Học phí cao: Nguy cơ sinh viên nghèo, học giỏi khó có cơ hội học tập

Hà Ánh
Hà Ánh
04/09/2024 05:59 GMT+7

Tự chủ ĐH là một xu hướng tất yếu trong thời gian tới. Một trong những vấn đề khó nhất với các trường ĐH khi tự chủ là giải quyết được bài toán nguồn thu nhưng vẫn giữ chân được người học.

Đáng chú ý, chuyên gia cho rằng không phải trường có uy tín, chất lượng cao là mức đóng góp của người học cao.

Tại hội thảo Giáo dục ĐH - chuẩn hóa và hội nhập quốc tế của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vào năm 2018, đại diện Bộ GD-ĐT chia sẻ một khảo sát cho thấy phần đóng góp của người học và gia đình tại VN rất nhiều, lên tới hơn 50%. Trong khi ở các nước phát triển, nhà nước đóng góp phần lớn, phần còn lại từ các nguồn tài trợ xã hội và người học chỉ đóng góp rất ít. VN là một trong những nước mà người học và gia đình phải đóng góp nhiều nhất cho giáo dục đào tạo thông qua học phí (HP). Vấn đề đặt ra là cách nào để HP không còn là nguồn thu chính của trường ĐH?

ĐỂ HỌC PHÍ KHÔNG LÀ NGUỒN THU CHÍNH CỦA TRƯỜNG ĐH

Khi chuyển qua tự chủ, các trường ĐH công lập ít nhất bị cắt khoản chi thường xuyên mà trước đây nhà nước bao cấp từ ngân sách. Khi đó, các trường ĐH công lập phải tính khoản bù từ việc tăng HP. Như vậy, HP của các trường công tính tăng lên trên cơ sở đủ để bù khoản thu từ ngân sách bị cắt và để một tỷ lệ cho quỹ phát triển hạ tầng của trường.

HP được tính toán dựa vào quy mô sinh viên (SV) cho một lớp học và mức chi bình quân trên SV gồm chi cho đội ngũ, chi hoạt động thường xuyên, chi khấu hao, tích lũy cho quỹ phát triển và hỗ trợ SV nghèo. Nếu các trường có các nguồn thu từ tài trợ, hoạt động nghiên cứu và dịch vụ thì các khoản thu này có thể bù một phần cho HP. Nhưng thực tế hiện nay, HP vẫn là nguồn thu chính của trường ĐH tự chủ. Muốn giảm gánh nặng cho người học thì tất yếu trường ĐH phải có nguồn thu khác.

Học phí cao: Nguy cơ sinh viên nghèo, học giỏi khó có cơ hội học tập- Ảnh 1.

Phụ huynh cùng thí sinh trúng tuyển đại học năm nay làm thủ tục nhập học, đóng học phí

ẢNH : ĐÀO NGỌC THẠCH

Từ thực tế nhiều năm quản trị ĐH công lập và tư thục, GS-TS Mai Hồng Quỳ, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết trước đây kinh phí hoạt động của ĐH công lập có 2 nguồn chính, gồm HP của người học và kinh phí hỗ trợ của nhà nước. Kinh phí hỗ trợ của nhà nước được sử dụng chi thường xuyên như: lương giảng viên, hoạt động đào tạo, nghiên cứu, hợp tác quốc tế... Nhưng quan trọng hơn cả, nguồn kinh phí này được sử dụng để mở rộng và nâng cấp cơ sở vật chất và đầu tư cơ bản đối với những ngành nghề đào tạo đặc thù. "Chính vì thế, nếu tới đây các trường công lập chuyển sang tự chủ hoàn toàn, có nghĩa chỉ còn nguồn kinh phí từ người học và phải tự chịu trách nhiệm cả về xây dựng cơ sở vật chất lẫn đầu tư cơ bản, nhưng lại không có quyền ấn định HP thích hợp thì sẽ là tình trạng rất đáng quan ngại. Nguy cơ tụt hậu của các trường ĐH công lập do tình trạng không được tăng HP tương thích là rất cao", GS Quỳ phân tích.

Làm rõ nhận định trên, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM nêu quan điểm: "Nếu muốn các trường công lập duy trì mức HP cho đại đa số người học và nhất là các SV nghèo, gia đình có mức thu nhập thấp thì nhà nước cần xem xét chủ trương duy trì việc cấp kinh phí cho các trường công ở mảng xây dựng cơ sở vật chất. Hiện phần lớn các trường công hiện nay đều có cơ sở vật chất cũ kỹ hoặc chật hẹp. Nhưng để có đất xây dựng cơ sở mới hoặc xây lại cơ sở cũ các trường không thể chỉ dựa vào nguồn HP".

GS-TS Mai Hồng Quỳ cho rằng: "Nếu không cho các trường công thu HP thích hợp nhưng lại không hỗ trợ kinh phí thì sẽ dẫn đến trường hợp các trường công cũng đóng các ngành đào tạo cơ bản, thiết yếu cho nền kinh tế quốc dân nhưng lại không nhiều người học và sẵn sàng đóng HP. Như vậy sẽ đến lúc VN hoàn toàn thiếu hụt nguồn nhân lực trong những ngành nghề quan trọng của phát triển kinh tế. Còn với chính các trường, khi chỉ dựa vào HP thấp thì nguy cơ tụt hậu về chất lượng đào tạo, ngành nghề đào tạo, chất lượng đội ngũ... là điều khó tránh khỏi".

KHÔNG PHẢI TRƯỜNG UY TÍN THÌ ĐÓNG GÓP CỦA NGƯỜI HỌC PHẢI CAO

GS-TSKH Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: "HP cần được cân đối trên tổng đầu tư cho một SV gồm: tiền đầu tư từ nhà nước thông qua các dự án, cơ sở vật chất, chi thường xuyên, tiền huy động từ nguồn khác, tiền đóng góp từ người học... Những trường thu hút được nhiều kinh phí từ các nguồn đầu tư khác hoặc trường được nhà nước đầu tư nhiều thì phần đóng góp của người học được giảm đi. Theo cách tiếp cận đó thì không phải trường có uy tín, chất lượng cao thì mức đóng góp của người học phải cao. Trường có uy tín cao có điều kiện thu hút các nguồn lực đầu tư khác nên có thể giữ HP ở mức hợp lý. Nhờ vậy trường sẽ có tính cạnh tranh cao, thu hút được nhiều SV giỏi đến học, góp phần làm cho uy tín của trường ngày càng cao hơn. Tiếp cận như vậy mới bền vững, lâu dài".

GS Ga phân tích thêm: "Mức đóng góp của người học phụ thuộc vào chất lượng của chương trình đào tạo. Lâu nay mối tương quan giữa chất lượng và HP chưa phân biệt rạch ròi. Chất lượng cao không phải chỉ có cơ sở vật chất phục vụ học tập tốt mà quan trọng hơn, chương trình và phương pháp đào tạo phải vượt trội. Giờ cần làm rõ mối tương quan này để người học không nhầm lẫn".

Học phí cao: Nguy cơ sinh viên nghèo, học giỏi khó có cơ hội học tập- Ảnh 2.

VN là một trong những nước mà người học và gia đình phải đóng góp nhiều nhất cho giáo dục đào tạo thông qua học phí

ẢNH: NGỌC LONG


SINH VIÊN THU NHẬP THẤP CHƯA ĐƯỢC HỖ TRỢ THÍCH ĐÁNG

Về cách tính HP, GS-TS Mai Hồng Quỳ cho rằng với cơ chế hiện nay, SV có gia đình hoặc bản thân thu nhập thấp chưa được hỗ trợ một cách thích đáng so với các SV ở những gia đình có điều kiện chi trả hàng trăm triệu đi học nước ngoài hoặc chi tiêu dùng rất cao. Theo nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, hiện nay Nghị định 81 của Chính phủ, nhà nước không có chế độ học bổng mà các trường áp dụng chế độ miễn giảm HP theo các tiêu chí khá chặt chẽ nên đối tượng được thụ hưởng không nhiều. Các trường bằng các nguồn khác nhau tự thành lập các quỹ học bổng nhưng so với HP tăng cao như hiện nay các quỹ này chỉ có thể trợ giúp số lượng không nhiều người học. Hơn nữa, nếu việc tăng HP ở các trường công lập đã bị hạn chế, thì trong chừng mực nào đó, chế độ học bổng hoặc miễn giảm HP sẽ lại thêm một gánh nặng cho các trường. "Nếu không có một cách tiếp cận mới và mạnh mẽ hơn thì những SV nghèo, học giỏi khó có cơ hội học tập và thành công", GS Quỳ nhấn mạnh.

Trước thực tế này, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đề xuất: "Dù HP cao hay thấp, nhà nước và nhà trường cũng cần quan tâm đến cơ hội học tập của người học có năng lực nhưng có hoàn cảnh kinh tế khó khăn bằng các chính sách học bổng, vay vốn để học. Hoặc nhà nước, địa phương tạm ứng chi phí học tập với điều kiện SV tốt nghiệp phải phục vụ cho ngành nghề, lĩnh vực nào đó mà đất nước, địa phương có nhu cầu. Khi hết thời hạn phục vụ thì xem như người học đã hoàn trả kinh phí. Mô hình này nên tham khảo chính sách của Singapore khi tuyển chọn SV giỏi quốc tế đến học". (còn tiếp)

Không đánh đồng tự chủ với tự túc về nguồn lực

Tháng 12.2023, Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ VN có văn bản báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về vấn đề tự chủ ĐH VN. Theo đó, hiệp hội kiến nghị chưa nên thực hiện tự chủ ĐH đồng thời ở tất cả các trường mà cần phải có lộ trình phù hợp. Ngoài ra, nhà nước cần có nhiều mức độ tự chủ khác nhau cho các cơ sở giáo dục ĐH.

Về tài chính, hiệp hội cũng kiến nghị không đánh đồng tự chủ với tự túc về nguồn lực như quan niệm hiện nay. Nhà nước không nên cắt ngân sách của các trường ĐH tự chủ mà trái lại cần tăng cường hỗ trợ ngân sách cho những trường triển khai thành công chủ trương tự chủ ĐH, xem đó như là những nơi xứng đáng được nhà nước tập trung đầu tư để nâng nhanh chất lượng, giúp các trường sớm trở thành trường trọng điểm quốc gia.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.