Học loài cá để chữa suy tim cho người

Kiều Oanh
Kiều Oanh
22/11/2018 09:35 GMT+7

Các nhà khoa học Anh phát hiện một số gien trong cơ thể giúp cá có khả năng tự tái tạo, sửa chữa những mô tim hư tổn, từ đó mở ra hy vọng áp dụng cơ chế tuyệt vời này lên bệnh nhân suy tim.

Khả năng tái tạo mô tim hư tổn được phát hiện trên loài cá tetra giống Mexico, do một nhóm chuyên gia của Đại học Oxford (Anh) nghiên cứu.
Cụ thể, nhóm khoa học gia đã nghiên cứu về hai giống cá tetra Mexico, một sống ở sông và một sống trong hang động. Giống cá sống trong hang động cách đây tầm 1,5 triệu năm từng sống ở sông nhưng bị cuốn trôi dạt vào hang động do lũ lụt.
Giống cá này đã tiến hóa trong điều kiện tăm tối hoàn toàn của hang động, mất thị lực và mất màu sắc trên cơ thể.
So sánh giữa hai giống cá, các nhà khoa khọc phát hiện giống sống ở sông có khả năng tự chữa lành tim, còn giống sống trong hang động mất khả năng đó.
Họ cũng tìm ra hai gien: lrrc10 và caveolin đóng vai trò then chốt trong quá trình chữa lành tổn thương tim mà không để lại sẹo, theo BBC.
Được biết, sẹo tác động tới khả năng co bóp nhịp nhàng của tim, làm ảnh hưởng đáng kể đến chức năng bơm máu đi khắp cơ thể của cơ quan này.
Ở người, cả hai loại gien trên đều tồn tại.
Các nhà khoa học hy vọng phát hiện của họ sẽ mở ra những nghiên cứu mới để can thiệp vào hai gien kể trên cũng như các gien khác, từ đó trang bị cho con người khả năng tự tái tạo mô tim hư tổn như ở loài cá tetra Mexico sống ở sông.
Theo nhận định của giới chuyên môn, điều này rất có triển vọng với can thiệp bằng thuốc hoặc bằng các công cụ chỉnh sửa gien sẵn có, chẳng hạn như Crispr-Cas9.
Tổn thương ở cơ tim sau các cơn nhồi máu cơ tim xảy ra khá phổ biến trên khắp thế giới, trong nhiều trường hợp dẫn đến suy tim. Các tiến bộ trong y khoa để điều trị suy tim trong suốt thời gian qua là rất khiêm tốn, làm tỉ lệ tử vong và giảm thọ nghiêm trọng ở bệnh nhân là rất cao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.