Học sao để nhớ lâu, nhớ nhiều?

21/03/2017 07:42 GMT+7

Học sinh vẫn nhầm tưởng học thuộc đã là hiểu bài. Tuy nhiên, theo Dương Anh Vũ, kỷ lục gia trí nhớ thế giới, cùng nhiều giáo viên chuyên môn thì ghi nhớ mới chỉ là bước để giúp tư duy sâu hơn và tiến tới hiểu bài.

Không ghi nhớ bằng cách học thuộc lòng
Dương Anh Vũ từng có quá khứ học tập không tốt. Vậy làm sao để có thể lập được những kỷ lục thế giới như nhớ được 108 hệ thống dữ liệu thống kê toàn cầu với 22.248 mục dữ liệu, trong đó chứa 41.725 con số và 18.725 mục dữ liệu chữ. Các dữ liệu bao gồm diện tích, chiều dài bờ biển, tỷ giá hối đoái, GDP, tiền tệ, hệ thống chính trị... Nhớ được 1.022 tác phẩm văn chương VN và thế giới (tóm tắt tác phẩm, nhân vật, tác giả, phân tích cốt truyện…), cá biệt có một số tác phẩm có thể nhớ đến từng chi tiết về câu và từ. Nhớ được toàn bộ bản đồ thế giới khổ lớn nhất, với 2.500 địa danh bằng ngôn ngữ quốc tế (tiếng Anh, Tây Ban Nha, Trung Quốc...). Nhớ chính xác 10.056 mốc sự kiện lịch sử, văn hóa, khoa học và nghệ thuật thế giới. Nhớ được 20.000 số Pi sau số 3,14 trong toán học. Khả năng phản xạ trí nhớ siêu nhanh khi nhận diện hình thể bản đồ trong thời gian chỉ 1/2 giây.
Vũ bắt đầu rèn luyện trí nhớ từ năm 2010. Lúc này Vũ dành nhiều thời gian cho việc đọc sách và rèn luyện trí nhớ. Để giúp các kiến thức được hệ thống, Vũ sử dụng bản đồ tư duy của nhà tâm lý Tony Buzan. “Tôi không ghi nhớ dữ liệu bằng cách học thuộc mà tìm cách để nhận thức giá trị của chúng”, Vũ chia sẻ. Mỗi dạng kiến thức, Vũ lại có một cách lưu trữ riêng. “Để hiểu tác phẩm văn học thì tôi đọc đi đọc lại tác phẩm rất nhiều lần. Với các nước, địa danh tôi đưa vào trí nhớ bằng cách gắn chúng với những câu chuyện thú vị về đất nước đó. Khi đọc sách, tôi luôn tự ý thức rằng phải hiểu nội dung đã đọc, cố gắng ứng dụng phương pháp riêng để ghi nhớ. Tôi ít khi nào đọc lướt, đọc chơi, hay lưu dữ liệu ở hệ trí nhớ ngắn”, Vũ chia sẻ thêm.
Học môn văn theo công thức
Ông Trương Minh Đức cho rằng người ta hay nhầm lẫn môn văn là phải học thuộc nhưng thực tế lại hoàn toàn không phải như vậy. Môn văn cũng có những công thức và những bước cụ thể để HS nắm bài: “Tôi thường quy định HS nắm kiến thức theo cách đi từ nghệ thuật đến nội dung. Cụ thể với thơ, HS đọc xong là hiểu liền nhưng chưa hẳn đã thấy hay. Vì thế, các em cần nắm theo công thức từ ngữ có gì hay, hình ảnh có gì đặc biệt, biện pháp tu từ là gì? Giọng điệu, nhịp thơ ra sao. Tương tự, học văn xuôi cũng cần nắm được phương pháp vì ghi nhớ tác phẩm rồi HS rất dễ sa đà vào kể chuyện, diễn xuôi tác phẩm. Để tránh được tình trạng này, HS cần đọc, hiểu để tìm ra luận điểm, luận cứ, sau đó đánh giá kiến thức theo các tiêu chí nội dung bao gồm: giá trị nhân đạo, giá trị hiện thực. Nghệ thuật gồm có tình huống truyện đặc sắc, nhân vật, ngôn ngữ truyện...
Cũng như những người bình thường khác, lúc đầu Vũ gặp khó khăn trong việc tập luyện để nhớ vì không phải phương pháp nào cũng hữu ích ngay từ đầu. “Khi sắp bỏ cuộc, tôi phát hiện ra rằng mỗi con người là một vũ trụ, không bao giờ lặp lại. Tôi cho rằng những phương pháp có trong sách đều tốt nhưng nếu muốn trở nên uyên bác thì không thể theo cách của bất cứ ai mà mỗi người phải tự mày mò, tìm ra phương pháp của riêng mình, dựa trên việc tham khảo cái đã có để phát triển kiến thức phù hợp với khả năng của từng người. Nếu có định hướng rõ ràng, định lượng được khả năng của mình, mỗi học sinh có thể xây dựng, chọn lựa những phương pháp rèn luyện phù hợp mới có thể thành công”, Vũ khuyên.
Theo Vũ, người lấy phương pháp ghi nhớ làm yếu tố quan trọng nhất trong việc rèn luyện trí nhớ thường thất bại. “Phương pháp cũng giống như cái cày, cái cuốc của người nông dân. Nếu những vật dụng đó rơi vào tay của những kẻ hay ăn biếng làm thì không có tác dụng. Người cần cù, chịu khó sử dụng nó sẽ tạo ra mùa vụ bội thu. Ghi nhớ chỉ là tiền đề, là chất liệu để mình có thể dựa vào đó mà tư duy”.
Đồng ý với phương pháp của Dương Anh Vũ, ông Trương Minh Đức (giáo viên dạy văn Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM) chia sẻ: “Để nắm được kiến thức thì không chỉ cần học thuộc lòng mà vấn đề là phải chia theo lớp lang. Nguyên tắc luôn phải đi từ ghi nhớ sau đó phân tích để nhận ra cái hay cái đẹp của vấn đề”. Ông Đức đánh giá cao việc hiện nay nhiều giáo viên sử dụng sơ đồ tư duy trong việc dạy học và ôn thi cho học sinh (HS). “Phương pháp này khá hiệu quả vì với sơ đồ tư duy lượng chữ ít, kiến thức lại được hệ thống hóa như một dạng công thức nên HS nhìn vào đó có thể nắm nhanh chóng và ít bị quên.
Học cách quên để nhớ được nhiều hơn
Cũng nói về việc học làm sao để nhớ được khối lượng kiến thức nhiều và không bị quên, bà Phan Thị Trang (giáo viên môn giáo dục công dân Trường THPT Lê Xoay, Vĩnh Phúc) chia sẻ: “Học thuộc không phải là phương pháp học bài hiệu quả mà chỉ giúp HS đối phó tạm thời. Đặc biệt vào mùa thi phải nhớ một khối lượng kiến thức lớn nên sẽ rất khó để nạp hết kiến thức bằng cách học thuộc. Chính vì vậy, cần phải học cách quên để nhớ. Tức là HS cần phải hệ thống kiến thức vào các gói nhất định. Sau khi học xong, HS hệ thống lại kiến thức một lần cuối coi như xong, sau đó chuyển sang học một môn khác với những dạng kiến thức khác và không lẫn lộn các “gói” kiến thức với nhau. Những kiến thức chưa sử dụng tới HS có thể “quên” tạm thời”.
Bà Trang cho rằng với phương pháp này, khi cần tới kiến thức nào HS chỉ mất khoảng một đến hai phút suy nghĩ, nhớ lại. Lúc này, kiến thức hệ thống mà HS đã “cất kỹ” trước đó sẽ được não “lập trình” lại và tránh được nhầm lẫn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.