Học kiểu mới - Kỳ 3: Đa dạng cách tiếp cận sách giáo khoa

23/10/2013 09:00 GMT+7

Một điều dễ thấy, các mô hình hoặc chương trình học mới đang áp dụng ở các trường đều sử dụng 'sách giáo khoa' riêng ngoài bộ giáo khoa chính thống.

 Học kiểu mới
Học sinh Trường THCS Hồng Bàng (Q.5, TP.HCM) học môn vật lý với bộ tài liệu do giáo viên của TP.HCM biên soạn - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

>> Học kiểu mới - Kỳ 1
>> Học kiểu mới - Kỳ 2: Gặp khó khi thực hiện đại trà

Người trực tiếp giảng dạy biên soạn tài liệu

Từ năm học 2011 - 2012, Sở GD-ĐT TP.HCM triển khai thí điểm bộ tài liệu dạy học môn vật lý lớp 6 đến lớp 8 trong một vài trường THCS. Đến nay có khoảng 21 quận huyện đã sử dụng bộ tài liệu này.

Giải thích lý do thực hiện tài liệu này, ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Do sách giáo khoa (SGK) hiện nay còn nhiều kiến thức hàn lâm và chỉ một nhóm chuyên gia thực hiện nên Sở biên soạn một bộ tài liệu hỗ trợ giúp giáo viên cũng như học sinh dễ hiểu, dễ sử dụng”. Cũng theo ông Chương, sản phẩm này được chính giáo viên trực tiếp giảng dạy thực hiện nên sẽ phù hợp với thực tế và yêu cầu của cuộc sống.

Từ năm 2009, Sở có chủ trương biên soạn bộ tài liệu hỗ trợ cho việc giảng dạy ở các trường THCS. Sở đã triệu tập hội đồng bộ môn gần 200 giáo viên tiến hành viết tất cả các môn học từ lớp 6 đến lớp 9. Mỗi bộ môn có khoảng 10 giáo viên có kinh nghiệm, vững kiến thức chuyên môn cùng bàn bạc, thảo luận với lãnh đạo Sở về chương trình, đưa ý kiến xây dựng, cấu trúc lại nội dung… Mục tiêu là tài liệu phải hay, dễ sử dụng để nâng cao chất lượng. Khi thực hiện phải đảm bảo nguyên tắc tuân thủ nội dung, chương trình, chuẩn kiến thức kỹ năng của Bộ nhưng thay đổi về cách tiếp cận. Chẳng hạn, cũng là kiến thức lý thuyết nhưng khi đưa vào tài liệu phải gần gũi với đời sống học sinh.

Hiện nay tất cả các bộ môn đã có tài liệu dưới dạng bản thảo, tuy nhiên Sở GD-ĐT TP.HCM chỉ mới đưa bộ tài liệu môn vật lý ra thí điểm. Giải thích lý do, ông Chương cho biết: “Khi SGK là pháp lệnh thì tất cả các tài liệu liên quan chỉ dừng lại ở mức độ tham khảo. Ngoài ra, vật lý là môn khoa học thực nghiệm nên giáo viên cũng như học sinh sẽ nhận thấy rõ sự khác biệt”.

Giáo viên hài lòng, học sinh hứng thú

Là người trực tiếp sử dụng bộ tài liệu này, bà Phan Thanh Thùy Linh, nhóm trưởng nhóm vật lý lớp 7 Trường THCS Hồng Bàng (Q.5), nhận định: “Điều đầu tiên khi tiếp cận với bộ tài liệu của Sở biên soạn là hình ảnh rất đa dạng nên tạo sự thích thú cho học sinh. Nội dung trong tài liệu vẫn bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng nhưng có tính ứng dụng, liên hệ thực tế khá cao, hướng dẫn thí nghiệm dễ hiểu, có tính lồng ghép, tích hợp”.

Cùng nhận định, bà Hồ Thị Tuyết Tơ, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3), cho biết: “Tài liệu hay. Học sinh dễ hiểu, giáo viên truyền tải đến người học hiệu quả hơn. Nội dung trong bài cũng ngắn gọn. Đặc biệt có kênh hình đẹp, thực tế”. Ông Nguyễn Trung Anh Vũ, tổ trưởng bộ môn vật lý trường này, nói rõ thêm: “Điều đặc biệt của tài liệu là có nhiều ví dụ, hình ảnh đa dạng và in màu. Nhiều hình ảnh chụp thực tế, gần gũi với học sinh…”. Ông Phạm Ngọc Tiến, Phó trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Khi biên soạn tài liệu này, tôi và những anh em cộng sự cũng dày công chụp ảnh thực tế, sao cho vừa gần gũi với học sinh, vừa phù hợp với nội dung bài giảng”.

Hầu hết các học sinh mà chúng tôi tiếp xúc đều bày tỏ sự thích thú với bộ tài liệu trên. Trần Bội Trân, học sinh lớp 7 Trường THCS Hồng Bàng (Q.5), cho biết: “Tài liệu có phần luyện tập, học sinh có thể áp dụng ngay nên dễ nhớ, hiểu sâu về lý thuyết. Ngoài ra, nếu những kiến thức liên hệ thực tế của SGK rất chung chung thì trong tài liệu rất cụ thể”. Một học sinh của Trường THCS Nguyễn Du (Q.1) nêu ví dụ: “Ở mục thế giới quanh ta, khi học đến kiến thức gương cầu lõm, trong tài liệu có đưa ra các ứng dụng của gương khi chế tạo bếp mặt trời. Khi học đến tác dụng của đèn led, chúng em còn biết phải tiết kiệm điện và đảm bảo an toàn điện khi sử dụng”.

Tuy nhận được nhiều phản hồi tích cực nhưng Sở GD-ĐT TP.HCM vẫn còn rất dè dặt. Ông Chương cho hay: “Sở mới chỉ có kế hoạch thí điểm trên tinh thần tự nguyện để rút kinh nghiệm. Nếu trong thời gian tới nhà nước tiến hành thay đổi chương trình, SGK thì Sở sẽ tiếp tục huy động nguồn lực trong ngành, căn cứ vào chuẩn kiến thức để biên soạn lại các bộ tài liệu khác”.

Những bộ sách ngoài sách giáo khoa

- Bộ sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại: Năm 2008 đánh dấu sự trở lại của bộ sách này khi Lào Cai xin thí điểm và sử dụng sách Tiếng Việt 1. Sau đó, Bộ GD-ĐT đã cho phép các địa phương  khác nếu có nhu cầu thí điểm với số lượng tăng dần theo từng năm. Đến năm học này, có 37 tỉnh thành trong cả nước chính thức áp dụng bộ sách cho khoảng 200.000 học sinh lớp 1 và Bộ cũng chính thức tuyên bố việc sử dụng bộ sách này không còn là thí điểm nữa.

- Bộ tài liệu dành cho mô hình trường học mới (VNEN): Những địa phương áp dụng mô hình VNEN không sử dụng bộ SGK hiện hành mà bộ tài liệu biên soạn lại trên cơ sở chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình. Cả nước có khoảng hơn 1.600 trường tiểu học áp dụng mô hình VNEN.

- Bộ sách của nhóm Cánh Buồm: Do nhà giáo Phạm Toàn chủ trì, ra mắt vào cuối tháng 9.2010 gồm: Văn, Tiếng Việt, Lối sống, Tiếng Anh và Khoa học - công nghệ lớp 1. Hiện nay, nhóm tiếp tục giới thiệu và phát hành bộ sách của các lớp tiếp theo ở cấp tiểu học.

Tuệ Nguyễn

Phải có một chương trình thật chuẩn xác trước

Trao đổi với Thanh Niên,  GS Đào Trọng Thi (ảnh), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, khẳng định: “Chỉ có thể thực hiện được nếu xây dựng và ban hành được một chương trình chuẩn đủ chi tiết. Còn chương trình hiện nay thì không đáp ứng được yêu cầu đó”.

 
Ảnh: Ngọc Thắng

* Ông nghĩ sao trước thực tế có những bộ sách đã được Bộ GD-ĐT thẩm định và cho phép thực hiện trong nhà trường một cách chính thức chứ không phải là sách tham khảo?

- Nếu chương trình như hiện nay mà có nhiều bộ SGK thì chuẩn kiến thức của các bộ SGK ấy sẽ khác nhau và học sinh có những nền tảng kiến thức khác nhau. Như vậy thì không đúng tinh thần một chương trình, nhiều bộ SGK. Phải có một chương trình đủ chi tiết để có thể biên soạn nhiều bộ SGK đảm bảo học sinh học bộ nào đều có một chuẩn kiến thức thống nhất để đi thi.

* Dù vậy nhưng việc các trường đang sử dụng những bộ sách khác ngoài bộ SGK hiện hành cũng cho thấy nhu cầu bức thiết về việc cần có nhiều bộ SGK. Theo ông, Bộ GD-ĐT có nên đề nghị sửa luật để được phép có nhiều bộ SGK hay không?

- Tinh thần là việc đổi mới chương trình - SGK sau 2015 phải được thực hiện một cách bài bản, tức là phải ban hành một chương trình chuẩn thật chuẩn xác, thật chi tiết đảm bảo cho phép biên soạn nhiều bộ SGK trên cơ sở chương trình đó. Chỉ khác nhau ở chỗ nhà nước không thể đầu tư cho nhiều bộ SGK vì nó quá tốn kém, bởi vậy nhà nước sẽ đầu tư cho một bộ SGK chuẩn. Còn các địa phương, các tổ chức, các cá nhân nếu có điều kiện, có ý tưởng thì có thể biên soạn nhiều bộ SGK khác. Nếu những bộ SGK đó thuyết phục được thầy giáo, học sinh thì người ta mua. Còn nhà nước thì không thể đầu tư được nhiều bộ SGK, chỉ có thể làm một bộ thôi.

* Theo ông, để thực hiện được mô hình một chương trình, nhiều bộ SGK thì điều kiện thiết yếu là gì?

- Nhiều bộ sách phù hợp với nhiều đối tượng, địa phương là tốt nhưng nó phải được tổ chức xây dựng một cách khoa học. Nghĩa là phải tổ chức ban hành bộ chương trình chuẩn một cách tương đối chi tiết và các bộ SGK nếu được đưa vào nhà trường thì cũng phải đảm bảo phản ánh đúng chương trình đó. Để an toàn nhất cho học sinh thì phải có cơ quan có thẩm quyền thẩm định và cho phép.

Chúng ta cũng phải làm đúng quy trình, phải có chương trình trước và chương trình đủ chi tiết. Các trường lựa chọn một trong những bộ sách đó trên cơ sở phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng và khả năng của học sinh, địa phương.

* Qua đợt giám sát của Thường vụ Quốc hội về chất lượng giáo dục phổ thông thời gian qua, ông nhận thấy nhu cầu về nhiều bộ SGK của các địa phương có lớn không, thưa ông?

- Có rất nhiều nơi nêu nguyện vọng cần có nhiều bộ SGK khác nhau. Nhưng các địa phương cũng cho rằng điều đó chỉ có thể thực hiện được khi chúng ta đảm bảo đủ những điều kiện như đã nói ở trên.

 Tuệ Nguyễn (thực hiện)

Bích Thanh - Minh Luân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.