Học lựa chọn, thi tốt nghiệp THPT mấy môn là phù hợp?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
23/03/2023 07:08 GMT+7

Trong dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 Bộ GD-ĐT mới công bố, nhiều ý kiến quan tâm góp ý về việc thi mấy môn, thi môn nào thì phù hợp...

LẦN ĐẦU TIÊN THI TỐT NGHIỆP THPT MÔN TIN HỌC, CÔNG NGHỆ ?

Theo dự thảo, ngoài 4 môn thi bắt buộc thì học sinh (HS) sẽ lựa chọn 2 trong 4 môn học mà các em chọn để học ở THPT gồm: địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ, tin học để dự thi. Như vậy, nếu dự thảo này được ban hành chính thức thì lần đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ có môn tin học và môn công nghệ. Ông Nguyễn Đức Hồng, Hiệu trưởng Trường THPT Minh Châu (Hưng Yên), nêu quan điểm tán thành việc đưa 2 môn này trở thành môn thi tốt nghiệp, vì như vậy sẽ góp phần "nâng cao vị thế môn học này và phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ hiện nay".

Học lựa chọn, thi tốt nghiệp THPT mấy môn là phù hợp ?  - Ảnh 1.

Học sinh lớp 10 năm nay sẽ là lứa thí sinh đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo hướng đổi mới

ĐÀO NGỌC THẠCH

Tuy nhiên, theo dự thảo, dù nằm trong số các môn học lựa chọn theo chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng âm nhạc và mỹ thuật không "xuất hiện" trong số các môn thi mà HS có thể lựa chọn. Cũng giống như âm nhạc và mỹ thuật, công nghệ và tin học là những môn nặng về thực hành. Hình thức thi trắc nghiệm chỉ có thể thi lý thuyết, vẫn ra được bộ câu hỏi thi… không đánh giá được năng lực thực hành, vốn là đặc thù của những môn học này.

Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), cho rằng trong xây dựng tổ hợp môn học lựa chọn cho HS học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, tổ hợp nào của trường ông cũng có môn tin học với mục tiêu HS phải có kỹ năng công nghệ thông tin để phục vụ việc học hiện tại và tương lai, sau này đi làm việc, không phải để thi. Việc kiểm tra ở trường học trong các kỳ thi tin học, HS đều phải làm bài trên máy tính. Tuy nhiên, nếu thi tốt nghiệp THPT môn tin mà HS chỉ làm trên phiếu trả lời trắc nghiệm thì không phù hợp.

Do vậy, theo ông Khang, nếu không tổ chức thi trên máy tính thì Bộ không nên đưa môn tin học vào vì thi trên giấy không đánh giá được năng lực thực sự của người học với bộ môn này; trong khi kỳ thi từ năm 2025 được nhấn mạnh là chuyển sang hướng đánh giá năng lực của người học. Thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi đại trà, khó tổ chức thi thực hành, nhưng những môn như tin học mà chỉ thi lý thuyết thì việc thi không có nhiều ý nghĩa. Hơn nữa, không phải học môn nào cũng thi tốt nghiệp môn đó. Vì vậy, Bộ nên cân nhắc kỹ lưỡng những môn đưa vào tổ chức thi tốt nghiệp, những môn không thi thì nhà trường vẫn có quyền xét "hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông" theo đúng tinh thần của luật Giáo dục 2019.

Học lựa chọn, thi tốt nghiệp THPT mấy môn là phù hợp?  - Ảnh 2.

Nhiều ý kiến đóng góp về số lượng môn thi cho phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025

NGỌC DƯƠNG


NÊN LINH HOẠT SỐ MÔN THI

Về 6 môn thi mà Bộ GD-ĐT dự thảo, một số ý kiến cũng tỏ ra băn khoăn. Một giáo viên tại một trung tâm luyện thi của Hà Nội cho biết: "Việc lựa chọn 2 trong 4 môn có hợp lý hay không mà không phải cho phép HS chọn 2 hoặc 3 môn thi. Ở đây không bàn về vấn đề học nhiều hay ít bởi vì khi đã lựa chọn tổ hợp các em thường chọn theo các khối truyền thống (3 môn và thêm 1 môn khác) nhưng nếu linh hoạt hơn, cho phép HS có thể chọn 3 môn thi lựa chọn thì sẽ thuận lợi cho việc tuyển sinh sau này (một số ngành nghề phải cần kiến thức tổ hợp cả 3 môn lý, hóa, sinh)".

HS có thể không được lựa chọn môn thi

Chị H.D, có con học lớp 10 Trường THPT Khương Hạ (Hà Nội), cho biết trường con chị là trường hiếm hoi ở Hà Nội có tổ chức dạy âm nhạc, mỹ thuật cho HS. Do vậy, 4 môn học lựa chọn trong tổ hợp môn mà nhà trường xây dựng thì có cả 2 môn là mỹ thuật và âm nhạc. Ngoài ra, có thêm 2 môn nữa là hóa học, giáo dục kinh tế và pháp luật. Theo dự thảo thi tốt nghiệp THPT 2025 mà Bộ công bố thì không có cả 2 môn mỹ thuật và âm nhạc. "Như vậy, mặc định là con tôi sẽ phải thi 2 môn còn lại dù có muốn hay không và cháu sẽ nằm trong những HS không được lựa chọn môn thi theo như tinh thần của phương án thi mà Bộ dự thảo", chị H.D nói.

Ông Nguyễn Bá Khương, Hiệu trưởng Trường THPT Hàm Long (Bắc Ninh), cho biết cơ bản đồng tình với dự thảo phương án Bộ GD-ĐT đưa ra. Riêng quy định với môn thi thì nên linh hoạt hơn. Để giảm áp lực cho HS, có thể thay đổi thành: HS thi 4 môn bắt buộc và 1 môn lựa chọn. Em nào có nhu cầu xét tuyển ĐH thì có thể chọn thêm một số môn nữa, còn xét tốt nghiệp chỉ cần chọn 1 môn thi. Cũng đưa góp ý liên quan đến nội dung này, ông Trần Huy, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Thủy (Phú Thọ), cho rằng cần có phương án song hành với xét tuyển ĐH. Nếu chỉ có nhu cầu xét tốt nghiệp, HS thi 4 môn bắt buộc là đủ. HS nào cần xét ĐH thì đăng ký thêm 2, 3 trên 4 môn tổ hợp lựa chọn.

Mặt khác, không ít ý kiến vẫn đề nghị Bộ GD-ĐT cần xác định rõ mục tiêu của kỳ thi này là xét tốt nghiệp THPT. Nếu không việc xác định môn thi, mức độ phân hóa của đề thi không tránh khỏi lúng túng và gây ra những băn khoăn như các ý kiến nêu trên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.