|
Vượt hơn trăm cây số, chúng tôi tìm về nhà Nguyễn Văn Vịnh ở thôn Nghĩa An, xã Nghĩa Phương, H.Lục Ngạn, Bắc Giang. Vịnh đang học lớp 5 Trường tiểu học Nghĩa Phương 1 (xã Nghĩa Phương, H.Lục Nam, tỉnh Bắc Giang).
Vẫn lên lớp đều đặn
Giữa buổi trưa, Vịnh vừa nghêu ngao hát mấy bài hát thiếu nhi vừa vét cơm nguội cho gà ăn. Thấy có khách, Vịnh nhanh nhảu: “Bố mẹ cháu sắp về rồi ạ, chú vào trong nhà ngồi đợi cho mát”. Tôi ra bể nước xem cậu học sinh lớp 5 này làm việc nhà. Chỉ loáng một cái Vịnh đã bắc nồi cơm lên bếp, rồi nhóm lửa. Vịnh thủ thỉ: “Hôm nào cũng vậy, tan học là cháu lại đạp xe nhanh về nhà để nấu cơm. Sau đó đợi bố mẹ và em về ăn, tới 2 giờ chiều cháu lại đạp xe tới trường. Buổi chiều lớp cháu học lúc 2 giờ 15”.
Tới gần 12 giờ trưa, bố mẹ Vịnh đi làm về. Thấy tôi ngồi trò chuyện với cậu con trai, chị Vinh giọng như nghẹn lại, cho hay: “Đấy, cháu nó hoàn toàn khỏe mạnh bình thường, có chậm tiến hay đầu óc có vấn đề gì đâu mà nhà trường lại xếp cháu vào diện học hòa nhập cộng đồng. Không tin các chú có thể đi hỏi cả làng cả xã này xem thằng Vịnh bình thường hay ốm yếu bệnh tật. Tôi dám khẳng định đó chỉ là cái cớ để nhà trường biện hộ cho việc học tới lớp 5 mà con tôi vẫn không thể đọc thông viết thạo”.
Theo lời chị Vinh, đầu năm học lớp 4, gia đình phát hiện Vịnh chỉ có thể viết được tên của mình, cũng như tên trường, tên lớp và một vài chữ cái khác. Trong lần họp phụ huynh, chị Vinh giãi bày mong muốn các thầy cô làm sao để cháu được dạy bảo nhiều hơn, cần thiết thì cho cháu ở lại lớp để đọc, viết được. Nhưng cuối năm, Vịnh vẫn lên lớp 5, bất chấp việc không thể viết thành thạo. Nói tới đây, chị Vinh gọi cậu con trai tới bàn uống nước, rồi nói viết tên mình. Vịnh cầm bút rồi nắn nót từng nét chữ. Phải khá lâu sau Vịnh mới viết nổi tên - Nguyễn Văn Vịnh. Nhưng khi bảo Vịnh lần lượt viết họ tên của bố mẹ, các anh em, thì cậu học trò lớp 5 chỉ biết lắc đầu, cắn bút. Khi tôi nghĩ từ ngắn hơn “bầu trời” để Vịnh viết, em cũng chỉ viết được một từ, mà còn nhầm từ “bầu” sang “đầu”, còn từ “trời” Vịnh không tài nào đánh vần để viết nổi.
Cho lên lớp vì sợ ảnh hưởng tới học sinh khác
Ông Thân Văn Lăng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nghĩa Phương 1, cho biết từ năm lớp 3, khi phát hiện em Vịnh không thể đọc viết thạo như các bạn cùng trang lứa, nhà trường đã cử nhiều lượt thầy, cô dạy giỏi kèm nhưng đều bất thành. Theo ông Lăng, Vịnh có vấn đề về việc tiếp thu bài vở, nói hôm nay, mai quên nên học hành không tiến bộ. Thầy Lăng cho hay: “Với những biểu hiện trên, nhà trường quyết định lập danh sách đưa cháu vào diện học hòa nhập cộng đồng và hiện nhà trường đang thành công trong việc đưa cháu Vịnh hòa nhập cộng đồng”.
Dù không thể đọc thông viết thạo nhưng Vịnh vẫn lên lớp hằng năm. Lý giải điều này, ông hiệu trưởng cho rằng: “Với em Vịnh thì học lại một năm hay nhiều năm thì cũng khó mà tiếp thu được kiến thức của giáo viên giảng trên lớp. Và cũng chính vì sợ ảnh hưởng tới các em khác nên chúng tôi để em lên lớp, chứ không hoàn toàn là do chạy theo thành tích”.
Không đồng tình với quan điểm cũng như cách lý giải của Trường tiểu học Nghĩa Phương 1, anh Nguyễn Văn Chung, phụ huynh của Vịnh, bức xúc: “Nhẽ ra học yếu như Vịnh thì cần phải giữ lại lớp để học thêm. Nhà trường đã không làm như vậy mà lại giấu gia đình, tự ý liên hệ với trạm y tế của xã để xác nhận cháu Vịnh có vấn đề về sức khỏe”. Vẫn theo anh Chung, khi có được xác nhận của trạm y tế xã, nhà trường mặc nhiên chuyển cháu qua diện đang theo học hòa nhập cộng đồng. Điều này đồng nghĩa với việc cháu Vịnh con anh có học dốt, đọc không thông, viết không thạo thì vẫn được lên lớp bình thường.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Hà Kế Sen, Trưởng thôn Nghĩa An, cho biết việc cháu Vịnh học tới lớp 5 mà đọc và viết đều không thạo là có thật. Tuy nhiên, ngoài giờ lên lớp, Vịnh hoàn toàn bình thường, khỏe mạnh như những đứa trẻ khác trong thôn. “Hết giờ học, khi bố mẹ đi làm thêm, cháu Vịnh còn phải trông em, lo việc nhà… Người ngoài nhìn vào cũng đủ thấy cháu hoạt bát, khỏe mạnh nên nói cháu có vấn đề về trí tuệ, phải học diện hòa nhập cộng đồng là vô lý”.
Hà An
>> Thiếu năng lực hay vô trách nhiệm ?
>> “Trả” bé thiểu năng ra đường
>> Thiểu năng trí tuệ vẫn cần "yêu
>> Thiếu nắng dễ còi xương
>> 1,5% dân số bị thiểu năng
Bình luận (0)