Trong chương trình, bạn đọc Phương Thủy (Bình Dương), thắc mắc: "Học ngành thiết kế nội thất sử dụng kỹ thuật vẽ trên máy để thiết kế hay như thế nào? Như vậy em có phải vừa giỏi vẽ vừa giỏi công nghệ thông tin không?".
PGS-TS Nguyễn Thị Hạnh Nguyên, Trưởng khoa Kiến trúc-Nội thất-Mỹ thuật ứng dụng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết: "Khi xét tuyển ngành này, nếu các em có điểm năng khiếu cao thì sẽ có nhiều thuận lợi, nếu thấp thì trong quá trình học ĐH, các em sẽ được rèn luyện nhiều hơn. Tuy nhiên, chỉ cần có đam mê, các em sẽ tự tin và có thể vượt qua những khó khăn".
Theo PGS-TS Hạnh Nguyên, ngành thiết kế thực ra không phải là vẽ, mà thiết kế là cần tư duy sắp xếp không gian, bố cục thế nào cho phù hợp và chạm được vào cảm xúc, thẩm mỹ, có tính nhân văn, giúp khách hàng thoải mái, thư giãn khi sử dụng sản phẩm.
"Nếu em giỏi công nghệ thông tin thì sẽ được hỗ trợ nhiều hơn. Quan trọng là có năng lực tư duy không gian, năng lực sáng tạo và yếu tố nghệ thuật. Vì từ ý tưởng đến bản vẽ và ra thực tế là cả một quá trình, là một chuỗi tư duy", PGS-TS Hạnh Nguyên nhận định.
Cũng liên quan đến môn năng khiếu vẽ, Ngô Quang Huy, học sinh Trường THPT Trần Phú (TP.HCM), hỏi: "Em muốn xét tuyển ngành kiến trúc thì có phải tham gia kỳ thi năng khiếu hay không? Nếu em không luyện thi thì liệu điểm có cao hay không?".
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho rằng có những thí sinh bộc lộ năng khiếu từ rất sớm, nhưng cũng có những em chỉ bộc lộ trong quá trình rèn luyện học tập ở tuổi trưởng thành.
"Ngành kiến trúc bắt buộc các em phải thi môn vẽ mỹ thuật. Nếu được rèn luyện vẽ ít nhiều từ bậc phổ thông thì có thuận lợi hơn trong kỳ thi năng khiếu và điểm rất cao do các em biết được bố cục, ánh sáng, trình tự thể hiện, cảm nhận không gian… Nếu thí sinh chưa bao giờ đặt bút vẽ bất cứ lần nào thì cơ hội đạt điểm trung bình đã là khó. Các em nên tham gia một khóa luyện vẽ trước khi thi", tiến sĩ Hải lưu ý.
Trong khi đó, tiến sĩ-kiến trúc sư Trần Trung Hiếu, giảng viên khoa Kiến trúc-Mỹ thuật Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, chia sẻ: "Cách đây 20 năm thì vẽ tay là yêu cầu tối thiểu phải có đối với một kiến trúc sư và nhà thiết kế nội thất. Nhưng hơn 10 năm nay, khi khoa học kỹ thuật phát triển và có sự hỗ trợ của công nghệ tiên tiến, trí tuệ nhân tạo… việc vẽ bằng tay không còn quá quan trọng. Tuy nhiên, các em vẫn được học vẽ tay ở trường ĐH để rèn luyện tính kiên nhẫn và đây cũng là phương pháp gần nhất để chạm tới cảm xúc thẩm mỹ".
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM, thì cho rằng bên cạnh việc lưu ý tới tố chất, tính cách, năng lực cá nhân để chọn các ngành liên quan đến năng khiếu như kiến trúc, mỹ thuật, thiết kế, thì người học phải nắm bắt được tâm lý phát triển của xã hội để nghiên cứu, đánh giá và đưa vào sản phẩm. Bên cạnh đó, giỏi ngoại ngữ và viết cách sử dụng các phần mềm công nghệ hỗ trợ là rất cần thiết đối với những ngành nghề thuộc lĩnh vực này.
Bình luận (0)