Phát triển cà phê, du lịch
Nguyễn Phương Nguyên (HS lớp 12A5 THPT Buôn Ma Thuột) đặt câu hỏi: “Lực học của em cũng đạt khoảng 15, 16 điểm, em mong muốn được học ngành nào để có thể về quê phát triển việc trồng trọt, kinh doanh cà phê?”. Thạc sĩ Trương Hải, Phó phòng Đào tạo ĐH Tây Nguyên, giải đáp: “ĐH Tây Nguyên hiện đang đào tạo 2 ngành giúp em có thể trở về quê nhà để làm việc, đó là khoa học cây trồng và bảo vệ thực vật”. Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu, Trưởng ban Đào tạo, Phân hiệu Gia Lai của Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, nói thêm: “Các em cũng có thể học ngành nông học để có kiến thức về tất cả các loại cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày, trong đó có cà phê”. Ngoài ra, học ngành công nghệ chế biến thực phẩm ở nhiều trường cũng có thể làm việc liên quan đến chế biến cà phê.
|
Không chỉ nổi tiếng về cà phê, Đắk Lắk còn có nhiều thác nước đẹp, nhiều cảnh quan thu hút du khách trong nước lẫn quốc tế. Do đó, HS Trần Văn Hùng, huyện M’Đrăc gửi thắc mắc qua đường dây nóng, phân vân không biết học những ngành nào thì có thể làm công việc giới thiệu vẻ đẹp quê hương cho du khách và phát triển ngành du lịch của quê hương. Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, đưa ra lời khuyên: “Các em có thể thi vào ngành hướng dẫn viên du lịch, quản trị nhà hàng khách sạn để có thể thiết kế tour, giới thiệu vẻ đẹp cho du khách, phát triển dịch vụ…
|
Muốn trở thành bác sĩ, kiến trúc sư
Có rất nhiều HS tại buổi tư vấn rất quan tâm tới khối ngành y dược. Hoàng Thị Hoa (Trường THPT Buôn Ma Thuột) thắc mắc: “Theo em được biết, ngành điều dưỡng hiện nay đang bão hòa. Vậy em có nên thi vào không? Điểm trúng tuyển có cao không?”. Phó giáo sư - tiến sĩ Đặng Văn Tịnh, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, phân tích: “10 năm về trước, nguồn nhân lực điều dưỡng rất thiếu, Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT đồng ý xã hội hóa việc đào tạo ngành này, do đó trong những năm trở lại đây có nhiều trường ngoài công lập cũng đào tạo, đặc biệt là bậc trung cấp đào tạo rất nhiều dẫn đến bão hòa. Tuy nhiên, đối với trình độ ĐH, CĐ thì còn thiếu. Hằng năm chỉ tiêu ngành điều dưỡng của trường chỉ khoảng 80, điểm chuẩn năm 2012 là 20”.
Thạc sĩ Trương Hải, Phó phòng Đào tạo ĐH Tây Nguyên, cho biết thêm bậc ĐH ngành điều dưỡng tại trường năm nay tuyển 70 chỉ tiêu, điểm chuẩn năm ngoái là 16,5. “Nhân lực trình độ cao ngành này thì không hề bão hòa vì vẫn còn đang rất thiếu”, ông Hải khẳng định.
Một HS khác đặt câu hỏi: “Em thích học khối ngành y dược nhưng sức học chỉ mức trung bình khá. Em định học TC-CĐ rồi liên thông lên làm bác sĩ. Vậy năm nay liên thông trong khối y dược có khác so với những năm trước hay không?”. Ông Đặng Văn Tịnh tiếp tục tư vấn: “Khối y dược có một số ngành liên thông từ TC lên CĐ, CĐ lên ĐH nhưng có một vài ngành lại liên thông thẳng từ TC lên ĐH như ngành dược. Nếu em muốn liên thông lên bác sĩ thì em phải học y sĩ chứ không phải ngành điều dưỡng. Về điều kiện liên thông, khối y dược phải có trên 36 tháng công tác (đối với các ngành khác dưới 36 tháng vẫn được liên thông, thi chung kỳ thi ĐH, CĐ chính quy); dự kiến thi các môn toán, hóa và chuyên môn tùy theo ngành liên thông, đề thi do Trường ĐH Y Dược TP.HCM ra”.
Ngoài ra, có rất nhiều câu hỏi của HS và phụ huynh liên quan đến ngành kiến trúc. HS Trần Thị Lê phân vân: “Em dự định thi ĐH Kiến trúc TP.HCM khối V, vậy em có thể thi thêm môn tiếng Anh để xét vào khối A1 hay không? Nếu rớt thì có thể xét tuyển vào đâu?”. Tiến sĩ Lê Công Toàn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, tư vấn: “Khối A, A1 và V thi đợt 1. Như vậy em chỉ được thi khối A (A1) hoặc V. Nếu không đủ điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 các em sẽ được cấp 3 giấy chứng nhận kết quả thi để xét tuyển vào các trường có cùng khối thi hoặc các ngành thiết kế đồ họa, thiết kế nội thất, kỹ thuật công trình xây dựng, kỹ thuật xây dựng công trình giao thông…”.
Về việc này, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa thông tin thêm: “Nếu thi khối V ngành kiến trúc xây dựng dân dụng và công nghiệp tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, ngay tại buổi thi các em sẽ được hỏi có muốn dự thi thêm môn tiếng Anh khối A1 vào sáng hôm sau hay không. Nếu có nhu cầu, các em vẫn đi thi môn tiếng Anh vào buổi cuối cùng. Trong trường hợp không đủ điểm khối V sẽ có thêm điểm khối A1 để xét tuyển nguyện vọng bổ sung vào trường”.
Đồng loạt diễn ra tại Gia Lai và Hải Dương * Đường dây nóng tại Gia Lai: 0919386057 - 0919386058, Hải Dương: 0904919066 Sáng nay (17.3), chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức sẽ diễn ra buổi tư vấn lớp cho HS lớp 12 Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (TP.Pleiku) và Nguyễn Huệ (H.Đăk Đoa), tỉnh Gia Lai. Các chuyên gia đến từ hơn 30 trường ĐH-CĐ khu vực phía nam sẽ giải đáp thắc mắc ngay tại lớp học. Vào 14 giờ 30 cùng ngày, chương trình tư vấn cộng đồng sẽ được tổ chức tại Trường THPT chuyên Hùng Vương (48 Hùng Vương, TP.Pleiku). Cũng trong buổi chiều 17.3, tại Trung tâm hỗ trợ thanh niên, công nhân và lao động trẻ (342 Nguyễn Lương Bằng, P.Thanh Bình, TP.Hải Dương), chương trình Tư vấn mùa thi diễn ra 2 phần: Tư vấn ngành nghề khối ngành khoa học kỹ thuật, kinh tế, hợp tác quốc tế và tâm lý với sự tham gia của đại diện Bộ GD-ĐT và các trường ĐH lớn khu vực phía bắc; ngày hội giao lưu với HS còn có sự tham dự của ca sĩ Tùng Dương. Dự kiến có khoảng 3.000 HS trên địa bàn TP.Hải Dương tham gia chương trình. Đài phát thanh - truyền hình tỉnh Gia Lai và Hải Dương sẽ truyền hình trực tiếp chương trình. Phụ huynh và HS theo dõi các buổi truyền hình trực tiếp có thể đặt câu hỏi ngay khi chương trình diễn ra qua đường dây nóng tại Gia Lai: 0919386057 - 0919386058, tại Hải Dương: 0904919066. Báo Thanh Niên tặng CD Hướng dẫn ôn tập và luyện thi trắc nghiệm do báo thực hiện. HS và phụ huynh cắt phiếu tặng CD, đến các điểm diễn ra chương trình Tư vấn mùa thi để nhận. THANH NIÊN |
Mỹ Quyên
>> Tư vấn mùa thi 2013 đến với học sinh Tây nguyên
>> Khám bệnh tư vấn miễn phí cho phụ nữ Cần Thơ
>> Tư vấn mùa thi ở Đắk Lắk
>> Tư vấn dinh dưỡng cho người cao tuổi
>> Tư vấn mùa thi ở Tây nguyên và Hải Dương
Bình luận (0)