Học kỹ năng từ những chuyến đi

10/10/2014 03:00 GMT+7

Bên cạnh việc tìm kiếm và tham gia các lớp học kỹ năng, bạn trẻ cũng có thể tự chọn cho mình một cách học khác đơn giản, thiết thực, hiệu quả. Đó là ở chính những chuyến công tác xã hội.


Thành viên Tổ chức từ thiện Cuộc sống sẻ chia chơi trò chơi cùng các em nhỏ vùng cao Đông Giang, Quảng Nam - Ảnh: H.N  

Tổ chức một chuyến đi tình nguyện cả trăm người để khám chữa bệnh, cấp phát thuốc, tặng quà, nhu yếu phẩm cho đồng bào nghèo ở tận những xã biên giới xa xôi, cách trở như huyện Tây Giang, Đông Giang (Quảng Nam), thì không thể không có kỹ năng. Đó là kỹ năng lập dự án, lên kế hoạch, lên danh sách nhân sự, phân công công việc, kiểm soát tài chính… Những kỹ năng này sẽ không ai dạy ai, khi bắt tay vào việc, mỗi thành viên đảm nhận các mảng sẽ phải tự xoay xở để hoàn thành tốt phần việc của mình.

Ngô Bảo Thiên, công tác tại Ngân hàng Á Châu - chi nhánh Đà Nẵng, thường tổ chức công tác xã hội, cho rằng khi tham gia những chuyến công tác xã hội, người trẻ sẽ được dấn thân, được trải nghiệm nhiều cảm giác mới mẻ, dám nghĩ dám làm… “Bên cạnh kỹ năng tổ chức, lập dự án nói trên, chúng tôi còn luyện cho mình kỹ năng thuyết phục người khác tin tưởng vào hoạt động của mình (khi vận động tài trợ), kỹ năng kiếm tiền tập thể để có kinh phí hoạt động, kỹ năng kết nối với các CLB đội nhóm khác để chuyến đi được hiệu quả”, Thiên cho biết.

Những thành viên nhóm thiện nguyện Ong Vàng (Hội An, Quảng Nam) cho biết chính những chuyến thiện nguyện đã cho họ được thỏa mãn cảm giác phiêu lưu mạo hiểm, khám phá những vùng đất xa xôi cách trở. “Phần nhiều thành viên của Ong Vàng lớn lên trong gian khó nên xoay xở khá tốt, chia sẻ với nhau kỹ năng ứng xử, giao tiếp và ứng phó với mọi tình huống. Hoạt động bề nổi của Ong Vàng là vận động quyên góp từ cộng đồng xã hội theo kiểu tích tiểu thành đại, nên những kỹ năng trên giúp ích rất nhiều”, anh Huỳnh Thanh, nhóm thiện nguyện Ong Vàng, tâm sự.

Theo Hoàng Nam thuộc Tổ chức từ thiện Cuộc sống sẻ chia, một số người trẻ lớn lên trong gia đình có điều kiện, được chiều chuộng nên đôi khi họ sống khép kín, thiếu sự sẻ chia với người khác và cũng không biết cách chia sẻ tâm tư, đôi khi dễ nảy sinh tiêu cực. Tham gia công tác xã hội, nhiều bạn đã thay đổi cách sống, quan niệm sống một cách tích cực.

“Đôi khi gặp khó khăn, áp lực trong cuộc sống, từ học hành, công việc, sự kỳ vọng của gia đình… cho đến chuyện tình cảm, nhiều bạn trẻ sẽ thấy mình rất vô dụng, đơn độc, tuyệt vọng… dễ hành xử tiêu cực. Nhưng tôi cam đoan, khi bạn mở lòng ra, đến với mọi người bằng những phần việc nhỏ nhất, mang lại niềm vui dù nhỏ cho những người nghèo, bạn sẽ tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống”, Nguyễn Phương Thảo, sinh viên Trường ĐH Duy Tân Đà Nẵng, người nhiều năm qua có mặt một cách tích cực và tháo vát trong các chuyến thiện nguyện, tâm sự.

An Dy

>> Dạy kỹ năng sống cho sinh viên
>> Tập huấn kỹ năng sống
>> Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ từ gia đình
>> Học kỹ năng sống miễn phí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.