Theo đó, tỷ lệ HS THPT có thói quen không ăn sáng, không ăn trưa và không ăn tối lần lượt là 17,4%, 2,6%, 2,4%. Tỷ lệ HS nội thành bỏ bữa ăn sáng chiếm đến 20,3% cao gấp đôi HS ngoại thành (11,7%) và vùng ven là (11,4%). Lý do chủ yếu khiến HS bỏ bữa ăn là do không có thời gian để ăn (51,6%), số còn lại là do các nguyên nhân: thói quen bỏ bữa, biếng ăn, mệt mỏi, tiết kiệm tiền…
Theo bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp - Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM, HS THPT là giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ em thành người trưởng thành với sự tăng trưởng nhanh về thể chất. Tuy nhiên, vấn đề ăn uống dinh dưỡng trong lứa tuổi này thường ít được quan tâm với các lứa tuổi nhỏ hơn. Các em cũng chưa được trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản về dinh dưỡng hợp lý. Mặt khác, từ phía phụ huynh có con trong độ tuổi này cũng ít quan tâm đến chế độ ăn của con, vì cứ nghĩ con mình đã lớn, có thể tự lo cho bản thân.
“HS bỏ bữa ăn sáng có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng cơ thể và quá trình học tập. Đầu tiên có thể dẫn đến tình trạng không đủ chất cho não hoạt động, nhất là đường glucose. Có thể thấy, vi lượng glucose trong máu của những HS có ăn sáng cao hơn những HS bỏ bữa sáng. Mà nguồn năng lượng này là cần thiết cho hoạt động, tư duy... Lượng glucose sẽ giảm tới mức tối thiểu sau một đêm ngủ. Bộ nhớ và học tập sẽ bị ảnh hưởng nếu không có đủ đường để nạp cho não bộ và điều khiển hệ thống thần kinh trong cơ thể”, bác sĩ Diệp nói.
Trước vấn đề này, bác sĩ Diệp khuyên: “HS cần ăn đủ bữa (sáng, trưa, chiều), nhất là buổi sáng để có năng lượng học tập. Người lớn ăn sáng để dùng năng lượng làm việc, nhưng ở lứa tuổi HS cần cho học tập và phát triển cơ thể, rồi vui chơi vận động. HS phải ý thức việc ăn sáng là quan trọng. Việc ăn sáng không quá phức tạp, HS có thể ăn tại nhà (bánh mì phô mai, uống ly sữa...), tại trường và hàng quán (chọn nơi đảm bảo vệ sinh). Điều quan trọng là trong mỗi bữa ăn, nên đảm bảo đủ chất ở 4 nhóm dinh dưỡng chính: chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và khoáng chất”.
Minh Luân
Bình luận (0)