Chương trình tư vấn và giáo dục trước sinh dành cho phụ nữ sắp làm mẹ của Bệnh viện phụ sản Hà Nội có lẽ quy mô, đều đặn nhất, được tổ chức 4 buổi/tuần. Lịch chuyên đề tháng 6.2007 đều tổ chức vào 9h thứ Ba các ngày trong tuần.
Cụ thể như sau: ngày 5.6, thay đổi cơ thể khi có thai, phát hiện dấu hiệu bất thường, các bệnh phụ khoa; ngày 12.6, dấu hiệu chuyển dạ, thay đổi cơ thể sau sinh, các biện pháp tránh thai; ngày 19.6, dinh dưỡng, dùng thuốc khi mang thai, hướng dẫn nuôi con bằng sữa mẹ; ngày 26.6 chăm sóc trẻ sơ sinh, tắm/massage, cách mặc áo, quấn tã cho bé.
Ngoài lịch học chuyên đề, 9h sáng thứ Tư, thứ Năm, thứ Sáu hàng tuần, Bệnh viện đều hướng dẫn thể dục khi mang thai, thở khi chuyển dạ. Tất cả các buổi học đều giống nhau về học phí: chỉ 5.000 đồng/buổi. Các phụ nữ có thai khi tham gia học chuyên đề hay thể dục đều không cần đăng ký trước, cứ đến đúng giờ và vào thẳng Phòng tư vấn giáo dục trước sinh ghi tên rồi học.
Phòng tư vấn trước sinh - Bệnh viện phụ sản Hà Nội còn thực hiện chương trình sàng lọc và chẩn đoán trước sinh phối hợp với Phòng chẩn đoán trước sinh - Trường đại học Y Hà Nội. Mục đích của chương trình là phát hiện sớm thai bất thường, hạn chế sự ra đời của trẻ dị tật. Người mẹ sẽ được hướng dẫn làm các xét nghiệm nhiễm sắc thể, AND, AFP...
Trong suốt quá trình mang thai, các bà mẹ được theo dõi và thông báo đầy đủ tình trạng phát triển của thai đến khi sinh, được chăm sóc và hướng dẫn cách xử trí khi thai có dấu hiệu bất thường, được tư vấn về sản khoa và di truyền bởi các giáo sư, bác sĩ chuyên ngành. Các buổi tư vấn miễn phí được thực hiện vào tất cả các buổi chiều thứ Ba và thứ Năm hàng tuần cũng tại Phòng tư vấn trước sinh.
Tại Hà Nội có khá nhiều nơi thường xuyên tổ chức các lớp học tiền sản như Bệnh viện phụ sản Hà Nội, Phòng khám 56 Hai Bà Trưng của Bệnh viện phụ sản T.Ư, Bệnh viện Việt - Pháp, Bệnh viện Việt - Nhật. Bệnh viện phụ sản T. Ư chỉ tổ chức lớp dạy tiền sản cho các phụ nữ đăng ký sinh tại Phòng khám 56 Hai Bà Trưng. Các hội thảo có nội dung như một lớp tiền sản cũng có ở Bệnh viện Việt - Pháp nhưng cần đăng ký trước. |
Hầu như bà mẹ mang thai nào cũng gặp phải những khó chịu như mỏi lưng, đôi khi hoa mắt, nhức đầu và xuống máu chân vào những tuần cuối thai kỳ. Vì vậy, các bài tập thể dục dành cho phụ nữ mang thai vô cùng quan trọng, đặc biệt từ tuần thứ 20 trở đi. Hầu hết các bài tập tay, lưng, chân, toàn thân đều kết hợp với kiểu hít thở sâu bằng mũi và thở hơi dài ra bằng miệng. Kiểu hít vào thở ra này giống như kiểu hít vào thở ra trong một số kiểu thiền, nạp năng lượng (khí lành) bên ngoài vào và loại hết thán khí trong cơ thể ra bằng cách thở ra đường miệng. Các động tác thể dục sau khi được hướng dẫn ở lớp tiền sản đều dễ tập, dễ thực hiện trên nền nệm cứng, phẳng hoặc ngay dưới sàn nhà.
Ngoài việc được học các bài tập thể dục, các sản phụ còn được học cách thở khi chuyển dạ giúp cho các bà mẹ giảm đau khi sinh. Có 4 kiểu thở khi chuyển dạ: thở ngực chậm, thở ngực nông (nhanh dần - chậm dần), thở ngắn - nhanh - nông và thở trong khi rặn đẻ.
Theo BS. Nghĩa, chuyên viên tư vấn và hướng dẫn các vấn đề về thai sản - Phòng giáo dục tư vấn trước sinh Bệnh viện phụ sản Hà Nội: "Việc tập thở đúng vô cùng quan trọng, từ khi cổ dạ con mở từ 2 đến 6cm người mẹ cần áp dụng thở ngực chậm, là kiểu thở cơ bản của chuyển dạ, mỗi lần 40 giây (lúc có cơn đau bụng). Khi cổ dạ con mở từ 6 đến 8cm, cơn đau trở nên quằn quại thì sản phụ cần áp dụng cách thở ngực nông. Giai đoạn chuyển dạ này rất nhiều sản phụ do đau quá nên nắm, vít rất khỏe. Bệnh viện phụ sản Hà Nội hiện nay chẳng còn cái cọc màn nào do các sản phụ vít cong hết cọc, nhân viên kỹ thuật phải nắn, chỉnh lại nhiều quá đã khiến các cọc màn hư hỏng cả. Năm 2000 chúng tôi chính thức áp dụng kiểu thở này trong việc hướng dẫn cho sản phụ sắp sinh. Trước khi đầu em bé lọt ra ngoài người mẹ lại cần áp dụng phương pháp thở ngắn - nhanh - nông để ngăn cơn buồn rặn sớm...".
Rất nhiều bà mẹ sinh con lần 2 vẫn theo học các lớp tiền sản dù lần sinh đầu đã từng học, bởi các bài học thực sự giúp cho việc chuyển dạ bớt đau đi rất nhiều và việc chăm sóc bản thân, nuôi dưỡng con cũng đúng cách và khoa học hơn.
Hải Nguyệt
Bình luận (0)