Mong muốn người nước ngoài ở Việt Nam có thêm thông tin dịch bệnh
Đó là fanpage “Covid-19 updated information for foreigners in Vietnam” do Giáp Bùi Việt Anh (học sinh lớp 12A1 Trường THPT Lục Ngạn số 1, Bắc Giang) thành lập vào 8.3. Nữ sinh mong muốn cập nhật những thông tin thời sự, cách thức phòng bệnh cũng như các thông báo của cơ quan chức năng về dịch bệnh cho những người nước ngoài ở Việt Nam để họ có thể chủ động phòng, chống bệnh.
Ban đầu, Việt Anh tự mình chọn lọc thông tin rồi dịch sang tiếng Anh để đăng lên trang. Nhưng chỉ sau 2 ngày lượng tương tác của người nước ngoài trên trang đã “vượt qua sức tưởng tượng” nên em mời thêm 2 thành viên là Trần Châu Anh, học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên - Trường đại học Vinh để cùng đăng bài và Finlay Porter (sinh viên Exter College International, vừa hoàn thành Gap Year ở Việt Nam) làm cố vấn. Với sự hỗ trợ của những thành viên mới, chỉ sau 10 ngày, số lượng tương tác tăng lên đáng kể.
Khi trang đã vượt mức 4.000 lượt theo dõi và hơn 124.000 lượt tiếp cận, Việt Anh tiếp tục mời thêm 5 thành viên tham gia vào nhóm để tăng tần suất đăng bài vì dịch bệnh diễn biến ngày một phức tạp và cũng để giảm bớt áp lực cho những thành viên của nhóm.
Trong đó, trang nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người nước ngoài tại Việt Nam. Ngoài Finlay Porter, đã có thêm nhiều người nước ngoài tự nguyện đăng ký làm cố vấn như Melody Lopez, Chris Knight… Họ là những người nước ngoài đang sống và làm việc ở Việt Nam.
Sau khi nhóm có thêm các thành viên, mọi người thường họp online và phân chia công việc rõ ràng. “Công việc này bọn em làm hoàn toàn phi lợi nhuận nhưng tất cả các thành viên đều rất nhiệt huyết, bọn em làm việc khá ăn ý nên chỉ cần trao đổi trên Facebook là cả nhóm đã có thể làm việc hiệu quả”, nữ sinh chia sẻ.
Chia sẻ về cách chọn lọc thông tin đăng tải trên trang, Việt Anh cho biết để đảm bảo độ chính xác, cả nhóm chỉ lấy nguồn thông tin từ những trang chính thống, hoặc những thông báo chính thức của Bộ Y tế, chỉ đạo của Thủ tướng…
Tương tác, hỗ trợ người nước ngoài
“Tiêu chí hoạt động của bọn em là nhanh chóng, chính xác và dễ hiểu nhưng phải đúng. Còn về văn phong, ngữ pháp thì nhóm rất yên tâm vì có sự chỉ dẫn nhiệt tình của hai người bản xứ”, Việt Anh chia sẻ và cho biết, mất 20-30 phút để hoàn thành một bài dịch có chất lượng tốt.
|
Không chỉ thuần chuyển tải thông tin, cả nhóm của Việt Anh còn thường xuyên tương tác, hỗ trợ những người nước ngoài ở Việt Nam. Hằng ngày, cả nhóm đều nhận được rất nhiều tin nhắn và bình luận về các vấn đề dịch bệnh.
“Sau khi lập trang được 2-3 ngày thì có một người nước ngoài nhắn tin chia sẻ họ thuộc diện được tìm kiếm và cần được cách ly. Tuy nhiên khi người này gọi hotline nhưng không có hỗ trợ tiếng Anh, còn liên lạc với chính quyền địa phương thì bất đồng ngôn ngữ nên gặp rất nhiều khó khăn. Nhóm em sau đó đã trực tiếp gọi điện cho hotline Bộ Y tế, rồi hướng dẫn lại người này làm những thủ tục khai báo y tế cũng như liên lạc với nhân viên y tế địa phương giải thích để cả hai bên hiểu nhau. Người này sau đó đã được đưa đi cách ly theo đúng quy định”, Việt Anh chia sẻ.
Hiện trang “Covid-19 updated information for Foreigners in Vietnam” đã có gần 11.000 lượt theo dõi và gần 10.000 lượt thích của các thành viên đến từ nhiều quốc gia.
Là một trong những cố vấn người nước ngoài của trang, Melody Lopez (đến từ Mỹ), cho biết cô đang giảng dạy tại TPHCM, đã sinh sống tại Việt Nam được 9 năm. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng phức tạp Melody Lopez đã lên nhiều kênh thông tin để tìm hiểu thông tin.
“Có rất nhiều trang ở nước ngoài cung cấp thông tin dịch bệnh ở thế giới, nhưng ở Việt Nam thì không nhiều, thấy hoạt động của nhóm Việt Anh ý nghĩa, có thể giúp ích cho nhiều người nước ngoài ở đây nên tôi tình nguyện đăng ký tham gia”, Melody nói.
Với vai trò là cố vấn, trước mỗi bài đăng, Melody sẽ kiểm tra lại cách dùng từ và sửa các lỗi ngữ pháp cho bài dịch của các bạn, cũng như tư vấn cách dịch bài dễ hiểu cho cả nhóm.
“Tôi sống ở Việt Nam và tôi mong muốn được góp một chút sức mình cùng người dân địa phương chống lại dịch bệnh Covid-19. Tôi cũng mong tất cả những người nước ngoài ở đây có thêm kênh thông tin chính xác để có thể phòng, chống bệnh tốt hơn, cũng như có thể nắm được các chỉ đạo từ chính quyền nước sở tại”, Melody nói thêm.
Bình luận (0)