Giáo sư Chu Phong, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế của ĐH Bắc Kinh, hôm 10.1 đã trình bày tại Singapore về “Nhìn nhận của Trung Quốc về vai trò của Mỹ ở Đông Nam Á (ĐNA)”. Bài thuyết giải nằm trong khuôn khổ Diễn đàn dự báo khu vực năm 2013 do Viện Nghiên cứu Đông Á (ISEAS) thuộc ĐH Quốc gia Singapore tổ chức. Cùng với ông Chu trong cuộc thảo luận về “Địa chính trị và dự báo chiến lược an ninh ĐNA” là Giám đốc Trung tâm Đông - Tây Washington (Mỹ) Satu Limaye và tiến sĩ Ian Storey thuộc ISEAS.
Ông Chu, cũng như tiến sĩ Limaye, có bài phát biểu chuẩn bị rất chu đáo nhưng không đọc bài, mà diễn thuyết. Ông không dùng lời lẽ sáo rỗng mà thay bằng ngôn ngữ đơn giản, đôi khi nhún nhường nhưng lại không thiếu tính đe dọa. Gần như bác bỏ toàn bộ thông điệp hòa bình về chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương mà ông Limaye đưa ra, ông Chu đổ lỗi rằng chính chiến lược này đã gây căng thẳng trong khu vực và dẫn đến những hành động cứng rắn của Trung Quốc trong các tranh chấp lãnh thổ. Ông cho rằng chiến lược của Mỹ khắc sâu cảm giác về “thế cuộc an ninh tiến thoái lưỡng nan”, gây ra “sự bất tín chiến lược” giữa Bắc Kinh và Washington và đặc biệt ảnh hưởng đến “không gian chính trị và ngoại giao” thân thiện truyền thống Trung Quốc - ASEAN.
|
Ông cũng cảnh báo: “Chiến lược tái cân bằng của Mỹ có thể làm hỏng những tính toán an ninh của Trung Quốc, nhưng không nhất thiết làm tổn hại việc hợp tác kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc với ĐNA”. “Cũng khó để mà nói rằng chiến lược của Mỹ có thể làm yếu đi tuyên bố chủ quyền truyền thống của Trung Quốc ở biển Đông. Trong thực tế, phản ứng khắc nghiệt của Mỹ không dẫn tới việc Trung Quốc mềm dẻo hơn hay thỏa hiệp”, ông Chu tuyên bố. Với ASEAN, ông “nhắc nhở” khối có thể gia cố sự hợp tác với Bắc Kinh trước bất kỳ đề xuất nào về dàn xếp vấn đề biển Đông. Ông cũng nói thẳng, “Bắc Kinh thích làm việc song phương” với các nước có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông hơn.
Bị chỉ trích
Trong bài tham luận với chủ đề “Trục quan hệ Mỹ - Trung - ASEAN trong vùng biển ĐNA”, tiến sĩ Ian Storey nhìn nhận rằng Mỹ trở nên dính líu nhiều hơn trong vấn đề biển Đông từ khi căng thẳng bắt đầu năm 2007-2008 với việc Trung Quốc gây áp lực lên các tập đoàn dầu khí của Mỹ hoạt động ở đây. Tiếp theo là tuyên bố chủ quyền đường lưỡi bò của Trung Quốc “liếm” đến 80% biển Đông. Gần đây là các hành động gây hấn như cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam, đụng độ với Philippines ở bãi cạn Scarborough, mời thầu 9 lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, lập cái gọi là thành phố Tam Sa và đồn trú quân giữa biển Đông… khiến không chỉ Mỹ mà cả thế giới đều quan ngại.
Mặt khác, Trung Quốc không hề tỏ thiện chí muốn giải quyết tranh chấp một cách công bằng, minh bạch theo công pháp quốc tế. Bằng chứng là thái độ khó hợp tác trước việc xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử biển Đông, theo ông Storey.
Gần 400 cử tọa gồm các học giả, nhà quân sự, ngoại giao… tham dự diễn đàn đã gửi ông Chu nhiều câu hỏi cật vấn đề tính pháp lý của tuyên bố chủ quyền đường lưỡi bò, lý do Trung Quốc không tháo gỡ căng thẳng bằng cách đưa tranh chấp ra tòa án quốc tế và liệu thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc có lập trường cứng rắn hơn và dùng giải pháp quân sự để giải quyết tranh chấp?
Cũng với những luận điệu và biện bạch không mới trong vấn đề này, ông Chu không thuyết phục được cử tọa về một Trung Quốc “trỗi dậy hòa bình” và “chính nghĩa” của nước này trong vấn đề biển Đông. Riêng về thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc, ông Chu cho rằng: “Với những ám ảnh nội địa nặng trên vai ông Tập Cận Bình, ít có khả năng chính sách của Bắc Kinh về biển Đông sẽ cứng rắn hơn”.
Nhà quan sát Ian Storey cho rằng tình hình biển Đông sẽ không có cải thiện nhiều trong năm 2013. Tuy nhiên, theo ông, ASEAN dưới sự chủ trì của Brunei, quốc gia ít gần gũi với Trung Quốc, sự đồng thuận nội khối sẽ dễ đạt được hơn.
Philippines cảnh báo “hành động đe dọa” từ Trung Quốc Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario ngày 10.1 tuyên bố những hành động “mang tính đe dọa” từ Trung Quốc nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền của họ ở các vùng biển tranh chấp đang gây nguy cơ bất ổn cho châu Á, theo AFP. Tuyên bố trên được nêu ra sau khi Tân Hoa xã dẫn lời Cục trưởng Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc Lưu Tứ Quý ngang ngược tuyên bố sẽ tiếp tục ngăn chặn các tàu Việt Nam, Philippines và Nhật Bản trong những vùng biển Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Trước đó, trong cuộc thảo luận với người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida, Ngoại trưởng Rosario đề nghị Tokyo nhanh chóng cung cấp 10 tàu tuần tra cho Manila như đã thỏa thuận, theo Đài NHK. Chuyến thăm Philippines của ông Kishida nằm trong chiến lược đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Đông Nam Á của Nhật. Tuần tới, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẽ thăm Việt Nam, Thái Lan và Indonesia. Dự kiến, ông sẽ tuyên bố tăng cường hợp tác an ninh và kinh tế với 3 nước, theo Kyodo News. Văn Khoa
Thục Minh
(VP Singapore)
>> Mỹ - Trung bất hòa về dự thảo quốc phòng
>> Hai người Mỹ trúng số độc đắc 550 triệu USD
>> Mỹ - Trung đua tàu không gian
>> Thái Lan giữa hai thế lực Mỹ - Trung
>> Thương mại Mỹ - Trung lại căng thẳng
Bình luận (0)