Ấn tượng với “công nghệ học trò”
Đây là một đoạn phim hành động giả tưởng được dàn dựng bằng phần mềm After Effects CS 4, Videocopilot gồm hai phần, dài 12 phút 46 giây và hoàn toàn do các bạn tự biên tự diễn từ kịch bản, diễn xuất, quay phim, dàn dựng và xử lý kỹ xảo. Đến nay, đoạn phim đã thu hút hơn 234.912 lượt xem và trở thành chủ đề tranh luận cho mọi người.
Bắt đầu phim là hình ảnh một biên tập viên đài BBC (do một học sinh đóng vai) dự báo thời tiết: "Nhiệt độ ngày mai dao động từ 50 - 100 độ C, độ ẩm 0%, và trong vòng 24 giờ nữa thì các thị trấn, các thành phố sẽ trở thành món súp gà, vì thế chúng ta hãy vui chơi xả láng".
Một học sinh khác đang ở nhà, nhìn lịch treo tường với 29 ngày đã được đánh dấu chéo, ngày 30 đã được ghi thêm dòng chữ Fighting (chiến đấu), học sinh này liền trang bị súng ống vào người và đến chỗ hẹn. Khi thấy trước mặt mình có người khả nghi liền vội gọi điện thoại với những lời lẽ khích bác sặc mùi "xã hội đen". Thấy đúng là người mình cần tìm để đọ sức, nam sinh này nói ngay: "Vậy thì mày hãy đi chết nhé!".
Ngay tức khắc, hai học sinh nam, vẫn còn khoác nguyên đồng phục của trường THCS Nguyễn Phong Sắc với sắc mặt cực "ngầu" bắt đầu "nói chuyện" với nhau bằng bạo lực. Lần lượt những pha hành động võ thuật thường thấy trên phim hành động của Mỹ hay Trung Quốc bắt đầu được thi triển dồn dập. Kèm theo đó là phụ đề bằng tiếng Anh và hàng loạt âm thanh cắt từ nhiều phim hành động nổi tiếng của Mỹ, những kỹ xảo trong phim Ma trận (The Matrix) nổi tiếng cũng được nhóm dàn dựng đưa vào đoạn phim cho thêm phần sống động. Một học sinh xả súng liên tiếp vào kẻ thù của mình nhưng không trúng.
Tiếp đó, nam sinh này lao nhanh đến, dùng gậy đập vào đầu cho đến khi đối thủ phải khuỵu gối, hộc máu miệng. Mặc dù vậy, đối thủ mà nam sinh này gặp không phải là người bình thường và bắt đầu phản đòn. Những cú chưởng long trời lở đất, những cú chỏ vào ngực, ra đòn bằng gối vào bụng, đấm liên tiếp vào mặt, đập đầu vào tường, những cảnh máu me... lại xuất hiện. Hai nam sinh rượt đuổi để triệt hạ nhau bằng được trên cả một "phim trường" dài từ phố Định Công qua khu đô thị Linh Đàm, đến khu đô thị Phố Vọng rồi Đại học Bách khoa, Hà Nội. Đoạn phim tạm dừng bằng hình ảnh một trận mưa thiên thạch khủng khiếp và lời đề "hẹn gặp lại ở phần 3".
Nhóm học sinh tạo nên đoạn phim đó là các bạn Nguyễn Quỳnh Phong, Nguyễn Hoàng Phong, Trịnh Tài Việt và Nguyễn Trung Quân (nhóm PVQVIDEO), đang là học sinh lớp 9A5, trường THCS Nguyễn Phong Sắc, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội. |
Táo bạo hay bạo lực?
Sau khi đoạn phim đăng tải trên YouTube, đã được số đông người xem hưởng ứng, khen ngợi và bày tỏ sự ngưỡng mộ bởi những kỹ xảo bất ngờ của những học sinh chỉ đang học lớp 9. Có thành viên trang YouTube nhận xét "phim hay hơn cả của Hollywood", "các cảnh bầu trời ầm ầm u tối, tung "chưởng" long trời lở đất, biến mất vào trong tường… được xử lý công phu, rất trùng khớp với diễn xuất của nhân vật tạo nên sự hấp dẫn thật sự cho người xem, rất đáng khen các bạn", "đây là những nhân tài không đợi tuổi, cần được đưa đi đào tạo để trở thành những đạo diễn xuất sắc cho Việt Nam". Hay có ý kiến cho rằng, chính đoạn phim này đã mang lại những "tín hiệu" đáng mừng cho tương lai của phim Việt đã có những bạn trẻ đam mê điện ảnh, biết tìm tòi ứng dụng và hoàn thiện được những kỹ thuật khó của công nghệ làm phim.
Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng những nhận xét trên chỉ đúng trên khía cạnh điện ảnh. Còn đối với khía cạnh xã hội thì lại là điều khác. Bởi từ đoạn phim này đã cho người xem những điều phải suy ngẫm, nhất là trong thời điểm tình trạng bạo lực học đường đang ở mức báo động như hiện nay. Dù biết rằng đoạn phim được dựng lên chỉ để thỏa mãn mục đích thư giãn, giải trí nhưng chắc chắn sẽ gây ra những tâm lý ngược nhau về vấn đề này. Có ý kiến lo ngại các học sinh khi xem đoạn phim sẽ bị ảnh hưởng bởi chứng kiến quá nhiều ngôn từ và hình ảnh bạo lực, súng ống, đánh nhau bằng gậy gộc đến mức phải hộc máu trong đoạn phim.
Nhiều khán giả khác thì chia sẻ, với những ý tưởng sáng tạo, cộng vào đó là khả năng về làm phim như vậy, tốt nhất các bạn đừng nên làm những đoạn phim hành động mang tính bạo lực mà cần hướng đến những thông điệp có ý nghĩa thiết thực hơn, chẳng hạn như làm những bộ phim mang tính chất giáo dục, nhân văn. Khi đó, chắc hẳn cộng đồng mạng sẽ hưởng ứng nhiệt liệt chứ không còn những lời phê phán.
* Các em giỏi thật đấy. Chị phục nhất là phần kỹ xảo, các bộ phim ở Việt Nam đã phim nào được thế này đâu. Cố gắng phát huy nhé, các em sẽ thành công trong tương lai đấy. (thanhtam071291, youtube.com) Dạ Lam |
Nguyễn Thanh Nam
Bình luận