|
Chào Phan Đăng Di. Anh hãy nói qua một chút về chương trình Cinema Land mà anh và cộng sự đang làm.
Cinema Land đã đi vào hoạt động từ hơn một năm nay tại Đà Nẵng. Ban đầu, Cinema Land được thành lập với mong muốn tập hợp người yêu điện ảnh nghiệp dư để làm những phim ngắn bằng điện thoại, máy ảnh. Chúng tôi viết dự án, đi tìm hỗ trợ từ các quỹ nước ngoài. Năm vừa rồi, chúng tôi tìm được 15.000 USD phục vụ cho việc thuê địa điểm, mua máy dựng phim, tổ chức các khóa học, mời một số nhà làm phim đến dạy với thù lao “tượng trưng”… Sau cùng, chúng tôi chọn ra 3 kịch bản để làm thành phim, mỗi phim được hỗ trợ đúng 10 triệu đồng, phim Không có gì quý được chọn chiếu khai mạc và tranh giải quốc tế tại LHP trực tuyến Yxine 2013.
Vậy theo anh, mô hình Cinema Land sẽ phát triển như thế nào?
Chúng tôi đang cố xoay xở. Những mô hình thu hút giới trẻ yêu điện ảnh thường ít nhận được sự giúp đỡ. Cinema Land buộc phải hoạt động trong quy mô nhỏ và tiết kiệm.
Có niềm tin hay không khi các trường điện ảnh lớn ở nước mình còn chưa sản xuất ra được nhiều đạo diễn làm nghề tốt, huống hồ là một tổ chức nhỏ?
Học điện ảnh và cơ hội tiếp xúc với điện ảnh thật sự là hai chuyện khác nhau. Sắp tới đây, khóa học diễn ra vào tháng 11 trong chương trình Gặp gỡ mùa thu sẽ được đích thân đạo diễn Trần Anh Hùng hướng dẫn. Chúng tôi gửi lời mời tất cả các nhóm làm phim ngắn trên khắp đất nước gửi dự án. 6 nhóm làm phim được chọn sẽ đến Đà Nẵng học với Trần Anh Hùng.
Trở thành nhà làm phim chuyên nghiệp là chuyện học cả đời, nhưng bạn nào cần khóa học ngắn mà hữu dụng thì có thể chọn chương trình này. Cinema Land luôn có sách hay và phim kinh điển nằm trong hệ thống giáo khoa của các trường điện ảnh thế giới. Đặc biệt, không phải lúc nào bạn cũng có cơ hội học điện ảnh với một đạo diễn tên tuổi như anh Hùng. Và tôi tin, việc cạnh tranh để được một trong 6 suất kia chẳng hề đơn giản.
Hoàn cảnh ra đời và tiêu chí hoạt động gần giống nhau, Cinema Land có hướng đến một LHP như Yxine đã làm được?
Đương nhiên, Cinema Land đã tính kế hoạch lâu dài. Bởi đơn giản, sinh hoạt điện ảnh nào cũng cần có đủ thời gian để mọi người dành cho nó sự quan tâm đúng mực. Vùng miền Trung nước ta không có nhiều hoạt động văn hóa. Thử so sánh hai thành phố biển Busan (Hàn Quốc) và Đà Nẵng (Việt Nam). Cách đây 20 năm, Busan là thành phố tuy phát triển, nhưng chỉ được biết đến như một công xưởng đóng tàu buồn tẻ, còn diện mạo văn hóa thì đáng ngại. Thanh thiếu niên xứ ấy chỉ quen lối sống Mỹ, xài hàng Mỹ, xem phim Mỹ… không biết gì về giá trị văn hóa dân tộc mình, nói gì đến các nước châu Á. Thế nên, họ quyết định tổ chức LHP Busan hướng trọng tâm vào điện ảnh Hàn và châu Á. Bây giờ thì Busan đã thành một LHP được cả thế giới biết đến.
Khởi nguồn từ những tác phẩm phim ngắn, liệu có khả thi cho ước mơ một LHP mang tầm diện mạo văn hóa khu vực?
LHP Busan từng có một bắt đầu không mấy thuận lợi, nhưng quyết tâm và suy nghĩ tại sao cần phải có một LHP của họ rất rõ ràng. Hãy nhìn xa hơn, một LHP lớn, ngoài góp phần giúp công nghiệp điện ảnh phát triển, còn kéo theo sự phát triển của du lịch và hình ảnh quốc gia, đó là điều không đáng mơ ước sao?
Ngân Vi
(thực hiện)
>> Đạo diễn Trần Anh Hùng: Ai ở VN bỏ tiền cho tôi làm phim, tôi làm ngay!
>> Danh thiếp ẩm thực Trần Anh Hùng
>> Trần Anh Hùng làm giám khảo LHP Thượng Hải 2011
>> Trần Anh Hùng làm giám khảo LHP Thượng Hải
>> Bộ phim 18 triệu USD của đạo diễn Trần Anh Hùng công chiếu tại Nhật
Bình luận (0)