Đúng theo Nghị định 81/2021 (NĐ 81) của Chính phủ, HP ĐH thấp nhất sẽ ở mức 13,5 triệu đồng/năm với khối ngành nghệ thuật của nhóm trường chưa tự chủ. Với nhóm trường tự chủ, HP thấp nhất theo quy định cũng ở mức 27 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, ở một số ngành học đặc thù và quy định riêng của các trường, vẫn có HP thấp hơn mức này.
Theo thông tin nhiều trường đã công bố, HP SV trúng tuyển khóa mới năm 2023 đều thấp hơn mức trần quy định của NĐ 81. Chẳng hạn như Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM), HP các ngành y khoa, dược, răng-hàm-mặt và y học cổ truyền dự kiến 55 triệu đồng/năm, ngành điều dưỡng 40 triệu đồng/năm. Như vậy, mức thu các ngành của khoa y thấp hơn mức trần quy định từ vài trăm nghìn đồng đến 1,8 triệu đồng/năm.
PGS-TS Trần Hoàng Hải, quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết Hội đồng trường này cũng vừa thông qua mức HP mới áp dụng cho SV khóa 2023. Theo đó, HP chương trình đại trà chỉ trên 30 triệu đồng/năm. Mức thu này thấp hơn mức trần khối ngành kinh doanh, quản lý và pháp luật được thu tối đa trên 35 triệu đồng/năm dành cho trường tự chủ hoàn toàn. Đặc biệt, mức HP chính thức này thấp hơn so với dự kiến trong đề án HP trường công bố trước đó cho năm học này. "Sau 2 năm không tăng học phí do chủ trương của Bộ GD-ĐT và Chính phủ để chia sẻ khó khăn với người học, năm tới đây trường cũng không tăng HP như mức đã xây dựng trong đề án trước đó", ông Hải nói.
Từ đầu tháng 3, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM ban hành thông báo mức HP các chương trình đào tạo năm học 2023 - 2024. Đáng chú ý trong đó là HP khóa 2023 được áp dụng bằng mức 2022. Theo đó, học phí thấp nhất áp dụng với các ngành: triết học, tôn giáo học, lịch sử, địa lý học, thông tin - thư viện và lưu trữ học (430.000 đồng/tín chỉ và theo niên chế ở mức 13 triệu đồng/năm học). Các ngành còn lại dao động từ 19,8 - 26,4 triệu đồng/năm. Lý giải việc không tăng học phí so với khóa trước đó, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường đã cân nhắc dựa trên thực tế đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn hiện nay. Việc không tăng HP của trường nhằm tránh gây xáo trộn và để SV có thể theo học với mức HP chấp nhận được.
Nhiều trường ngoài công lập không tăng HP. Bà Nguyễn Thị Tuyết Hương, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen, cho biết HP các ngành của trường năm 2023 trung bình dao động từ 70 - 86 triệu đồng/năm tùy ngành học, mỗi năm 3 học kỳ. "Mức HP này không tăng so với mùa tuyển sinh năm 2022, đã bao gồm giáo trình, tài khoản thư viện, tài khoản photocopy tài liệu tại các cơ sở đào tạo của trường", bà Hương chia sẻ.
Cụ thể nhóm ngành thiết kế nghệ thuật có mức HP cao nhất, 86 triệu đồng/năm, trung bình 28,6 triệu đồng/học kỳ. Nhóm tài chính - ngân hàng, kế toán là 70 triệu đồng, trung bình 23,3 triệu đồng/học kỳ. Ngành kinh tế thể thao và công nghệ tài chính, mức HP thấp nhất, chỉ 60 triệu đồng/năm, trung bình 20 triệu đồng/học kỳ.
Tại Trường ĐH Văn Lang, SV đóng HP theo từng học kỳ, dựa trên số tín chỉ SV học trong từng học kỳ. Đối với chương trình tiêu chuẩn, mức HP dao động từ 20 - 30 triệu đồng/học kỳ. Riêng ngành răng hàm mặt dự kiến từ 85 - 98 triệu đồng/học kỳ. Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, khẳng định năm học 2023 này trường giữ nguyên mức HP so với năm 2022 nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí học tập trong điều kiện tình hình kinh tế tài chính khó khăn như hiện nay.
Tương tự, thạc sĩ Trần Thúy Trâm Quyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cho hay năm 2023 trường cũng sẽ giữ nguyên mức HP như năm 2022. "Riêng khối ngành sức khỏe, trường tính toán và sắp xếp lại lộ trình học tập nên HP sẽ giảm để tạo điều kiện cho SV khó khăn có thể theo học", bà Quyên cho biết.
Bình luận (0)