Nhiều trường đồng loạt tổ chức cho nhiều khối lớp, khoảng trên 1.000 HS trong một chuyến. Nhưng đáng bàn là, số lượng quy mô như thế mà chất lượng thì không nhiều.
Nhiều chuyến đi học tập, trải nghiệm mà như đi… tham quan, du lịch. So sánh như thế là không sai. Nếu nhìn vào khâu tổ chức của nhà trường, sự hoạt động liên kết của các công ty du lịch, cho đến tình hình tham dự của HS… đều cho thấy điều đó.
Nhà trường thiếu sự chuẩn bị chu đáo về kế hoạch học tập và mục tiêu đạt được sau chuyến đi. Đa số chỉ chú trọng đến mục đích vui chơi là chính và chiều theo sự lựa chọn của HS. Thiếu các yêu cầu về bài thu hoạch sau chuyến đi. Địa điểm và lộ trình nhiều khi cũng đơn điệu, nhàm chán, ít mới lạ, thiếu thú vị và ý nghĩa. Vì thế sau chuyến đi, HS không học hỏi được nhiều, cơ hội cho các em trưởng thành lên rất ít. Cũng vì thế mà các em tham gia một cách hời hợt, thiếu chiều sâu, không có hoạt động nhóm, không hề có ghi chép, thu hoạch. HS chụp ảnh rất nhiều, nhưng không phải để làm tư liệu học tập mà để đưa lên Facebook. Nhiều HS từ TP.HCM đến Bến Tre, quê hương cụ Đồ Chiểu, nhưng khi đến nơi mà không hề biết bên trong khu tưởng niệm có gì vì chỉ dạo bên ngoài để chụp ảnh.
Đáng nói nữa là, các công ty du lịch kết hợp với nhà trường hiện nay đa số thiếu chuyên nghiệp, chưa hiệu quả. Họ chỉ chú trọng nhiều đến lợi nhuận. Các hoạt động, trò chơi nhạt nhẽo, chưa lôi cuốn được HS nhiệt tình tham gia. Nhiều hướng dẫn viên pha trò nhảm nhí, chưa có chiều sâu kiến thức để thuyết trình cho các em học hỏi. Cho nên HS chưa học được nhiều về kỹ năng (kỹ năng vận động, kỹ năng mềm, kỹ năng hoạt động nhóm…) sau mỗi chuyến đi.
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ GD-ĐT công bố vừa qua, hoạt động trải nghiệm cho HS rất được chú trọng. Theo đó, hoạt động này đưa vào bắt buộc cho cả 3 cấp học tiểu học, THCS và THPT. Nếu không có sự chuẩn bị để thay đổi suy nghĩ và cách làm, e rằng chủ trương trên khó có hiệu quả thực chất khi đi vào thực hiện.
Bình luận (0)