Dạy những điều cao siêu, thiếu kiến thức tối thiểu
Giờ hầu hết học sinh (HS) sợ hãi môn văn, thấy nó là cực hình, tra tấn. Cứ đến giờ học văn là thấy khó chịu vì buồn tẻ, buồn ngủ, thậm chí cho là vớ vẩn trong khi lẽ ra đó phải là những giờ học rất hấp dẫn. Thời tôi học phổ thông, có những ông thầy dạy rất hay. Cứ vào giờ học là ông ấy ngồi kể chuyện, còn HS ngồi há hốc mồm ra nghe. Đó là nhờ hồi đó chúng ta chưa có sách giáo khoa sách giáo khoa (SGK) theo kiểu bắt buộc phải dạy theo thì thầy mới được thoải mái như thế!
Dạy văn là phải bồi dưỡng tình cảm, truyền những tình cảm nhân văn thương người, thương bố mẹ, người thân… Nó là những cái tối thiểu.
Chúng ta không dạy HS những kiến thức tối thiểu như diễn đạt như thế nào cho đúng ngữ pháp, chữ nghĩa, chính tả... Lẽ ra chỉ cần giúp HS hiểu những tác phẩm dưới góc độ nhân văn thì lại có tham vọng biến các em thành những nhà phê bình, nhà nghiên cứu, nên tính chất học rất chuyên sâu. Người làm phê bình chuyên nghiệp như tôi vớ phải những bài tập lớp 6 cũng toát mồ hôi. Cho chính các nhà văn làm họ cũng không làm được. Dạy văn cho HS thì chỉ cần các em cảm thụ được cái hay cái đẹp thông qua tính nhân văn của tác phẩm và biết cách trình bày lại, diễn đạt lại ý tứ của mình một cách đúng ngữ pháp, dùng từ đúng ngữ nghĩa, viết đúng chính tả. Nghịch lý bây giờ là có tình trạng học thì có vẻ cao siêu nhưng viết không thành câu.
Một bất cập khác là hệ thống tác phẩm văn học đưa vào nhà trường hiện nay có rất nhiều cái không gần gũi với HS. Trẻ con bé tí đã phải học Vợ nhặt. Đó là một thế giới cực kỳ xa lạ, vừa đói, vừa khổ, vừa nhếch nhác, vừa hèn…, trẻ con ngày nay làm sao hiểu nổi! HS lớp 6 đã phải học thơ Đỗ Phủ, một ông nào đó đời Đường từ nghìn năm trước đối với đứa trẻ mới lớn là quá xa lạ.
tin liên quan
Ngại học văn vì... sách giáo khoa !Chương trình, sách giáo khoa môn ngữ văn hiện hành là một trong những nguyên nhân không nhỏ khiến học sinh chán và ngại học môn này.
Ngược lại, ca dao, tục ngữ, dân ca là tinh túy của ngôn ngữ dân tộc thì các em lại được tiếp cận quá ít. Theo tôi, để trẻ con dễ dàng ngấm được cái hay, cái đẹp về ngôn ngữ và tâm hồn Việt thì nên cho học nhiều ca dao, thậm chí bắt học thuộc lòng (giống như học bảng cửu chương).
TSKH Phan Hồng Giang (Nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa VN)
Ít chú trọng dạy để học sinh nói, viết được
Làm sao để thầy giáo được chủ động, say sưa tâm huyết, khai thác bài văn chứ như bây giờ chúng ta quá nhấn mạnh vai trò của phương pháp thì thành ra thái quá. Nếu chúng ta cứ quan tâm quá tới phương pháp, rồi sa đà vào việc dạy HS thủ thuật làm văn thì chẳng những không giúp được mấy cho việc nuôi dưỡng, phát huy năng khiếu thẩm mỹ hồn nhiên của HS mà còn giết chết nó.
Thực tế HS ngày nay có yêu cầu khác, vốn kiến thức của HS bây giờ có nhiều thứ khác. Nếu muốn tất cả những tác phẩm được cho là hay trong lịch sử văn học dân tộc được đưa vào chương trình thì rõ là tham quá, HS sẽ không nuốt được đâu!
Việc dạy tiếng Việt trong trường phổ thông từ trước đến nay không đúng vì thế mà thất bại. Các nhà nghiên cứu đem vào SGK những điều đang cãi nhau bằng cách nói của giới học thuật thành ra quá tải. Cái quan trọng là dạy làm sao để HS nói được, viết được, nói cho hay… thì ta làm được rất ít.
PGS Nguyễn Hoành Khung (Nguyên giảng viên Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội)
Nên có những tác phẩm văn học sau năm 2000
Nội dung SGK hiện nay quá ôm đồm, quá nhiều bài, nặng nề về lý thuyết, kiến thức dàn trải trong khi phân phối chương trình lại quá ít tiết.
Các tác phẩm trong SGK còn nặng nề về tính chính trị, chưa có những đơn vị bài đòi hỏi khả năng phản biện của HS. Phân phối chương trình chưa hợp lý. HS cấp THPT vẫn phải học lại văn học dân gian trong khi ở THCS đã học rồi, phần văn học trung đại kém hấp dẫn nhưng quá nhiều, còn văn học sau 1975 có ít tác phẩm được đưa vào SGK. Văn học không có những tiết trải nghiệm, cảm nhận và thu nhận cuộc sống, rồi thể hiện lại cuộc sống bằng sáng tác của HS.
tin liên quan
Ngại học văn vì... sách giáo khoa!: Để giáo viên và học sinh tự chọn tác phẩmChỉ nên bắt buộc dạy một số tác phẩm có giá trị đỉnh cao về tư tưởng, nghệ thuật và dành thời lượng lớn để giáo viên, học sinh chọn văn bản để dạy học môn ngữ văn.
Môn văn hiện nay không đạt tính ứng dụng, không chú trọng vào kỹ năng. Các bài giảng văn quá nhiều, bài giảng kỹ năng quá ít. Trong khi kết quả môn học được thể hiện qua việc rèn kỹ năng thuyết trình, trình bày trước đám đông, phỏng vấn và trả lời phỏng vấn.
Là giáo viên, tôi mong muốn người biên soạn lắng nghe những điều này và có một khảo sát thực tế về mong muốn của HS với môn học. SGK nên có những tác phẩm văn học sau năm 2000. Đó là những tác phẩm mang tính đương đại có giá trị và gần gũi, HS đang quan tâm.
Với tư cách là người sáng tác, tôi mong muốn môn ngữ văn trao cơ hội sáng tác cho HS nhiều hơn thay vì cứ viết những bài cảm nhận tác phẩm của người khác.
Đỗ Đức Anh (Giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM - nhà văn trẻ)
Bình luận (0)