Tự tin trong giao tiếp
Chứng kiến con mình vượt qua những bỡ ngỡ, có phần nhút nhát, không tự tin vào những ngày đầu tiên tiếp xúc với giáo viên người nước ngoài, phụ huynh của học sinh (HS) lớp 1 Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) phấn khởi khoe: “Đón bé vào giờ tan trường, gặp giáo viên nước ngoài, bé liền nhanh chân chạy tới nói lời tạm biệt, hẹn gặp lại vào ngày mai, cảm giác của tôi khá vui. Theo tôi, học ngoại ngữ, cứ mạnh dạn chắc chắn sẽ nhận được kết quả khả quan”.
Còn bé Hà My, học lớp 2 tại một trường của Q.1, thích thú kể: “Thầy dễ thương, vui tính, thầy chỉ vẽ hình và làm động tác khi tham gia trò chơi là tụi con hiểu các câu mệnh lệnh như xếp hàng, nhảy lò cò, nhảy cao, chạy vòng quanh, chạm vào đồ vật...”.
Cùng cảm xúc, Linh Chi, bạn chung lớp với Hà My, hào hứng nói: “Thầy dạy cho chúng con nhiều bài hát, chơi nhiều trò chơi nên con biết thêm rất nhiều từ vựng. Con phát âm sai, thầy không có la mà tập cho con nói đúng và giơ tay ra hiệu tiếp tục, tiếp tục, cố lên”.
Không chỉ hiểu, nắm bắt nhiều từ vựng để sử dụng tự tin trong các hoạt động qua giờ học Anh văn mà nhiều HS còn bị hấp dẫn bởi các tiết học môn khoa học. HS Phạm Gia Trí (Q.Bình Thạnh) cho hay: “Em được tự tay trồng và hằng ngày chăm sóc cây của mình. Chứng kiến sự phát triển của cây đậu xanh từ khi nảy mầm, ra thân, ra lá... thì em cũng biết được các từ vựng đi kèm. Các thầy cô hướng dẫn còn khuyến khích chúng em tư duy, sáng tạo, thể hiện suy nghĩ của mình thông qua mỗi hoạt động thực hành, thí nghiệm”.
Đột phá về phương pháp, nội dung giảng dạy
Dưới góc độ quản lý, ông Đinh Thiện Căn, nguyên Trưởng phòng Giáo dục Q.1, nhận xét: “Chương trình với những đổi mới đột phá trong cách dạy, cách soạn giáo án, cách truyền tải kiến thức, cách cân bằng giữa bảo đảm truyền tải nội dung giữa tiếng Anh và tiếng Việt, xây dựng kỹ năng... Từ đó giúp HS tìm ra niềm say mê đối với các môn toán, khoa học. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để HS đạt đến chuẩn tiếng Anh xuất sắc khi còn ngồi ở ghế nhà trường”.
Ngoài ra, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay: “Đội ngũ giáo viên là người bản ngữ, đến từ các nước nói tiếng Anh là ngôn ngữ chính, có bằng đại học, chứng chỉ sư phạm. Thêm vào đó, họ còn được tập huấn về phương pháp tích hợp nội dung và ngôn ngữ CLIL - Content and Language Integrated Learning để bảo đảm chuyển tải được kiến thức chuyên môn kết hợp ngôn ngữ tiếng Anh chuẩn. Đây là một phương pháp sư phạm tiên tiến của Anh quốc, nhằm nhấn mạnh mối liên hệ tương quan giữa các môn học và ngôn ngữ tiếng Anh được sử dụng để giảng dạy các môn học đó.
Có thể nói rằng với những đột phá trong phương pháp giảng dạy và nội dung của chương trình tích hợp thì mục tiêu biến tiếng Anh trở thành thế mạnh thực sự của người VN không còn là điều xa vời. Từ đó chúng ta có quyền tin tưởng trong một tương lai gần nguồn nhân lực Việt có sức cạnh tranh mạnh mẽ với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới”.
Kết quả của chương trình tiếng Anh tích hợp, ở bậc tiểu học có hơn 97% HS đạt điểm khá, giỏi và không có HS dưới điểm trung bình. HS dần làm quen với 4 kỹ năng, có thể đọc và viết những câu ngắn, trao đổi bằng tiếng Anh với giáo viên, bạn bè, làm quen với kiến thức toán. Ở bậc THCS, số lượng HS đạt 8 điểm trở lên ở môn tiếng Anh chiếm 79%, môn vật lý là 77% và 2 môn toán với sinh học cùng đạt 73%. HS được quan sát, đặt câu hỏi và trải nghiệm qua mỗi bài học nhờ phương pháp giảng dạy chú trọng thực hành, ứng dụng những nội dung đã học một cách sáng tạo vào thực tiễn.
|
Bình luận (0)