Sau khi kết thúc chương trình tàu con thoi, Mỹ đang tất bật triển khai dự án tàu không gian chiến lược và tập trung triển khai các sứ mệnh bí mật về tàu không gian không người lái X-37B. Theo trang Space.com, mọi thông tin về chương trình trên đều được giấu kín, khiến xuất hiện nhiều đồn đoán rằng X-37B (tên chính thức là thiết bị thử nghiệm quỹ đạo) có thể là vũ khí không gian mới của Mỹ, được dùng để do thám từ không gian, tấn công vệ tinh đối phương, hoặc mang theo đầu đạn hạt nhân/vũ khí laser. Có người, như tiến sĩ David Baker - biên tập viên của tạp chí Spaceflight, còn đưa ra khả năng Lầu Năm Góc có ý đồ dùng X-37B để theo dõi các thiết bị của Trung Quốc trên quỹ đạo như tàu Thần Châu và Trạm không gian Thiên Cung 1. Đó là chưa kể một chuyên gia quốc phòng Mỹ hồi tháng 4 tiết lộ với tờ The Washington Times rằng tàu X-37B có khả năng phá hủy các thiết bị cảm biến, đe dọa được vũ khí của địch.
|
Do đó, giới chuyên gia đang hết sức chú ý thông tin về việc Trung Quốc cũng đang ra sức thử nghiệm tàu không gian không người lái mang tên Thần Long. “Từ những thông tin và hình ảnh hiếm hoi hiện nay, có thể thấy Thần Long tương tự X-37B nhưng nhỏ hơn nhiều”, Space.com dẫn lời chuyên gia Mark Gubrud của ĐH Princeton (Mỹ) cho biết. Tin tức về Thần Long bắt đầu xuất hiện từ năm ngoái khi một vài tờ báo của Trung Quốc đưa tin về chuyến bay thử của Thần Long. Trong đó có chi tiết một máy bay ném bom phản lực Tây An H-6 đã thả thiết bị này từ độ cao không được tiết lộ. Nhưng cũng như chương trình X-37B của Mỹ, bản chất của dự án Thần Long đến nay vẫn là điều bí ẩn. Chuyên gia Gubrud dự đoán nếu các kỹ sư không gian của Trung Quốc thành công với phiên bản đang thử nghiệm, Bắc Kinh có thể tiếp tục phát triển phiên bản lớn hơn. Hiện chỉ mới biết Thần Long dài từ 5,2 đến 5,8 m, cao khoảng 1 m, có thể được phóng bằng tên lửa Trường Chinh.
|
Theo chuyên gia Gubrud, nỗ lực phát triển X-37B hoặc Thần Long của Mỹ và Trung Quốc là một cách để phô trương lực lượng ở lĩnh vực còn quá mới mẻ là vũ khí không gian. Joan Johnson-Freese, giáo sư ngành an ninh của Trường U.S. Naval War College (Mỹ), thì lo ngại công nghệ thiết bị không gian không người lái “có thể gây bất ổn nếu nó thúc đẩy các nước lao vào một cuộc đua”. Như đã nói ở trên, một số nhà phân tích từng tuyên bố rằng công nghệ này có thể được vận dụng cho các mục đích do thám hoặc vận chuyển vũ khí lên không gian. Bên cạnh đó, Space.com dẫn lời giới quan sát nhận định sự xuất hiện của Thần Long ngay sau khi X-37B lộ dạng cho thấy Bắc Kinh quyết tâm theo sát Washington trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng.
Các chuyên gia theo dõi chương trình không gian Trung Quốc cũng không ngạc nhiên về tham vọng của nước này trong lĩnh vực quân sự không gian. Theo Dean Cheng của Trung tâm nghiên cứu châu Á thuộc Quỹ Heritage, cơ quan ngôn luận của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc là tờ PLA Daily gần đây thường xuyên có bài viết về tầm quan trọng của các chiến dịch quân sự không gian trong tương lai. Vì thế, “Trung Quốc sẽ khó ngồi yên trước những thứ như X-37B hay tàu lượn siêu thanh X-43 của Mỹ”, ông Chen nói.
|
Thụy Miên
>> Cuộc đua “xâm lược” không gian
Bình luận (0)