Nền giáo dục của nước ta từ lâu đã nặng về ứng thí, học chủ yếu là để đi thi, đối phó với thi cử, để có điểm, để có tấm bằng làm công cụ tiến thân, để làm quan, chứ chủ yếu không phải để có kiến thức, năng lực.
Cho nên có chuyện học giúp, đi thi hộ, học ít mà có được tấm bằng là tốt, không học mà có được tấm bằng càng tốt, mua bằng, bán điểm, chạy chọt, quà cáp, biếu xén. Từ đó, việc dạy và học trở nên hình thức, thậm chí nặng nề, khổ dịch, có không ít trường hợp không còn quan hệ thầy - trò, mà như khách hàng buôn chuyến. Tất nhiên cũng phải nói rằng, từ xưa đến nay vẫn có một bộ phận, dù chưa nhiều lắm những người học thật sự, ham muốn hiểu biết thật sự, đã có những tấm gương tự học và thực học. Có người không có trong tay tấm bằng đại học nhưng giỏi hơn nhiều tiến sĩ, xứng đáng là học giả.
Đổi mới giáo dục khuyến khích việc tự học, chuyển quá trình đào tạo thành tự đào tạo, thực hiện giảng ít, học nhiều, lấy học trò làm trung tâm của giáo dục đào tạo. Nói vậy không có nghĩa vai trò của người thầy sẽ giảm xuống mà ngược lại còn tăng lên, làm thầy khó hơn trước. Người thầy không phải là người truyền thụ áp đặt những gì mình có mà như một nhà khoa học, tâm lý, nhà văn hóa, người nghệ sĩ... luôn phát hiện những tiềm năng sâu xa ẩn chứa, những nguồn năng lượng bền vững và vô tận ở người học, kích thích và thúc đẩy các yếu tố bên trong mỗi con người để phát triển, tạo ra năng lực tự nó.
Có ý kiến cho rằng, khi truyền giảng (áp đặt) thì người học chỉ tiếp thu một phần nhỏ, khoảng 15%, khi tự học họ có thể tiếp thu hơn một nửa, khoảng 60% và khi học thông qua công việc thực tế họ có thể tiếp thu tới 90%, cao nhất. Tất nhiên các tỷ lệ này cũng chỉ là tương đối, dù có điều tra để nghiên cứu. Điều đó cho thấy công việc quan trọng nhất của người thầy là tổ chức hoạt động học tập cho học sinh sao cho hiệu quả nhất về phát triển năng lực và giúp đỡ cho học sinh tự học. Thầy dạy trở thành thầy học, tức là làm thầy về việc học, giúp học sinh biết cách tiếp cận, cách giải quyết vấn đề, biết tự học một cách hiệu quả. Còn đối với người học thì việc tự học và tham gia hoạt động học là quan trọng và hiệu quả nhất. Để việc học đạt hiệu quả cao, trước nhất là thực sự mong muốn, khao khát hiểu biết, có nhu cầu và động lực từ bên trong, giống như bản năng, như thói quen của con người, như cần ăn, uống, hít thở không khí, có tình yêu và sự đam mê. Tiếp đến là phương pháp tiếp cận, biết hỏi là biết cách học. Không phải học một lần mà là học suốt đời, thường xuyên và chăm chỉ, tìm tòi, cập nhật và sáng tạo không ngừng, luôn biết phản biện với chính mình, phản biện những điều đã ghi trong sách vở, để nhờ đó mà liên tục đổi mới tư duy, tiếp cận ngày càng gần hơn với chân lý.
Thực tế cho thấy, nhiều học giả, trí thức lớn, họ trở thành học giả chủ yếu nhờ tự học, thường xuyên, không mệt mỏi và có phương pháp tiếp cận tốt.
Tự học là học thật. Chỉ có học thật mới thành học giả. Học giả là người thường xuyên học thật. Còn học một cách hình thức, giả dối thì chẳng bao giờ có thể thành học giả. Còn nếu định học cho có tấm bằng để mua chức quan là chuyện khác. Mua quan cũng là thực dụng và cũng có thể được lợi lớn, nhưng cái mất chắc chắn lớn hơn nhiều, kể cả đánh mất chính mình. Quan lớn không nên dạy cho quan nhỏ biết mua quan. Thầy giáo không nên dạy cho học trò biết mua điểm, mua bằng, vì bản thân việc đó là vô giáo dục, vô văn hóa, không có thực học, nên cũng không “tạo ra” được học giả.
V.N.H
(Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư)
Bình luận (0)