Nhân lực du lịch vừa thiếu, vừa yếu
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam - cho biết thực trạng nguồn nhân lực ngành du lịch Việt Nam hiện nay đang thiếu và yếu. Trong tất cả ngành nghề nói chung cũng như ngành du lịch nói riêng, yếu nhất là năng suất lao động. Năng suất lao động của người Việt chỉ bằng 1/15 Singapore, bằng 1/10 Nhật Bản và gần nhất trong khối ASEAN cũng chỉ bằng 1/5 Thái Lan.
Theo ông Thọ, trước nay Việt Nam đào tạo thiên về lý thuyết hơn là thực tiễn. Sinh viên sau khi tốt nghiệp cao đẳng, đại học chưa thể làm việc ngay, doanh nghiệp phải đào tạo lại. Thậm chí, còn có tình trạng giành giật nhau, khiến lực lượng lao động ngành du lịch càng trở nên thiếu.
Để cạnh tranh với các nước trong khu vực, không còn con đường nào khác là xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao theo chuẩn quốc tế. Mục tiêu là cố gắng đưa phần thực hành từ 30% lên 50 - 70% tổng chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế.
GS.TS Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam, thông tin thêm: Thời gian qua, Việt Nam được đánh giá là 1 trong những thị trường phát triển mạnh nhất về ngành quản trị khách sạn trong khu vực châu Á. Tuy nhiên, ngành này đang đối mặt với thực trạng thiếu hụt rất lớn nhân lực đào tạo chất lượng cao. Sinh viên ra trường thiếu kỹ năng thực tế, vấn đề ngoại ngữ cũng cấp thiết. Số lượng lao động lĩnh vực khách sạn, lữ hành chỉ chiếm 2,5% tổng lượng lao động của cả nước trong khi quy mô, nhu cầu thực tế lớn hơn rất nhiều. Người lao động không có kinh nghiệm, kỹ năng nghề yếu, ngoại ngữ kém, trong khi hệ thống các khách sạn 5 sao, khu resort cao cấp ngày càng nhiều khiến nguồn nhân lực các nước khác trong khu vực đang làm chủ thế trận ngay trên sân nhà. Tại TP.HCM, hiện có khoảng 50 trường cao đẳng, đại học có đào tạo ngành du lịch nhưng chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu của ngành.
"Đáng nói, trong khi lực lượng lao động chuyên nghiệp đang thiếu trầm trọng thì số lượng người lao động trình độ từ đại học trở lên lại thừa rất nhiều. Bài toán thừa kiến thức, thiếu kỹ năng này cần được cấp bách giải quyết ngay trong quá trình đào tạo," ông Hùng nêu ý kiến.
Thí điểm mô hình trường học khách sạn
Để giải quyết các vấn đề nêu trên, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã chọn Trường Cao đẳng khách sạn du lịch quốc tế Imperial (IIHC) là đơn vị đồng hành xây dựng chương trình "Giải pháp cấp bách cung ứng nguồn nhân lực chất lượng quốc tế cho ngành quản trị khách sạn" thông qua việc xây dựng và phát triển chương trình đào tạo ngắn đạt chuẩn quốc tế trong 16 tuần. Đây được coi là giải pháp ứng cứu chuyển hóa hiệu quả cho sự mất cân bằng giữa lực lượng lao động học cao dôi dư chưa có việc làm để bù đắp cho nhu cầu thiếu báo động về nguồn nhân lực chất lượng quốc tế từ khách sạn tiêu chuẩn 4 - 5 sao.
Cụ thể, mô hình thí điểm khóa học nâng cao quản lý ngắn hạn 16 tuần chuyên ngành quản trị khách sạn do IIHC thực hiện bao gồm 10 tuần dành cho kỹ năng nghề và 6 tuần dành cho kỹ năng quản lý, với 3 chuyên đề: Quản trị bộ phận tiền sảnh và buồng phòng; Quản trị nhà hàng và sự kiện; Quản trị kinh doanh khách sạn dành riêng cho sinh viên đã hoặc sắp tốt nghiệp đại học, cao đẳng bao gồm cả các ngành khác.
Đây là chương trình khóa học ngắn hạn quản trị khách sạn duy nhất hiện nay được thẩm định chất lượng và cấp bằng Practical Diploma - Level 3 bởi tổ chức thẩm định uy tín thế giới NCFE Vương quốc Anh, không những được chấp nhận bởi các thương hiệu quốc tế mà còn có giá trị chuyển tiếp toàn cầu khi sinh viên có nhu cầu học nâng cao.
Sự khác biệt trong phương pháp đào tạo của chương trình chính là việc áp dụng mô hình chuẩn hóa quốc tế Hotel School (trường học khách sạn). Đây là mô hình đào trạo nhân lực trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ kết hợp trực tiếp giữa cơ sở đào tạo và khách sạn có tiêu chuẩn đang vận hành. Tại đây, trong suốt quá trình học, các học viên được đào tạo 100% thời gian khóa học tại tổ hợp du lịch chuẩn quốc tế 5 sao như The Imperial Hotel và Resort, đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và cơ hội được trực tiếp phục vụ khách hàng, thỏa mãn tiêu chí thời lượng học thực hành tối thiểu 70% khóa học.
"Sau khi hoàn thành khóa học, các em sẽ có kỹ năng và đủ tự tin làm việc ngay ngày đầu tiên, đồng thời được trang bị các kiến thức tổng quan và kỹ năng quản lý thực tế, sẵn sàng cho cơ hội thăng tiến nhanh, tạo dựng một bộ khung quản trị cấp trung cho khách sạn 4 - 5 sao chuẩn quốc tế" - đại hiện Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho hay.
Bà Lưu Thị Hương Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn - Tổng cục Du lịch Việt Nam đánh giá đây là chương trình có ý nghĩa thiết thực giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch Việt Nam, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, góp phần thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo đúng chủ trương mà Bộ Chính trị đã đề ra.
Chương trình "Giải pháp cấp bách cung ứng nguồn nhân lực chất lượng quốc tế cho ngành quản trị khách sạn" cũng nhận được sự ủng hộ và tham gia đồng hành của nhiều Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành thông qua việc ký kết thỏa thuận về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuẩn quốc tế ngành quản trị khách sạn giữa Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam, Trường Cao đẳng nghề khách sạn du lịch quốc tế (IIHC), Trường Đại học Tài chính - Marketing và Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành: TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Bình Định, Tây Ninh, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long.
Bình luận (0)