Xe

Học giả Trung Quốc: Phân chia biên giới biển là hàng đầu trong xử lý tranh chấp

25/07/2016 18:37 GMT+7

Sau bài khuyên Trung Quốc từ bỏ đường 9 đoạn, học giả Trung Quốc Lý Lệnh Hoa tiếp tục đăng bài phân tích cách xử lý tranh chấp ở Biển Đông, trong đó việc phân chia ranh giới biển theo ông là quan trọng hàng đầu.

Trong bài viết mới này, ông Lý Lệnh Hoa cho biết “Trước tình hình Biển Đông không ngừng căng thẳng, cũng có không ít người dân Trung Quốc nêu ra vấn đề làm sao để các nước đều cùng khai thác phát triển biển đồng đều, giải quyết được những mâu thuẫn tranh chấp, cùng đạt được cái gọi là tất cả các bên đều thắng”.

Tuy nhiên học giả này cũng cho rằng đây là một suy nghĩ rất ngây thơ và mù quáng, bởi theo thực tiễn quốc tế cho thấy rằng, trước tiên cần phải chia rõ biên giới biển, thì mới hợp lý khi bước tiếp theo là bàn về việc cùng phát triển. Ông Lý Lệnh Hoa cũng lấy một ví dụ điển hình về khu vực cùng nhau khai thác dầu khí ở Hoa Đông với diện tích nhỏ giữa Trung Quốc và Nhật Bản tháng 6.2008 chỉ là tồn tại về mặt danh nghĩa. Ông cũng cho rằng giờ đây điều đáng thảo luận là việc xử lý các vấn đề theo tầng thứ cao thấp ở Nam Hải (tức Biển Đông) liệu có tác dụng hay không.

Tàu hải cảnh và trực thăng của Trung Quốc diễn tập gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ngày 14.7.2016 Reuters

Ông Lý Lệnh Hoa cũng đề cập tới bài Vấn đề biển Đông cần chia tầng thứ ra để giải quyết của ông Hứa Lợi Bình - nhà nghiên cứu chiến lược toàn cầu quốc gia của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, đồng thời cũng là nhà nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu hợp tác đổi mới Biển Đông, đã đăng trên tờ Thời báo Hoàn Cầu ngày 23.7.

Học giả Lý Lệnh Hoa - Ảnh NVCC       

Theo đó, ông Hứa Lợi Bình nhận xét rằng, vấn đề Biển Đông gần đây đã phát triển theo hướng phức tạp hóa và quốc tế hóa. Tình trạng “sốt cao không dứt” này là mối đe dọa lớn nhất đối với tình hình hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Ông Bình cũng cho rằng việc xử lý vấn đề Biển Đông cần phân rõ tầng thứ, nhằm có lợi cho việc các bên cùng kiểm soát tình hình, tăng cường ý thức hợp tác, có lợi cho vấn đề Biển Đông được “hạ nhiệt”.

Thực chất vấn đề của Biển Đông là tranh chấp chủ quyền đảo, nhưng xung quanh Biển Đông còn tồn tại nhiều vấn đề khác như tranh chấp khu vực đánh bắt cá, tội phạm trên biển, cứu nạn hàng hải…, theo ông Bình. Nếu chia rõ tầng thứ của những vấn đề này thì Biển Đông có thể “hạ sốt”, đồng thời cũng có thể giải quyết những tranh chấp chủ quyền trên đảo, đem lại nền tảng chính trị tin tưởng lẫn nhau.

Ông Lý Lệnh Hoa cũng thống nhất với ý kiến nhận xét của ông Hứa Lợi Bình rằng vấn đề Biển Đông đang phát triển theo chiều hướng phức tạp hóa và quốc tế hóa, và tình trạng “sốt cao không dứt” này là mối đe dọa lớn nhất đối với tình hình hòa bình và ổn định ở biển Đông. Ông Hoa đánh giá, cách nhìn trên là hoàn toàn khách quan.

Tuy nhiên học giả Lý Lệnh Hoa cho rằng ông Bình coi “thực chất vấn đề của Biển Đông là tranh chấp chủ quyền đảo” là chưa toàn diện. Bởi theo ông Hoa, ở đây còn cần bao gồm cả vấn đề phân định biên giới Biển Đông. Ông Hoa đánh giá những vấn đề mà ông Bình đã nêu trong bài viết như: giữ tàu do tranh chấp khu vực đánh cá, bắt ngư dân trên Biển Đông… thực chất là những chuyện đã xảy ra quá nhiều và tồn tại từ rất lâu.

Ông Hoa chỉ rõ nguyên nhân chính của các vấn đề trên thực chất là do các nước có liên quan đều chưa có đường biên giới biển chính thức mà tạo thành. “Nếu giữa các nước có được đường biên giới biển hợp tình hợp lý, thì sẽ nhanh chóng giải quyết được mọi vấn đề liên quan tới đánh bắt cá, cứu nạn hàng hải, tội phạm biển… Trái lại, nếu thiếu biên giới biển, mọi sự kiện xung đột xảy ra vẫn sẽ tiếp tục phát triển không ngừng và không thể phòng chống”, ông Lý Lệnh Hoa nhận xét.

Tàu cá Trung Quốc đánh bắt phi pháp gần đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa CRI

Vì vậy, ông Hoa cho rằng với tình hình Biển Đông còn căng thẳng như vậy, điều cần kíp nhất hiện nay của các bên có liên quan là phải thật bình tĩnh, cần tận dụng những hội nghị quốc tế, căn cứ vào luật quốc tế và thực tiễn quốc tế hiện nay, và điều cần nhất là bàn bạc xử lý về vấn đề chủ quyền đảo và việc phân định biên giới biển.

Ông Lý Lệnh Hoa cũng tiên liệu việc bàn thảo nếu chưa dứt điểm thì cần phải chia tầng thứ trước sau ra để xử lý, cần áp dụng phương pháp “cái dễ xử lý trước, cái khó xử lý sau”. Ông Hoa cũng kêu gọi những người làm quyết sách cho đất nước ông, cùng các nhà nghiên cứu và những người tham gia bàn thảo vấn đề này cần tập trung tinh lực và mục tiêu chính vào việc phân định biên giới biển.

Ông Lý Lệnh Hoa cũng châm biếm nhận xét, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Trung tâm nghiên cứu hợp tác đổi mới Biển Đông (do Đại học Nam Kinh Trung Quốc thành lập) đã nghiên cứu không biết bao lần về điều khoản phân định biên giới biển trong Công ước LHQ về luật biển năm 1982 (UNCLOS), kiên trì tuân thủ những bằng chứng và nhân tố lịch sử, tuy nhiên tới nay vẫn chưa có được điều gì mới mẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.