Hoàng thành trước nỗi lo môi trường

17/12/2012 04:05 GMT+7

Phải có phương án bảo tồn đồng bộ để “bộ sử sống” Hoàng thành Thăng Long trở thành bảo tàng ngoài trời, bởi môi trường đang và sẽ làm di tích xuống cấp.

Sa mạc hóa, muối hóa

Hiện có tới 9 loại thiết bị quan trắc kiểm tra tình trạng bảo tồn di tích ở Hoàng thành Thăng Long như thiết bị đo ẩm đất, kiểm tra tình trạng nứt nẻ đất, đo nhiệt độ, độ ẩm không khí, máy đo bức xạ... “Việc cài đặt các thiết bị quan trắc trên với mục đích thu thập dữ liệu biến động của di tích nhằm báo cáo hiện trạng đầy đủ, toàn diện, từ đó tạo dựng di tích thành bảo tàng ngoài trời với điều kiện bảo đảm ổn định”, TS Lại Văn Tới, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh thành nói.

Nghiên cứu của ông Tới và cộng sự cho thấy biến thiên độ ẩm và nhiệt độ tại di tích có chênh lệch rất lớn. Đây là một trong những nguyên nhân lớn nhất ảnh hưởng đến sự phá hủy di tích cũng như muối hóa, rêu mốc, sa mạc hóa và đất nứt nẻ. Nhiều thực vật và nấm mốc cũng được tìm thấy ở khu vực đất trống, khu vực lòng sông tại khu di tích. Chúng chủ yếu là dương xỉ, cây rễ chùm có kích thước nhỏ từ vài milimet đến vài centimet. Hiện tượng rêu mốc xuất hiện trên hầu hết bề mặt di tích. Lắng đọng tinh thể muối thấy rất rõ trên bề mặt di vật đất nung như đầu phượng, lá đề. Muối hóa càng rõ hơn trên các loại gạch. Gỗ cũng biến dạng, co ngót và xuất hiện mối tấn công.

Chính vì thế, theo nhóm nghiên cứu cần gấp rút giữ ẩm bề mặt di tích trong giới hạn cho phép. Cũng cần duy trì khung nhiệt độ và độ ẩm phù hợp để hạn chế tình trạng muối hóa, sa mạc hóa. Cần sử dụng có chọn lọc thuốc phun diệt trừ nấm mốc mà không gây hại di tích.

 
Sự đa sắc của Hoàng thành Thăng Long khi mới phát lộ - Ảnh: Ngữ Thiên

Chủ yếu là phương pháp tình thế

Nhóm nghiên cứu cho rằng che phủ bạt giữ ẩm cho di tích đạt hiệu quả tức thời, dù không chặn hoàn toàn được rêu mốc và muối hóa. Chính vì thế, trong điều kiện hiện nay nên dùng cách này để che phủ những khu vực cần thiết.

Việc xử lý rêu mốc hiện thời bằng cách nạo phần đất chứa rêu không phải biện pháp tối ưu. Nếu áp dụng lâu dài bề mặt di tích sẽ ngày càng bị mất đi nhiều lớp đất, ảnh hưởng tới công tác bảo tồn. Vì thế, hiện phương pháp này chỉ được áp dụng tạm thời khi chưa có phương pháp xử lý khác. Trong tương lai việc đưa ra giải pháp diệt trừ rêu mốc bằng phun thuốc bề mặt di tích sẽ mang lại hiệu quả cao.

Các di vật gỗ như cọc gỗ, cột gỗ hiện cũng đã có hiện tượng bị co ngót biến dạng. Nhóm nghiên cứu đề nghị bọc phủ lớp tải dứa phía ngoài, thường xuyên tiến hành làm ẩm lớp tải này để duy trì độ ẩm tránh biến dạng như hiện tại.

Mái che di tích hiện được làm bằng nhựa. Tuy nhiên, phương pháp này không mang lại hiệu quả vì mái nhựa này hấp thụ nhiệt xuống di tích rất lớn. Trong mùa hè, nhiệt độ dưới mái che di tích có thể cao hơn nhiệt độ ngoài trời tới 2-30C, đẩy nhanh hiện tượng khô bề mặt làm phá hủy di tích. “Chúng tôi đề xuất nên làm mái che di tích hoàn toàn bằng tôn lạnh để đảm bảo duy trì nhiệt độ và độ ẩm dưới di tích được ổn định hơn”, TS Tới cho biết.

Một số hiện vật gỗ có gắn với chất liệu khác như kim loại, sơn mài vẫn chưa có phương pháp bảo quản mặc dù đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước như Bỉ và Nhật Bản.

Một phương pháp chống tác động môi trường khác cũng được áp dụng tại Hoàng thành Thăng Long là phủ cát. Theo đó, sau khi nghiên cứu tại hiện trường kết thúc, có thể dùng vải cotton thấm nước phủ lên giữ ẩm. Tiếp theo phủ một lớp cát dày từ 20-30 cm nhằm tránh tiếp xúc với ánh sáng và cuối cùng chọn đất thuần lấp lên trên.

“Cần tiếp tục đầu tư nhân lực, vật lực để khắc phục tác động xấu của môi trường tại đây”, TS Lại Văn Tới nói. Về điều này, kinh nghiệm của Viện Bảo tồn di tích cho thấy, cần kết hợp nghiên cứu đa ngành. Tuy nhiên, theo kiến trúc sư Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn, số trường hợp bảo tồn có liên hệ với các nhà sinh học, hóa học, địa vật lý ở nước ta còn quá ít.

Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội bao gồm Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và Thành cổ Hà Nội. Phát lộ từ tháng 12.2002, từ đó đến nay khảo cổ học đã khai quật trên diện tích hơn 19.000 m2. Đây là quy mô khai quật khảo cổ học lớn nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á.

Trinh Nguyễn

>> Phê duyệt cơ chế vốn cho bảo tồn di tích cố đô Huế
>> Nhiều phát hiện tại di tích Cấm Mít
>> Độc đáo di tích Champa Cấm Mít
>> Di tích Trường Lũy bị “chia đôi”
>> Đồng Tháp chuẩn bị công bố di tích quốc gia đặc biệt
>> Lập hồ sơ di tích tòa soạn Báo Tiếng Dân tại Huế
>> Bảo tồn di tích Ly cung Trần - Hồ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.