TNO

Học nhảy trên xe lăn ở Sài Gòn

14/04/2014 10:54 GMT+7

(iHay) Âm nhạc sôi động, tiếng nói cười rôm rả, những nụ cười thường trực trên môi là ấn tượng của tôi về lớp học này.

(iHay) Âm nhạc sôi động, tiếng nói cười rôm rả, những nụ cười thường trực trên môi là ấn tượng của tôi về lớp học khiêu vũ đầu tiên ở Việt Nam dành cho người khuyết tật.

>> Học cách giữ bình tĩnh!
>> 6 bài học thấm thía cho cuộc sống

 
Với những động tác này, khiêu vũ trên xe lăn còn được xem như một phương pháp vật lý trị liệu hiệu quả dành cho người khuyết tật, phương pháp này đang được áp dụng tại Bệnh viện Melbourne Royal (Úc) - Ảnh: Phạm Như Quỳnh


“Khiêu vũ trên xe lăn” hay “Wheelchair dance sport” có lẽ là một khái niệm khá xa lạ với nhiều người. Thật ra môn thể thao này đã có mặt ở Thụy Điển từ 1985 và đang phát triển sang nhiều nước trên thế giới.

Hiện nay, đã có một số cuộc thi dành cho những người khuyết tật yêu dance sport, trong đó có một giải thưởng quốc tế mang tên Wheelchair Dance Sport World Championships được tổ chức hàng năm bởi tổ chức IPC (International Paralympic Committee).

Trong buổi học đầu tiên, hơn 20 người khuyết tật đã vô cùng hứng khởi nhảy theo nền nhạc Latinh sôi động và sự hướng dẫn tận tình của HLV Đinh Thanh Hiếu, du học tại Úc chuyên ngành về ballet và dance sport từ năm 18 tuổi. 

Trao đổi về nguyên nhân mở lớp học, thạc sĩ Lưu Thị Ánh Loan (Phó giám đốc Trung tâm khuyết tật và phát triển-DRD) cho biết: “Mình đã có gần 12 năm gắn bó với các hoạt động dành cho người khuyết tật, nên mình biết sân chơi dành cho người khuyết tật khá là hẹp. Do đó, khi nhận được lời đề nghị dạy khiêu vũ trên xe lăn miễn phí của anh Hiếu, DRD đã tiến hành khảo sát ý kiến của các bạn khuyết tật và nhận thấy đây là lợi ích dành cho họ, cũng là mong muốn của họ nên DRD quyết định mở lớp”.


Dù không phải là người khuyết tật, nhưng thầy Hiếu vẫn ngồi trên xe lăn để rút ngắn khoảng cách với học viên và giúp các bạn dễ nắm bắt các động tác hơn - Ảnh: CTCC

Ở buổi đầu, các bạn được thầy Hiếu hướng dẫn những động tác cơ bản của điệu Cumbia và xem ra, cả thầy và trò đều khá vất vả. Có người thao tác rất đẹp, cũng có người không vươn nổi tay, không thể thẳng lưng, còn có người phải nhờ đến sự hỗ trợ của tình nguyện viên nhưng tất cả đều ướt đẫm mồ hôi và cười rất tươi. 

 
Bạn Chung Tú bị khuyết tật toàn thân nên được một bạn tình nguyện viên của DRD hỗ trợ tập luyện - Ảnh: CTCC


Nụ cười luôn thường trực trên môi của mỗi thành viên tham gia lớp học - Ảnh: CTCC

Giữa buổi học, khi thầy Hiếu hỏi về những khó khăn, hầu hết các học viên đều thoải mái và chủ động chia sẻ. Khi biết vấn đề chung của các bạn là thường xuyên đau lưng, vai và cổ, thầy khẳng định là chỉ sau 2 tháng tập đều đặn và đúng cách, các bạn sẽ giảm tối thiểu 50% các triệu chứng đau nhức.


Chị Thanh Thảo dù mắc bệnh xương thủy tinh nhưng vẫn rất cố gắng để theo kịp bài tập - Ảnh: CTCC

Cả lớp như chùng xuống khi chị Thanh Thảo (học viên) chia sẻ: “Thầy ơi, em rất thích nhảy, nhưng em mắc bệnh xương thủy tinh, nãy giờ em cũng cố gắng tập theo thầy nhưng không biết có ảnh hưởng gì đến xương không?”

Ngược lại, chị Diệu Trinh lại làm cho lớp học được một phen cười rôm rả khi đặt câu hỏi: “Thầy ơi, tập bao lâu thì mới giảm cân được vậy thầy? Ngồi hoài bụng mỡ quá!”.


Thầy Hiếu lắng nghe và giải đáp vấn đề của từng học viên

Thầy Hiếu chia sẻ: “Mình được làm quen với Wheelchair dance sport cách đây 3 năm ở Úc. Sau 6 tháng làm quen, mình rất mong mỏi đem môn thể thao này đến với người khuyết tật Việt Nam. Nhưng chương trình tập của Úc thì khá nặng và khó. Vì vậy, mình đã cố gắng thiết kế lại, đơn giản hóa các bài tập để phù hợp với người Việt Nam hơn. Chương trình tập của mình mang tính giải trí, giảm stress và mang tính trị liệu nhiều hơn chứ không đặt nặng tính thể thao”.

 

Lớp học “khiêu vũ  trên xe lăn” được tổ chức miễn phí tại Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) vào lúc 17 giờ 45 đến 19 giờ 30, thứ 4 và thứ 6 hàng tuần.

Email chương trình: info@drdvietnam.com

Có đến lớp học mới thấy ai nấy đều rất yêu thích khiêu vũ và rất hứng khởi khi được tham gia lớp học.

Chị Diệu Trinh, nghệ nhân thêu, sinh hoạt ở DRD gần 5 năm, hồ hởi khoe: “Khi nghe có lớp học nhảy này tôi thấy thích lắm. Thấy tôi còn mặc đồng phục không? Đi làm về là tôi chạy vô đây liền để học nè”.

Bạn Thanh Tùng, cũng là học viên ở đây, chia sẻ: “Tập xong đổ mồ hôi và mệt thiệt nhưng thấy vui và khỏe lắm!”

Buổi học kết thúc, nhìn từng bạn đổ những giọt mồ hôi mang đầy niềm vui, thầy Hiếu không khỏi tự hào: “Ước muốn lớn nhất của mình là mang lại sự tự tin, sức khỏe và sự vui vẻ cho các bạn. Mình tin là khi phong trào nhảy trên xe lăn lan rộng, chúng ta sẽ vận động được nhiều sự ủng hộ từ cộng đồng và xã hội. Từ đó, tạo ra những cuộc thi như Bước nhảy hoàn vũ hay Thử thách cùng bước nhảy dành riêng cho người khuyết tật”.

 

“Khiêu vũ trên xe lăn” dựa trên nền tảng của các điệu nhảy phổ biến trên thế giới như Chachacha, Samba, Salsa, Cumbia, Soca, Reggaeton,…  Học viên có thể nắm bắt hết các điệu nhảy này ở cấp độ cơ bản sau 6 tháng tập.

Những lợi ích cơ bản mà “Khiêu vũ trên xe lăn” mang đến cho người tập:

1. Các động tác mở rộng biên độ của cơ thể như tay, cổ, vai, đầu, hông, … giúp cho cơ thể hoạt động nhiều hơn. Từ đó, cũng giúp nội tạng hoạt động tốt hơn.

2. Tập trung nhiều vào cột sống. Các động tác uốn cột sống, xoay cột sống, lượn cột sống sẽ giúp cột sống và xương của những người khuyết tật (vốn khá yếu do ít vận động) được khỏe hơn.

3. Nâng cao đời sống tinh thần cho người khuyết tật. Nếu người tập thường xuyên tập nhảy ở nhà và đến lớp nhảy nhóm thì sẽ giảm được sự trầm uất và căng thẳng. 

Phạm Như Quỳnh

>> Hoa hậu Trần Thị Quỳnh 'tái xuất' đi bộ vì người khuyết tật Việt Nam
>> Fan nữ khuyết tật vượt đường xa mừng sinh nhật Lương Bích Hữu
>> Thời trang cho người khuyết tật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.