Học ngành ngoại ngữ có phải chỉ để đi dạy?

Ngọc Long
Ngọc Long
09/07/2023 14:56 GMT+7

Phá bỏ định kiến 'học ngành ngoại ngữ chỉ đi dạy', chuyên gia nhìn nhận khi thị trường càng quốc tế hóa, cơ hội việc làm cho sinh viên càng trải dài đa lĩnh vực như hàng không, du lịch, thương mại hay ngoại giao.

 Nếu biết nắm bắt cơ hội... 

Trong bối cảnh các doanh nghiệp quốc tế xúc tiến đầu tư vào Việt Nam, tiến sĩ Trương Gia Quyền, Phó trưởng khoa Ngữ văn Trung Quốc Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết nhân lực ở những ngành ngoại ngữ, nhất là ngành ngôn ngữ Trung đang có nhiều cơ hội việc làm hơn bao giờ hết. "Tương lai đang rất rộng mở với những ai nắm bắt được cơ hội", tiến sĩ Quyền nhận định.

'Rộng cửa' việc làm cho sinh viên các ngành ngoại ngữ - Ảnh 1.

Tiến sĩ Trương Gia Quyền, Phó trưởng khoa Ngữ văn Trung Quốc Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết sinh viên ngành ngôn ngữ Trung đang có nhiều cơ hội việc làm trong bối cảnh doanh nghiệp nước này xúc tiến đầu tư tại Việt Nam

NGỌC LONG

Qua khảo sát với nhiều doanh nghiệp, ông Quyền cho rằng để "vững chân" trong thị trường lao động, sinh viên trước hết phải có năng lực ngoại ngữ và dịch thuật lưu loát, vì ngoại ngữ tốt sẽ là cầu nối để doanh nghiệp đào tạo thêm. Hai yếu tố quan trọng không kém là năng lực vận dụng kiến thức chuyên môn vào thực tiễn công việc, cũng như các kỹ năng mềm, theo sau đó là trung thực, siêng năng và tinh thần trách nhiệm.

"Đến những năm cuối, sinh viên cần xây dựng định hướng nghề nghiệp cụ thể để thi lấy chứng chỉ hành nghề tương ứng nếu có. Theo đó, ngoài công việc giảng dạy, biên-phiên dịch, sinh viên ngành ngoại ngữ còn được chào đón ở các vai trò như hướng dẫn viên du lịch, tiếp viên hàng không, cán bộ ngoại giao...", tiến sĩ Quyền chia sẻ trong ngày hội giao lưu văn hóa quốc tế tại Trường CĐ Nova (TP.HCM) hôm 8.7.

'Rộng cửa' việc làm cho sinh viên các ngành ngoại ngữ - Ảnh 2.

Sinh viên trao đổi với diễn giả

NGỌC LONG

Bổ sung thêm, ông Nguyễn Tuấn Anh, đại diện Hiệp hội Giao lưu quốc tế về giáo dục và y tế (Nhật Bản), cho biết sinh viên ngành ngôn ngữ Nhật có một "đặc quyền" khi tham gia chương trình thực tập quốc tế tại Nhật. "Ngoài công việc chuyên ngành, các bạn còn được ứng tuyển ở tất cả ngành khác như ô tô, công nghệ thông tin... với vai trò dịch thuật cho thực tập sinh người Việt", ông Tuấn Anh thông tin.

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Quyên, Hiệu trưởng Trường CĐ Nova, nhìn nhận việc nở rộ các ngành học ngoại ngữ là một xu thế tất nhiên khi hội nhập quốc tế. "Nếu như trước đây, các bạn ngành này thường chỉ dừng ở việc giảng dạy thì nay cơ hội nghề nghiệp đã mở rộng không chỉ ở các công ty quốc tế tại Việt Nam, mà còn cả thị trường Đông Nam Á", bà Quyên nhấn mạnh.

'Rộng cửa' việc làm cho sinh viên các ngành ngoại ngữ - Ảnh 3.

Sinh viên trình diễn các tiết mục văn nghệ mang đậm màu sắc văn hóa của các quốc gia có ngôn ngữ mình đang theo học

NGỌC LONG

'Rộng cửa' việc làm cho sinh viên các ngành ngoại ngữ - Ảnh 4.

Hoạt động đấu kiếm được sinh viên trình diễn trên sân khấu

NGỌC LONG

Cũng theo thạc sĩ Quyên, định kiến "chỉ sinh viên ngành này mới làm được nghề này" cũng dần được cởi bỏ khi thị trường càng quốc tế hóa. Theo đó, sinh viên ngành ngoại ngữ hiện đã có thể tham gia vào các lĩnh vực như du lịch quốc tế, thương mại, quản lý giáo dục. "Đây cũng là 3 lĩnh vực đang khát nhân lực ngành này", bà Quyên cho hay.

"Vì vậy, ngoài thông thạo kiến thức và năng lực ngoại ngữ, các bạn cũng cần bổ sung kiến thức chuyên ngành để đáp ứng yêu cầu tuyển dụng. Ngoài ra, các bạn cũng nên mạnh dạn bước chân ra khỏi Việt Nam và đến quốc gia có ngôn ngữ mà mình đang học để cải thiện ngôn ngữ, đồng thời học hỏi văn hóa trực tiếp từ họ để có thêm trải nghiệm thực tế, phục vụ công việc tốt hơn", thạc sĩ Quyên nói thêm.

Nhân tố trong ngoại giao văn hóa

Ở góc nhìn khác, ông Mai Anh Thái, Giám đốc Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức ngoại giao và ngoại ngữ (Bộ Ngoại giao), cho hay sinh viên ngành ngoại ngữ là một "mảnh ghép" trong các hoạt động ngoại giao văn hóa giữa Việt Nam và các quốc gia khác, và đây cũng là cơ hội để các bạn phát triển bản thân lẫn sự nghiệp sau này vì ngoại ngữ là một trong những công cụ của ngoại giao văn hóa.

'Rộng cửa' việc làm cho sinh viên các ngành ngoại ngữ - Ảnh 5.

Theo ông Mai Anh Thái, sinh viên ngành ngoại ngữ đang có nhiều cơ hội tham gia vào hoạt động ngoại giao văn hóa

NGỌC LONG

"Trong quá trình học tập, sinh viên có thể tổ chức những buổi giao lưu văn hóa với các chủ đề khác nhau, chẳng hạn như văn học để tìm ra điểm chung, giá trị nhân văn giữa các tác phẩm tiếng Việt và nước ngoài. Hoặc các bạn có thể tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa bên lề những sự kiện kỷ niệm ngoại giao với vai trò là tình nguyện viên hỗ trợ", ông Thái gợi ý.

Tuy nhiên, ông Thái cũng lưu ý sinh viên phải có "nội lực ngon lành" để không đánh mất bản sắc Việt Nam khi tham gia môi trường học thuật và thực hiện công tác ngoại giao văn hóa. Cụ thể, bên cạnh những giá trị vật chất, tinh thần tồn tại bên trong được trao truyền qua nhiều thế hệ, sinh viên cũng phải tự tìm hiểu, hun đúc thêm những giá trị văn hóa tốt đẹp của Việt Nam để có tâm thế giao lưu tốt nhất.

'Rộng cửa' việc làm cho sinh viên các ngành ngoại ngữ - Ảnh 6.

Sinh viên lắng nghe những chia sẻ từ diễn giả

NGỌC LONG

Để chọn được công việc phù hợp

Trước khi "chốt" công việc tương lai, tiến sĩ Gia Quyền khuyên sinh viên ngành ngoại ngữ cần hiểu rõ từ cả hai phía là doanh nghiệp và bản thân. 

Về mặt doanh nghiệp, các bạn cần chú ý công ty phải rõ ràng về vận hành và tuyển dụng, không yêu cầu giữ giấy tờ, bằng cấp gốc hay cọc tiền, cũng như có lưu trình phỏng vấn, hợp đồng lao động minh bạch, đúng luật.

"Còn về bản thân, các bạn cần xác định tính cách của mình và mục tiêu mong muốn, đánh giá xem kỹ năng, chuyên môn và kiến thức của mình có phù hợp với nghề không, đồng thời tham khảo cơ hội phát triển, môi trường, lương bổng, phúc lợi... trong ngành mình đang quan tâm. Song song đó, đánh giá bản thân dựa trên mô hình KSA (knowledge-kiến thức, skill-kỹ năng, atitude-thái độ)", ông Quyền cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.