Thủ khoa tiếp sức gen Z:

Thủ khoa tiếp sức gen Z: Học ôn thi quá tải, nhiều lúc cảm thấy chán nản, thì đây là cách…

11/04/2023 14:00 GMT+7

Trong "series" video "Thủ khoa tiếp sức gen Z", thủ khoa năm 2021 Nguyễn Thị Thanh Bình, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM sẽ đồng hành cùng thí sinh với tất tần tật những bí quyết, kinh nghiệm có thể giúp các bạn chiến thắng được kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Thí sinh cùng theo dõi các video "Thủ khoa tiếp sức gen Z", từ hôm nay (11.4), mỗi ngày 2 lượt phát sóng (sáng: 9 giờ; chiều: 14 giờ) trên các nền tảng: Facebook, YouTube, TikTok của Báo Thanh Niên và tại thanhnien.vn.

Trong 2 video đầu tiên này, thí sinh 2k5 (sinh năm 2005) gặp gỡ cô nàng vô cùng xinh xắn Nguyễn Thị Thanh Bình (thủ khoa Trường ĐH Kinh tế TP.HCM năm 2021).

Thủ khoa Nguyễn Thị Thanh Bình: Làm gì khi cảm thấy chán học

Thanh Bình thì mở đầu video của mình bằng một câu khẳng định: "Nếu hỏi mình học có chán không, có mệt không? Thì có chán chứ, có mệt chứ. Mình nhớ năm học lớp 12 là năm kinh khủng nhất của cuộc đời mình, tâm trạng lúc đó xuống đáy, mình bất lực, ngập tràn trong những cảm xúc tiêu cực và kiểu mình cảm thấy vô nghĩa khi học".

Cô nàng giải thích: "Mình ôn thi khối A1, đối với mình môn tiếng Anh bản chất là để giao tiếp, để kết nối giữa con người với con người, nhưng khi ôn thi thì phải phát âm đúng để tìm ra được âm nào khác biệt, rồi làm sao cho đúng ngữ pháp. Còn khi nói chuyện với người nước ngoài, thậm chí người ta còn không quan tâm đến ngữ pháp, mà chỉ quan tâm là mình nói người ta có hiểu hay không. Chính vì thế, khi ngập tràn trong các đề thi như vậy, mình có cảm giác rất… vô dụng".

Học ôn thi quá tải, nhiều lúc cảm thấy chán nản, thì đây là cách… - Ảnh 2.

Không chỉ môn tiếng Anh, với môn toán, môn vật lý, Bình cho rằng tập trung vào phần lý thuyết khá nhiều. Nào là đạo hàm, bất đẳng thức… "Trong khi hỏi những người đi trước như ba mẹ của mình rằng những điều này có sử dụng trong thực tiễn không, thì câu trả lời là không. Tương lai của mình cũng không hướng đến những nghề như làm nghiên cứu, hay giáo viên…, vậy tại sao mình phải học những kiến thức này nhiều đến thế? Nhưng mà, phải học để thi được vào trường đại học mà mình mong muốn, nên điều này rất là xung đột và mâu thuẫn", cô nàng thủ khoa nhớ lại khoảng thời gian đầy tâm trạng chán nản của mình.

Đấu tranh trong những suy nghĩ như vậy, cho đến khi Bình đọc được một câu nói: "Khi mà bạn không thể thay đổi bất cứ điều gì, thì hãy thay đổi thái độ của chính bạn".

Học ôn thi quá tải, nhiều lúc cảm thấy chán nản, thì đây là cách… - Ảnh 3.

Thủ khoa năm 2021 Nguyễn Thị Thanh Bình, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM

"Và mình nhận ra, đích đến của mình là thi vào trường và ngành mình thích, nhưng để làm được như vậy thì chỉ còn cách thi tốt nghiệp THPT, nhưng muốn thi thì phải luyện đề, muốn luyện đề thì phải học thật tốt những phần lý thuyết. Mình cũng đã từng nghĩ, nếu bỏ học giữa chừng thì sẽ đi đâu đây? Tương lai sẽ thế nào? Ba mẹ đang kỳ vọng vào mình… Nên lúc đó chỉ có một lựa chọn duy nhất là luyện thi, và mình sẽ phải thay đổi thái độ khi học những môn đó", Bình kể.

Và kinh nghiệm để cô nàng thủ khoa vượt qua là: "Lúc thấy chán, mình chậm lại một giây và suy nghĩ, chẳng hạn như môn toán thực chất sẽ giúp được cho chúng ta những gì? Thầy của mình có nói, học toán sẽ giúp chúng ta tư duy logic hơn. Từ đó, lúc nhìn vào bài toán và không nghĩ rằng nó vô dụng như trước đây, mà mình sẽ bắt đầu những câu hỏi, như: bài toán này là gì, yêu cầu những cái gì và mình cần vận dụng những kiến thức nào để giải.... Kiểu như làm một bài toán mà giống như cách chúng ta đối thoại với chính mình".

Đối với những môn khác cũng vậy, Bình cho rằng thay vì chỉ nghĩ đến một lợi ích là phải thi đậu đại học, phải làm được điểm cao… thì nên thay đổi, thêm mục tiêu là học để thỏa mãn sự tò mò, thêm kiến thức cho chính mình và học là để mình vui, từ đó sẽ giảm được cảm giác chán nản khi ôn thi. 

Đơn vị tài trợ:

Học ôn thi quá tải, nhiều lúc cảm thấy chán nản, thì đây là cách… - Ảnh 4.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.