Học sinh đi thực tế tại trung tâm cai nghiện

30/06/2015 12:02 GMT+7

Để giới trẻ có cái nhìn đúng đắn về người nghiện và tác hại của ma túy, Thành đoàn Hải Phòng đã tổ chức cho học sinh cấp 3 đến gặp gỡ những học viên tại Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội (TTGDLDXH).

Để giới trẻ có cái nhìn đúng đắn về người nghiện và tác hại của ma túy, Thành đoàn Hải Phòng đã tổ chức cho học sinh cấp 3 đến gặp gỡ những học viên tại Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội (TTGDLDXH).

Học sinh đi thực tế tại trung tâm cai nghiện
Học sinh tìm hiểu công việc của những người cai nghiện tại TTGDXH Hải Phòng - Ảnh L.T
Được triển khai từ năm 2013, mô hình này đã thực hiện được 30 chuyến thực tế cho các trường THPT đến từ các quận huyện Thủy Nguyên, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Ngô Quyền. Đặc biệt, H.Thủy Nguyên đã có 1.000 đoàn viên thanh niên được tham gia.
Anh Đỗ Văn Thiều, Phó Bí thư Huyện đoàn Thủy Nguyên chia sẻ: “Không có gì giúp đoàn viên thanh niên hiểu được tác hại của ma túy hơn là được nghe chính những người trong cuộc kẻ về những mất mát và đau đớn của họ”.
Tai mỗi buổi tham quan, Đoàn thanh niên và TTGDLDXH đã tổ chức một buổi tọa đàm khoảng 1 tiếng để các em học sinh, chuyên gia và các học viên giao lưu, trò chuyện về tác hại và phòng tránh ma túy, HIV và giá trị của lao động. Sau buổi tọa đàm, học sinh sẽ được đưa đi tham quan trung tâm; chứng kiến quyết tâm cai nghiện, lao động học nghề, xây dựng giá trị cuộc sống của các học viên…Sau đó, các em sẽ viết thu hoạch nói lên suy nghĩ của mình.
Em Nguyễn Như Quỳnh, học sinh lớp 11B8 trường THPT Lý Thường Kiệt (H.Thủy Nguyên) xúc động nói: “ Từ bé, em đã bị bố mẹ mang người nghiện ra dọa nên em rất sợ. Sau khi được gặp các bác, các chú trong trung tâm, em đã hiểu người nghiện cần được động viên, chia sẻ để chữa bệnh và tái hòa nhập cộng đồng”.
Nói về thành công của chương trình, anh Nguyễn Hồng Đại, Phó Bí thư Quận đoàn Ngô Quyền chia sẻ: “ Việc này có tác động mạnh vào suy nghĩ của các bạn trẻ. Khi lên danh sách vào tham quan trung tâm, chúng tôi có đưa vào nhiều em học sinh có nguy cơ tiếp xúc với ma túy cao, có nhiều thói quen xấu, có thể bị dụ dỗ. Sau khi nghe học viên trung tâm kể chuyện cuộc đời, chứng kiến sự khổ sở của việc chữa bệnh đã khiến các em này thực sự sợ. Có em còn vừa khóc vừa nói với tôi: Anh ơi may quá em chưa thử ma túy !”
Không chỉ có tác động tới học sinh, hoạt động này cũng giúp học viên trung tâm cảm thấy lạc quan hơn về tương lai. Anh B.T.T, một học viên cho biết: “Những ánh mắt thiện cảm, những lời hỏi han ân cần, những cái bắt tay ấm áp của các bạn trẻ như tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi chống chọi cơn bạo bệnh”.
Mặc dù mang lại rất nhiều hiệu quả, ý nghĩa, nhưng mô hình này vẫn chưa thực sự được hưởng ứng. Theo ông Nguyễn Quang Toàn, Giám đốc TTDGLDXH Hải Phòng thì “việc đưa học sinh thực tế trong trung tâm còn lẻ tẻ, tự phát và chưa đồng bộ và còn nhiều bậc phụ huynh chưa đồng ý cho con em mình đi gặp gỡ học viên”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.