Học sinh được chọn trường, môn học và giáo viên?

12/12/2016 09:01 GMT+7

Bộ GD-ĐT đang gấp rút thực hiện chương trình - sách giáo khoa mới để thay thế chương trình phổ thông hiện hành với định hướng chuyển mạnh từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, xây dựng nền giáo dục mở, thực học...

Phát triển toàn diện
Quan điểm phát triển toàn diện con người ở nước ta có nhiều cách hiểu và hành dụng khác nhau. Trong quá trình phát triển giáo dục, quan điểm toàn diện chưa được hiểu và thực hiện đúng, hài hòa, quân bình mà chủ yếu đặt nặng phát triển về mặt trí lực. Thể hiện ở chỗ chương trình, phương pháp giảng dạy và giáo dục học sinh (HS) chú trọng truyền thụ kiến thức và phát triển kỹ năng, nền giáo dục hướng đến "ứng thí", chưa hướng đến "toàn diện của mỗi cá nhân”.
Vì vậy, để phát triển toàn diện, phải giúp HS phát triển đầy đủ 7 yếu tố: đức, trí, thể, mỹ, tình cảm, xã hội và nghề nghiệp.
Một con người khỏe mạnh, cường tráng cần có một tâm hồn lành mạnh, trưởng thành và thăng bằng về tình cảm. Biết chấp nhận mình và người khác với tất cả khả năng và sở trường, không tự cao hay tự ti, biết biểu lộ tình cảm đúng mức vui, buồn để khỏi quá trớn và kiềm chế tức giận để khỏi hành động sai trái...

HS cần có được các cung cách, tư thế, cách xử sự, sự hiểu biết, các kỹ năng và thái độ cần thiết để có thể thích nghi với đời sống xã hội, giao tiếp với mọi người một cách tự nhiên, thân thiện và hợp tác. Sự trưởng thành về mặt xã hội rất quan trọng vì dù HS có học giỏi đến mấy cũng có thể chưa thích nghi với xã hội hoặc cảm thấy lạc lõng, bơ vơ, kém tháo vát... theo kiểu "gà công nghiệp".
Con người muốn sống được, sống tốt thì không chỉ có kiến thức, kỹ năng, mà phải biết một số nghề nào đó. Những người không có nghề gọi là "mù nghề" khó có thể kiếm sống trong xã hội hiện nay và ảnh hưởng chất lượng nguồn nhân lực của đất nước. Vì vậy, việc định hướng nghề nghiệp và dạy nghề phải được đặt ra ở chương trình phổ thông với các mức độ khác nhau, từ tiểu học đến THPT. Trong đó, đối với THPT là cấp “định hướng nghề nghiệp”.

tin liên quan

Giáo viên sẽ không chỉ là ‘thợ dạy’
Chương trình giáo dục phổ thông chỉ có thể chuyển hướng sang giáo dục tích hợp, phân hóa, dạy học sinh trải nghiệm sáng tạo khi có đội ngũ giáo viên đủ năng lực để đáp ứng yêu cầu chứ không chỉ là “thợ dạy” như thường thấy hiện nay.
 

Đáp ứng mọi nhu cầu của học sinh
Theo sự khám phá của khoa học tâm lý giáo dục, cũng như theo nhận xét thông thường, con người nói chung khác nhau về khả năng và sở thích. Người thì giỏi lĩnh vực này lại kém lĩnh vực kia, người thích cặm cụi trong phòng thí nghiệm hay trên bàn viết, trong khi nhiều người thích hoạt động trên thương trường và công xưởng. Mỗi người có một tài năng riêng không dễ phát hiện. Tài năng con người được ví như tài nguyên thiên nhiên, nó không nằm trên mặt đất mà phải cất công tìm kiếm. Chương trình và phương pháp giáo dục của người thầy giúp HS phát hiện ra tài năng và khác biệt.
Chương trình học phải đa dạng, linh hoạt và phong phú về nội dung và hình thức để đáp ứng khả năng, sở thích riêng của từng HS nhằm giúp họ phát triển tốt nhất. Cần xây dựng chương trình có một số môn học bắt buộc và nhiều môn học tự chọn khác nhau để thỏa mãn mọi nhu cầu của HS. Chương trình mới có thể đào tạo một HS sau này trở thành một nhà bác học hay chỉ là một công dân bình thường nhưng sống tốt. Một HS có năng khiếu về văn học, nghệ thuật thì HS này không cần phải học nhiều về toán cao cấp hay hình học không gian, mà thay vào đó sẽ có chương trình nâng cao về văn học và nghệ thuật.

Ứng dụng hằng ngày kiến thức được học
Chương trình mới cần có tính ứng dụng hóa, nghĩa là phải cho thấy sự hữu ích của kiến thức và giảm tính lý thuyết và từ chương. Theo đó, kiến thức đã lĩnh hội cần được áp dụng hằng ngày vì thế phải giảm thiểu tối đa những kiến thức xa rời thực tế trong chương trình. Ngoài việc tiếp thu những kiến thức phổ thông, HS cần có cơ hội phát triển những kỹ năng sống như bơi lội, cứu người, cách thoát hiểm…
Một chương trình thiết kế phải để người học được quyền chọn lựa và quyết định việc học của mình. Giáo dục phải bắt đầu từ nhu cầu, sở thích của người học và được lên kế hoạch học tập phù hợp với từng cá nhân. Người học được chọn trường, chọn môn học và chọn giáo viên. Ngoài ra, người học được tham gia tích cực vào quá trình học của mình. Khi đó, giáo viên được gọi là người hướng dẫn chứ không phải là người dạy. Tính dân chủ trong giáo dục còn biểu hiện ở chỗ tất cả mọi người đều bình đẳng về quyền và trách nhiệm. Khi đó, người học phải được thể hiện ý kiến của bản thân, có khi khác với ý kiến của thầy giáo. Dân chủ hóa giáo dục còn được thể hiện ở chương trình cần có “phần mềm” để các giáo viên tự xây dựng chương trình gắn với đặc điểm kinh tế - xã hội, bản sắc riêng của địa phương để giảng dạy cho HS.

Dân tộc và hội nhập quốc tế
Trong một xã hội tri thức và toàn cầu hóa thì tính dân tộc và hội nhập quốc tế phải được đề cao như nhau.
Tính dân tộc tức là giáo dục tôn trọng giá trị truyền thống của dân tộc trong mọi sinh hoạt liên quan đến gia đình, nghề nghiệp, cộng đồng, quốc gia, HS phải biết bảo tồn và phát huy những truyền thống tốt đẹp trong văn hóa dân tộc và trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, tinh thần dân tộc không phải bảo thủ, đóng cửa mà ngược lại, giáo dục phải mở rộng, tiếp nhận những kiến thức khoa học kỹ thuật tân tiến, tiếp nhận tinh thần dân chủ, phát triển xã hội, giá trị văn hóa và những giá trị phổ quát của nhân loại, góp phần vào việc hiện đại hóa quốc gia, làm cho kinh tế đất nước phát triển và làm cho xã hội tiếp cận với văn minh của thế giới.
Từng có 2 chương trình, 2 bộ sách giáo khoa
Theo nhà giáo Lê Khắc Hân, biên tập viên Trại biên soạn chương trình, sách giáo khoa cho miền Nam (Trại sách B), chỉ trong 2 năm với khởi đầu vào tháng 9.1972, đã có 2 bộ sách giáo khoa (SGK), một cho giáo dục phổ thông, một cho bổ túc văn hóa hệ 12 năm của Nhà xuất bản Giáo dục giải phóng và dùng trên toàn lãnh thổ miền Nam ngay sau năm 1975. Hai bộ sách ấy được dùng cho tận đến khi có sách cải cách giáo dục (năm 1981).
Đội ngũ Trại sách B với hơn 30 người gồm các giáo viên giỏi phổ thông của một số trường miền Bắc, một số giảng viên các trường ĐH và chuyên viên Bộ Giáo dục. Mỗi người phải tự mình chọn lọc, sắp xếp thành khung chương trình cơ bản và chuẩn bị đầy đủ luận cứ để bảo vệ trước cả tổ về cấp lớp mình phụ trách. Toàn bộ chương trình được chủ biên tổng hợp sau khi được tổ thông qua và các chuyên gia góp ý mới trình Bộ duyệt. Từ đó, tiến hành biên soạn SGK theo từng bước.
Đến tháng 9.1974 (chỉ đúng 2 năm từ khi bắt đầu), 2 bộ SGK cả giáo dục phổ thông và bổ túc văn hóa từ lớp 1 đến lớp 12 đã in xong, đủ dùng cho toàn miền Nam.
Từ năm 1976 - 1979, tôi học ở Trường đệ nhị cấp Quảng Trị (nay là Trường THPT Đông Hà). Trường lúc đó có cả HS 2 hệ 10 năm và 12 năm. Tôi học 12 năm, theo chương trình phân ban, gồm ban A (văn - sử - địa), ban C (toán - lý -hóa) và ban D (toán - hóa - sinh). Việc tổ chức dạy học của nhà trường rất hiệu quả. Thầy cô phải giảng dạy một môn nhưng cả hai hệ và nhiều ban khác nhau, có khi buổi tối tham gia dạy bổ túc văn hóa.
Hiện ngành giáo dục đang chuẩn bị biên soạn chương trình và SGK giáo dục phổ thông mới, tiến trình này bắt đầu từ năm 2011, đã qua 5 năm nhưng vẫn chưa ban hành được chương trình tổng thể. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia là quá chậm, trong khi yêu cầu của Quốc hội đến năm học 2018 - 2019 phải áp dụng chương trình, SGK mới. Từ nay đến đó chỉ còn 2 năm!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.