Thông tư ban hành quy chế tuyển sinh THCS và THPT mà Bộ GD-ĐT mới ban hành đã thay đổi chính sách cộng điểm đối với học sinh thi vào lớp 10 công lập.
Theo đó, ngoài đối tượng chính sách được ưu tiên, Bộ GD-ĐT quy định mức cộng điểm khuyến khích từ 0,5 - 1,5 điểm cho học sinh giỏi đoạt giải cấp tỉnh do Sở GD-ĐT tổ chức hoặc phối hợp với các sở, ngành tổ chức trên quy mô toàn tỉnh đối với cuộc thi tổ chức ở cấp quốc gia.
Cụ thể, học sinh đoạt giải nhất được cộng 1,5 điểm, học sinh giải nhì được cộng 1 điểm, học sinh giải ba được cộng 0,5 điểm. Điểm khuyến khích được cộng vào tổng điểm xét tuyển tính theo thang điểm 10 đối với mỗi môn thi, bài thi.
Những năm trước đây, Bộ GD-ĐT không cho phép cộng điểm khuyến khích với học sinh đoạt giải tỉnh, thành phố.
Đối tượng được tuyển thẳng vào lớp 10
Ngoài ra, thông tư cũng quy định chính sách tuyển thẳng, chế độ ưu tiên tuyển sinh trong tuyển sinh lớp 10.
Những đối tượng được tuyển thẳng bao gồm:
Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú cấp THCS; học sinh là người dân tộc thiểu số rất ít người; học sinh là người khuyết tật.
Học sinh THCS đoạt giải cấp quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức hoặc phối hợp với các bộ và cơ quan ngang bộ tổ chức trên quy mô toàn quốc đối với các cuộc thi, kỳ thi, hội thi về văn hóa, văn nghệ, thể thao; cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật.
Học sinh THCS đoạt giải trong các cuộc thi quốc tế do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định chọn cử.
3 nhóm đối tượng được cộng điểm ưu tiên
Đối tượng được cộng điểm ưu tiên vào tổng điểm xét tuyển tính theo thang điểm 10 đối với mỗi môn thi. Trong đó, nhóm 1: được cộng 2 điểm; nhóm 2 được cộng 1,5 điểm; nhóm 3 được cộng 1 điểm.
Nhóm đối tượng 1 gồm: con liệt sĩ; con thương binh mất sức lao động 81% trở lên; con bệnh binh mất sức lao động 81% trở lên; con của người được cấp "Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động 81% trở lên"; con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; con của người hoạt động cách mạng trước ngày 1.1.1945; con của người hoạt động cách mạng từ ngày 1.1.1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8 năm 1945.
Nhóm đối tượng 2: con của Anh hùng Lực lượng vũ trang, con của Anh hùng Lao động, con của bà mẹ Việt Nam anh hùng; con thương binh mất sức lao động dưới 81%; con bệnh binh mất sức lao động dưới 81%; con của người được cấp "Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động dưới 81%".
Nhóm đối tượng 3: người có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số; người dân tộc thiểu số; học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm phê duyệt kế hoạch tuyển sinh THPT, bao gồm các nội dung cơ bản: đối tượng tuyển sinh; chỉ tiêu và địa bàn tuyển sinh; phương thức tuyển sinh; chế độ tuyển thẳng, ưu tiên, khuyến khích; thời gian xét tuyển và công bố kết quả tuyển sinh. Kế hoạch tuyển sinh THPT được công bố trước ngày 31.3 hằng năm.
Bộ GD-ĐT cho biết, trước khi ban hành thông tư này, bộ đã gửi lấy ý kiến của 63 sở GD-ĐT và các trường THPT trong cả nước về một số nội dung của thông tư; lấy ý kiến của gần 9.000 cơ sở giáo dục trung học tại 63 tỉnh, thành phố.
Trong quá trình lấy ý kiến, Bộ GD-ĐT đã tiếp nhận góp ý của các sở GD-ĐT, các trường học, chuyên gia, giáo viên, học sinh, phụ huynh và toàn xã hội. Đề xuất cộng điểm khuyến khích cho học sinh giỏi cấp tỉnh được nhiều sở GD-ĐT góp ý nhằm khuyến khích học sinh có năng lực học tập xuất sắc.
Bình luận (0)