Học cả trực tiếp lẫn trực tuyến, kiểm tra cuối kỳ ra sao?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
14/12/2021 07:30 GMT+7

Học kỳ 1 với sự thay đổi liên tục hình thức dạy học (trực tiếp, trực tuyến) ở nhiều nhà trường. Câu hỏi đặt ra là việc kiểm tra cuối kỳ sẽ tiến hành theo cách nào?

Mỗi trường một kiểu

Hà Nội đang áp dụng cả hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến. Cụ thể, phần lớn học sinh (HS) lớp 12 bắt đầu đi học trực tiếp hơn 1 tuần qua. Trước đó, từ tháng 11, HS lớp 9 ở 18 huyện, thị ngoại thành cũng đã được đến trường. Tuy nhiên, HS chia sẻ trên các diễn đàn đều bày tỏ “sợ hãi” khi phần lớn thời gian học trực tuyến mà cuối kỳ phải kiểm tra trực tiếp. Các em đều có chung lý do lớn nhất là học trực tuyến không hiệu quả.

Học sinh lớp 12 tại TP.HCM cùng trao đổi về bài học trong ngày đầu trở lại trường

PHẠM HỮU

Các nhà trường cũng đang xây dựng các phương án không giống nhau cho kỳ kiểm tra này. Ghi nhận thực tế cho thấy, một số trường ngoài công lập đã hoàn thành bài kiểm tra học kỳ 1 hoặc sẽ kiểm tra theo hình thức trực tuyến. Do khối trường tư hầu hết đều bắt đầu năm học sớm hơn 1 tháng và thời điểm này cũng chưa cho HS trở lại trường theo quyết định của UBND TP.Hà Nội.

Học sinh lớp 12 TP.HCM trong ngày đầu tiên đến trường sau gần hết học kỳ 1 ở nhà học trực tuyến

ĐÀO NGỌC THẠCH

Trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm dù bắt đầu đón HS lớp 12 trở lại từ đầu tuần này nhưng trước đó HS đã có kết quả kiểm tra học kỳ 1. Ông Đàm Tiến Nam, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết kế hoạch dạy học, kiểm tra đánh giá được xây dựng từ đầu năm học, trường tư thục có tự chủ nhất định về thời gian năm học nên việc kiểm tra được tiến hành theo đúng kế hoạch đã xây dựng từ đầu năm, thời gian kiểm tra vào lúc HS vẫn đang học trực tuyến nên cũng áp dụng đồng nhất một hình thức.

Nằm ở địa bàn có cấp độ dịch ở mức nguy cơ cao, sau 1 tuần HS đến trường đã phải chuyển sang học trực tuyến, ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Q.Đống Đa, Hà Nội), cho hay nhà trường đã kiểm tra học kỳ tất cả các khối lớp theo hình thức trực tuyến với hệ thống quản lý chặt chẽ.

Trường THPT Trần Nhân Tông (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) có ngày chỉ có 1 HS của khối 12 đi học. Chia sẻ với PV Thanh Niên, bà Vũ Thị Hậu, Hiệu trưởng nhà trường, khi nói về việc kiểm tra cuối học kỳ 1 sẽ diễn ra cuối tháng 12 này, vẫn bày tỏ mong muốn tổ chức trực tiếp với khối lớp 12 vì đây là một đợt tập dượt rất cần thiết cho kỳ thi tốt nghiệp THPT của các em.

Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội), cho biết hơn 1 tuần qua có khoảng trên 80% HS lớp 12 trở lại trường. Dù vậy, với cả 3 khối lớp, nhà trường dự kiến sẽ chỉ kiểm tra trực tiếp theo hình thức tự luận với duy nhất môn ngữ văn, kiểm tra trực tuyến trên hệ thống theo hình thức trắc nghiệm với tất cả các môn còn lại ở tất cả các khối. Tuy nhiên, theo bà Quỳnh, dự kiến là vậy nhưng nhà trường vẫn xây dựng chi tiết cả 2 phương án kiểm tra trực tiếp và trực tuyến.

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết đang xây dựng hướng dẫn thực hiện kiểm tra cuối học kỳ 1 với các trường phổ thông trên địa bàn. Tinh thần chung sẽ là nơi nào HS đã trở lại trường sẽ tiến hành kiểm tra trực tiếp với khối lớp đó. Tuy nhiên, hướng dẫn cũng dự kiến theo hướng mở để ngay cả những trường đang dạy học trực tuyến nhưng căn cứ tình hình thực tế, muốn kiểm tra trực tiếp cũng có thể áp dụng.

Bộ Y tế đồng ý cho Hà Nội xác định ca Covid-19 qua test nhanh

Lớp 1, lớp 2 đến trường kiểm tra

Đối với lớp 1, lớp 2, văn bản của Bộ GD-ĐT ban hành ngày 13.12 hướng dẫn: “Bài kiểm tra định kỳ được tổ chức bằng hình thức trực tiếp, các cơ sở giáo dục thực hiện các giải pháp linh hoạt, phù hợp với thực tế đảm bảo an toàn trong phòng dịch. Cụ thể: lập kế hoạch thời gian thực hiện bài kiểm tra định kỳ; tổ chức họp với cha mẹ HS để phổ biến, hướng dẫn, tạo sự đồng thuận về phương án thực hiện; chia nhỏ số HS/lớp đảm bảo an toàn phòng dịch để tổ chức hướng dẫn, ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức, định hướng nội dung “cốt lõi” cho HS trước khi tổ chức bài kiểm tra định kỳ đối với môn toán, môn tiếng Việt. Bên cạnh đó, linh hoạt vào các thời điểm, phù hợp với từng đối tượng và tình hình diễn biến dịch Covid-19 tại địa phương để đánh giá HS cuối học kỳ 1 và cuối năm học”.

Tuy nhiên, cũng theo văn bản này: “Trong trường hợp bất khả kháng, tại thời điểm kiểm tra định kỳ HS không thể đến trường để làm bài kiểm tra bằng hình thức trực tiếp, cơ sở giáo dục có trách nhiệm báo cáo phương án, điều kiện tổ chức cho HS làm bài kiểm tra định kỳ bằng hình thức trực tuyến về phòng GD-ĐT để được kiểm tra các điều kiện đảm bảo theo quy định trước khi thực hiện”.

Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về việc trường hợp như thế nào được coi là “bất khả kháng” và phải kiểm tra trực tuyến, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), giải thích: Các trường hợp bất khả kháng sẽ ở quy mô rất nhỏ, đến từng đối tượng HS và sẽ rất hiếm xảy ra ở cả 1 lớp, 1 khối, 1 trường hay 1 địa phương.

Cụ thể, đến ngày kiểm tra trực tiếp theo kế hoạch của trường nhưng HS thuộc diện F0, F1, F2 hoặc ở khu vực bị phong tỏa vì dịch bệnh thì nhà trường phối hợp với gia đình sẽ có kế hoạch kiểm tra trực tuyến riêng với nhóm HS này. Do vậy, theo ông Tài, với những nhà trường, địa phương đang dạy học trực tuyến từ đầu năm học đến thời điểm kiểm tra không được coi là trường hợp bất khả kháng nên vẫn có thể đến trường, chia ca, đảm bảo giãn cách để kiểm tra trực tiếp.

Nhấn mạnh đến khía cạnh kiểm tra trực tiếp với lớp 1, lớp 2 là vì quyền lợi HS, giúp tăng cường giám sát chất lượng, ông Tài cho rằng đây là những khối lớp những năm đầu thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông mới, do đặc thù của những khối lớp đầu cấp tiểu học, không có bài kiểm tra giữa kỳ như các khối lớp khác nên việc có một bài kiểm tra trực tiếp cuối kỳ sẽ đặc biệt quan trọng, giúp đánh giá cả quá trình dạy học và đánh giá lại quá trình đánh giá thường xuyên. Bài kiểm tra này sẽ giúp quản lý giáo dục ở các cấp đánh giá HS ở những năng lực cốt lõi như nghe, nói, đọc, viết ở môn tiếng Việt, kỹ năng làm toán cơ bản để làm công cụ học các môn học khác và học tiếp ở các lớp cao hơn.

“Do vậy, không thể để HS lớp 1 mà chưa biết đọc, biết viết hoặc nói cách khác là “ngồi nhầm lớp” được”, ông Tài nhấn mạnh.

Gian lận trong kiểm tra trực tuyến ngày càng tinh vi hơn

Một số nhà trường cảnh báo năm nay đã xuất hiện những phần mềm hỗ trợ gian lận kiểm tra trực tuyến đòi hỏi các trường phải “nâng cao cảnh giác hơn”.

Cụ thể, theo bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), trên mạng có hệ thống ngân hàng câu hỏi và nếu giáo viên cóp nguyên vào đề kiểm tra thì HS sẽ có thể sử dụng phần mềm này giúp giải bài tập ngay trên máy. Khi ấy dù camera giám sát cũng khó phát hiện HS thiếu trung thực trong quá trình làm bài vì các em không thực hiện thao tác nào ngoài máy tính.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.