi bọt, xoáy dòng. Theo đà chảy, nước gặp những chướng ngại vật nên dội lại văng tung tóe lên cao. Nước trải bông gòn trên đỉnh thác, đun khói lòng sông. Nước giải bụi mù trong lòng đá. Bông, khói, bụi bốc lên màu trắng xóa...”.
|
“Chết” vì thủy điện
10 giờ ngày 12.1.1987, thời điểm hàng ngàn mét khối đá hộc, bê tông được đổ xuống công trình đập tràn để ngăn dòng sông Đồng Nai được xem như thời khắc quan trọng trong lịch sử thi công Thủy điện Trị An, nhưng đó cũng là cột mốc đánh dấu cái chết bị bức tử của thác Trị An nằm cách đập tràn khoảng 2km về phía hạ lưu.
Thủy điện Trị An, một công trình lớn có ý nghĩa quốc gia hoàn thành năm 1991, cung cấp sản lượng điện trung bình hàng năm 1,7 tỉ Kwh, được xây dựng trên sông Đồng Nai thuộc địa bàn H.Vĩnh Cửu.
Công trình đập tràn ngăn nước sông để phục vụ cho nhà máy phát điện đã khiến cho một khúc sông Đồng Nai dài khoảng 5km (tính từ đập tràn đến cửa xả nhà máy phát điện) khô cằn, chỉ trơ lại đá, vô tình làm chết luôn thác nước tuyệt đẹp đã tồn tại bao đời nay.
Bà Nguyễn Thị Thuận (77 tuổi, ngụ thị trấn Vĩnh An, H.Vĩnh Cửu), người trước đây bán nước mía ở thác Trị An thời thác “còn sống” cho biết sau năm 1975, gia đình bà từ Hóc Môn (TP.HCM) tìm lên khu kinh tế mới Vĩnh Cửu sinh sống, lúc đó bà làm nghề bán nước mía ở thác Trị An phục vụ khác du lịch. Theo bà Thuận, du khách đến vui chơi, thưởng ngoạn, chụp hình ở thác rất đông, nhất là những ngày cuối tuần. Nhưng sau khi nhà nước làm thủy điện, dòng nước bị ngăn, thác trơ lại đáy, toàn đá, không còn ai tìm tới, bà bỏ luôn nghề bán nước mía.
Từ chỗ là một thắng cảnh đẹp, nay thác Trị An đã trở thành một con thác khô để lại cho nhiều người sự tiếc nuối. Sau mấy chục năm bị bỏ rơi, thác đã trở lên hoang vắng, vẻ hùng vỹ, dữ dội năm nào đã bị sự tĩnh mịch, vắng lặng, hoang tàn chiếm lấy. Nhìn những phiến đá to lồi lõm nằm ngổn ngang, bên dưới là hồ nước nhỏ trông như ao tù, không ai có thể hình dung ra được chính nơi đây năm xưa đã từng là một con thác đẹp nhất sông Đồng Nai.
Bài, ảnh: Lê Lâm
>> Thủy điện Trị An tiếp tục tăng lượng xả tràn để bảo vệ đập
Bình luận (0)