Học giả Trung Quốc ngụy biện trong hội thảo Biển Đông tại Việt Nam

23/11/2015 14:44 GMT+7

Song song với việc Trung Quốc tiếp tục gây hấn ở Biển Đông, học giả nước này cũng hòa cùng giọng điệu với chính quyền, ngụy biện cho hành động bất chính của Trung Quốc bất chấp sự phản đối của các nước và học giả quốc tế.

Song song với việc Trung Quốc tiếp tục gây hấn ở Biển Đông, học giả nước này cũng hòa cùng giọng điệu với chính quyền, ngụy biện cho hành động bất chính của Trung Quốc bất chấp sự phản đối của các nước và học giả quốc tế.

Học giả Trung Quốc bào chữa vụ Biển Đông trong hội thảo tại Việt Nam - Ảnh: Minh QuangHọc giả Trung Quốc bào chữa vụ Biển Đông trong hội thảo tại Việt Nam - Ảnh: Minh Quang
Tại hội thảo về Biển Đông lần thứ 7 khai mạc sáng nay 23.11 tại thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), trong khi căng thẳng ở Biển Đông chưa có dấu hiệu giảm từ phía Trung Quốc thì các học giả của nước này tiếp tục khẳng định hành động của Bắc Kinh ở vùng biển này là "phù hợp và không ảnh hưởng đến an ninh khu vực" (?).
Ông Thẩm Đinh Lập, Phó giám đốc Học viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế, Đại học Phúc Đán, Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh đang kiềm chế ở Biển Đông trong khi sự gây hấn đến từ các nước.
“Nhiều nước xây đắp trên các đảo ở Biển Đông nhưng không thấy nước nào phản ứng, nhưng khi Trung Quốc làm thì tất cả mọi người cùng phản đối. Đó là không công bằng”, ông Thẩm Đinh Lập, phát biểu trong hội thảo về Biển Đông tại Vũng Tàu.
Ông Thẩm Đinh Lập cho rằng Trung Quốc không phải là nước khởi xướng, đi đầu trong các hoạt động xây đắp ở Biển Đông mà chỉ là nước theo sau. “Nhiều tiền đồn được các nước xây dựng ở khu vực này buộc Trung Quốc phải làm theo. Trung Quốc chỉ là làm quá nhanh mà thôi”, ông Thẩm bao biện.
Phát biểu trước các đại biểu là các học giả của các viện nghiên cứu quốc tế, ông Thẩm thừa nhận rằng việc xây dựng của Trung Quốc được thực hiện quá nhanh và quá rầm rộ khiến các nước cùng nhau phản đối. Tuy nhiên, ông này vẫn cho rằng việc làm của Trung Quốc là phù hợp. Thậm chí, ông ta còn lặp lại giọng điệu của chính quyền Bắc Kinh rằng cả việc quân sự hóa trên đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam cũng là vì mục đích phòng thủ!
Đại diện giới học thuật Trung Quốc còn ngang ngược cho rằng lập luận dựa vào luật biển quốc tế năm 1982 (UNCLOS) làm nền tảng cho tranh chấp ở Biển Đông là không thể được chấp nhận.
“Các qui định chi phối những lợi ích hàng hải không thể làm nền tảng cho tranh chấp liên quan đến lãnh hải”, ông Thẩm nói.
Hội thảo Biển Đông thu hút các học giả quốc tế - Ảnh: Minh Quang
Hội thảo Biển Đông thu hút các học giả quốc tế - Ảnh: Minh Quang
Tuy nhiên, bà Liselotte Odgaard từ Học viện Quốc phòng Hoàng gia Đan Mạch cho rằng giải thích của học giả Trung Quốc là không hợp lý và những phản ứng của Bắc Kinh ở Biển Đông đang thực sự là mối đe dọa của khu vực.
Bà Liselotte cho rằng Trung Quốc đang cố gắng sử dụng nhiều cách tiếp cận để gây ảnh hưởng ở Biển Đông, từ biện pháp mang tính ngoại giao đến đe dọa vũ lực. “Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng chưa có gì rõ ràng trong đối sách đe dọa quân sự của Trung Quốc. Trung Quốc đang muốn ngăn cản sự can thiệp và ảnh hưởng của Mỹ nhưng đồng thời cũng muốn kiểm soát các nước”, bà Lislotte nói.
Trao đổi với Thanh Niên, giáo sư Carl Thayer, Trưởng khoa khoa học xã hội và nhân văn, Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc, cho biết Trung Quốc luôn biện minh cho những hành động gây hấn của mình và lấy lý do những hành động của nước khác làm cái cớ cho chính hành động của mình,
Bình luận về phát biểu của ông Thẩm cáo buộc rằng nhiều nước xây dựng tiền đồn ở Biển Đông, trong đó có Việt Nam, ông Thayer cho rằng thật phi lý khi so sánh hành động nhỏ, không gây ảnh hưởng đến an ninh của các nước với hành vi của Trung Quốc trên qui mô lớn, xây dựng nhiều đảo nhân tạo cùng các đường băng phục vụ quân sự đe dọa cả khu vực. "Trung Quốc chỉ muốn chơi trò chơi của mình", ông Thayer nói.

Hội thảo Khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 7 với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” do Học viện Ngoại giao, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam phối hợp tổ chức tại thành phố Vũng Tàu từ ngày 23 đến ngày 24.11.2015.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.