Học phí tăng, sinh viên vay tiền ở đâu đi học?

Hà Ánh
Hà Ánh
01/11/2021 06:45 GMT+7

Theo lộ trình, học phí ĐH sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, từ mức trung bình 10 triệu đồng hiện nay lên 20 - 30 triệu đồng/năm học, thậm chí có ngành 70 - 80 triệu đồng/năm. Vậy có những nguồn nào để sinh viên vay tiền đi học.

Sinh viên nào được miễn, giảm học phí, học bổng ?

Nghị định 81/2021 được Chính phủ ban hành năm nay, cùng với quy định thu học phí mới là chính sách miễn, giảm học phí cho các nhóm sinh viên (SV) thuộc các trường hợp cần được hỗ trợ đặc biệt.

Theo đó, SV không cần đóng học phí khi theo học ngành chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng - an ninh theo quy định của luật Giáo dục ĐH; các ngành chuyên môn đặc thù do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Sinh viên một trường ĐH tại TP.HCM làm thủ tục vay vốn học tập năm 2020

ĐÀO NGỌC THẠCH

Bên cạnh đó, SV được miễn học phí khi theo học chuyên ngành Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; chuyên ngành lao, phong, tâm thần, giám định pháp y, pháp y tâm thần, giải phẫu bệnh tại các cơ sở đào tạo nhân lực y tế công lập theo chỉ tiêu đặt hàng nhà nước.

Một số ngành được giảm 70% học phí gồm: các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù: nhạc công kịch hát dân tộc, nhạc công truyền thống Huế, đờn ca tài tử Nam bộ, diễn viên sân khấu kịch hát...

Cũng theo nghị định này, SV diện cử tuyển, dự bị ĐH, người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo, người dân tộc thiểu số rất ít người… cũng thuộc nhóm được miễn học phí. Các SV trên dù học tại trường ĐH công lập hay tư thục đều được có chế độ như nhau.

Riêng với các trường đã chuyển sang loại hình tự chủ, theo quy định cùng với việc thu học phí cao, các trường phải dành một phần nguồn thu để cấp học bổng cho người học (tối đa 15% học phí)...

Tuy nhiên, có thể thấy các học bổng hiện vẫn ưu tiên SV thuộc diện chính sách, trường hợp gia đình có hoàn cảnh khó khăn và khuyến khích học tập. Một số trường ĐH khác có thêm nguồn tài trợ từ bên ngoài nhưng mức độ khác nhau tùy theo từng trường, từng khoa trong mối quan hệ với đơn vị tài trợ.

Sinh viên không thuộc chính sách, thì vay vốn từ đâu ?

Bên cạnh cấp học bổng, vay vốn học tập cũng là một kênh hỗ trợ tài chính quan trọng cho người học.

Sinh viên làm thủ tục vay vốn

đ.n.t

Một kênh vay vốn học tập được áp dụng nhiều năm nay là từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Theo quy định hiện nay, SV được vay 2,5 triệu đồng/tháng (tương đương 25 triệu đồng/năm học 10 tháng). Theo dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 157/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng với học sinh - SV, số tiền cho vay học tập tối đa là 4 triệu đồng/tháng (tương đương 40 triệu đồng/năm).

Chính sách cho sinh viên sư phạm

Theo Nghị định Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, sinh hoạt phí với SV sư phạm, người học ngành này được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo. Ngoài ra, mỗi SV còn được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả sinh hoạt phí trong thời gian học tập tại trường (số tiền hỗ trợ theo số tháng thực tế học tập và không quá 10 tháng/năm học).

Thạc sĩ Võ Tấn Thông, Trưởng phòng Công tác chính trị - SV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết ngoài vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, trường có các kênh khác nhau để cho người học vay và mượn tiền đi học. Một quỹ cho SV mượn tiền đóng học phí trong 4 học kỳ không lãi suất, ra trường trả lại tiền gốc. Một kênh khác, SV làm thủ tục vay vốn với ngân hàng nhưng được cựu SV bảo lãnh ra trường trả lãi và gốc. Ngoài ra, mỗi năm có hơn 10 SV được vay ngân hàng lãi suất 0% từ Quỹ phát triển ĐH Quốc gia TP.HCM… “Dù có nhiều kênh hỗ trợ tài chính khác nhau nhưng tùy thời điểm và chương trình có lúc quỹ không đáp ứng hết nhu cầu vay vốn của người học”, ông Thông cho hay.

Thống kê từ Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, từ đầu năm 2018 đến nay trường có hơn 4.400 SV làm giấy xác nhận vay vốn, trong đó có khoảng 2.500 trường hợp được vay từ ngân hàng chính sách địa phương. Điều này cho thấy nhu cầu người học có hoàn cảnh khó khăn cần vay nhiều nhưng chưa được đáp ứng hết.

Từ thực tế trên, thạc sĩ Võ Tấn Thông cho rằng nhìn chung ở nhiều trường ĐH hiện SV chưa thuộc trường hợp đặc biệt thì chưa có chính sách vay vốn học tập. SV chỉ được hỗ trợ vay vốn từ một kênh duy nhất là Ngân hàng Chính sách xã hội.“ SV mà gia đình không thuộc hộ nghèo hay cận nghèo muốn tự lập giảm gánh nặng cho cha mẹ, cần có chính sách cho vay”, thạc sĩ Thông đề xuất.

Thạc sĩ Trương Văn Đạt, Trưởng phòng Công tác SV Trường ĐH Y Dược TP.HCM, ý kiến: “Ngoài học bổng cho SV giỏi và đặc biệt khó khăn, cần cho vay học tập cho nhiều đối tượng khác nhau không chỉ diện chính sách. SV được vay với lãi suất ưu đãi và các trường có thể hỗ trợ lãi suất cho các em trong thời gian đang theo học”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.