Ngoài ôn kiến thức cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, học sinh lớp 12 còn nâng cao khả năng trúng tuyển ĐH bằng cách đăng ký thi chuẩn hóa quốc tế (SAT, ACT...), chứng chỉ tiếng Anh (IELTS, TOELF, VSTEP...) hoặc đánh giá năng lực. Các môn năng khiếu như vẽ, âm nhạc, sân khấu điện ảnh... cũng được nhiều học sinh dành thời gian luyện tập vì không có trong chương trình học phổ thông.
Tránh học quá sức hoặc quá thoải mái
Trần Gia Linh, học sinh lớp 12 Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM), là một ví dụ như thế. Đặt nguyện vọng vào Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, Linh phải thi năng khiếu vẽ, song song đó thi IELTS vào cuối tháng 2 và đánh giá năng lực đợt 2 (ngày 28.5 - PV) của ĐH Quốc gia TP.HCM để “có đường lui”. “Em khai bút với đề toán để ôn lại kiến thức, sẵn sàng cho những bài kiểm tra khi đi học lại”, Linh chia sẻ câu chuyện đầu năm.
Thí sinh làm bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2021 |
đào ngọc thạch |
Xác định các kỳ thi gần nhất là IELTS và đánh giá năng lực, vào những ngày cận tết, nữ sinh dành khoảng 10 giờ mỗi ngày để lần lượt ôn tập và giải đề tham khảo của những kỳ thi này. Còn những ngày tết, vì đi thăm gia đình và vui chơi cùng bạn bè, Linh thường tự học vào buổi tối, chủ yếu xem lại các đơn vị kiến thức cũ hoặc làm đề thi của một kỹ năng IELTS “cho nhẹ nhàng”.
Học trong kỳ nghỉ tết, nữ sinh thừa nhận cảm giác bí bách, khó chịu là điều không thể tránh. Thay vì “cắm đầu học” tại nhà, những ngày này, Linh chọn ra quán cà phê ôn thi để cùng tận hưởng không khí tết với mọi người xung quanh, giúp tâm lý thoải mái. “Em cũng tránh học quá sức hoặc quá thoải mái vì rất dễ gây xao nhãng và không hiệu quả”, Linh nói thêm.
Đồng tình với Linh, Lâm Tiến Hải, học sinh lớp 12 Trường THPT Ernst Thälmann (TP.HCM), cho rằng kỳ nghỉ tết là dịp hiếm để nghỉ ngơi và học sinh cần biến nó thành “bàn đạp” để khởi đầu “chặng đua” ôn thi ĐH thuận lợi. “Nếu nghỉ quá nhiều sẽ mất cảm giác học tập và cần nhiều thời gian hơn để bắt nhịp trở lại, nhưng nếu học quá nhiều sẽ dễ gây stress, mất động lực”, Hải lưu ý.
Hải cũng đang có kế hoạch ôn thi SAT để đăng ký vào chương trình chất lượng cao của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM.
Vì lẽ đó, nam sinh đã lên kế hoạch cho 13 ngày nghỉ tết từ lúc còn học trên lớp để không “buông thả” bản thân. Cụ thể, trước ngày giao thừa, Hải chia lịch học theo sơ đồ 3/4/3, tức sáng học 3 giờ, chiều học 4 giờ và tối học 3 giờ. Đến những ngày tết, em không về quê để tranh thủ thời gian di chuyển nhưng giảm một nửa lịch ôn tập để tận hưởng khoảnh khắc đầu năm.
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2022 tại điểm thi THPT Trưng Vương (Q.1, TP.HCM) |
độc lập |
“Vì vừa trải qua kỳ thi cuối kỳ, nhân lúc vẫn còn nhớ bài, em chọn giải đề và học thuộc những câu hỏi thường làm sai để củng cố thêm nữa lượng kiến thức đã học. Từ đó, sẵn sàng tiếp thu bài mới trong học kỳ sau”, nam sinh chọn thi khối C (văn, sử, địa) cho hay.
Lập danh sách việc cần làm
Chọn con đường du học Úc sau khi tốt nghiệp THPT, Lâm Vĩnh Hồng, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), nhận định chứng chỉ tiếng Anh IELTS là ưu tiên hàng đầu để làm nổi bật hồ sơ ứng tuyển. Do đó, Hồng chọn ôn tập xuyên tết nhằm không gián đoạn nhịp luyện thi qua những hoạt động như ôn và học thêm từ vựng, đọc bài viết của thí sinh điểm cao, luyện nghe và tập nói tiếng Anh với bạn bè đã thi trước đó.
Hồng chia sẻ thêm rằng mỗi tối, em lập sẵn danh sách việc cần hoàn thành cho hôm sau, gồm những bài tập cần làm hay đơn vị kiến thức cần ôn dựa trên điểm số mong muốn ở từng môn học, và phân bổ thời gian cụ thể cho mỗi mục.
“Nó giúp em không gặp áp lực khi phải học trong tết vì đã có thời gian biểu rõ ràng để làm theo, đồng thời tạo cơ hội để em hoàn thành những mục tiêu nhỏ hằng ngày, qua đó không ngừng thúc đẩy bản thân phát triển”, nam sinh phân tích.
Thí sinh thi thử IELTS trên máy tính tại một điểm thi ở Hà Nội hồi tháng 7.2022 |
british council |
Để việc lên kế hoạch đạt hiệu quả, theo Nguyễn Chí Thịnh, học sinh lớp 12 Trường THPT Lương Thế Vinh (TP.HCM), sự cam kết là yếu tố quan trọng nhất. “Nhiều bạn lập danh sách rất chi tiết nhưng sau đó lại thiếu động lực hoàn thành do nhiều nguyên nhân như bài khó, có việc đột xuất hay chỉ đơn giản là lười học, ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng”, Thịnh lý giải.
Để khắc phục điều này, nam sinh gợi ý người học có thể lên kế hoạch theo nhóm để kèm cặp lẫn nhau như em đang thực hiện. Hãy chia sẻ danh sách việc cần làm cho bạn bè, chụp hình bài làm gửi họ vào mỗi cuối ngày để báo cáo tiến độ và đặt ra những hình phạt như "lì xì" cho nhau nếu không thực hiện đúng hạn để cảnh cáo chính mình, Thịnh đưa ra lời khuyên. “Bạn bè có thể góp ý về học liệu hoặc cùng thảo luận đáp số, hỗ trợ nhau tiến lên”, nam sinh chia sẻ bí quyết.
Thịnh có kế hoạch thi đánh giá năng lực đợt 1 (ngày 26.3) của ĐH Quốc gia TP.HCM và hy vọng trúng tuyển ngành truyền thông của các trường công lập.
Trải qua những ngày nghỉ Tết Quý Mão 2023 cuối cùng, nam học sinh lớp 12 thú nhận em vẫn còn “quen mùi” bánh chưng, thịt kho tàu và các thú vui ngày tết. Xen kẽ với việc chơi xuân, Thịnh bắt đầu đọc trước bài mới sẽ học vào tuần sau và đăng ký học thêm môn còn yếu. “Phương thức tuyển sinh em chọn có xét học bạ nên thành tích trên lớp phải được nhanh chóng cải thiện, không thể chờ đến lúc thi”, Thịnh bộc bạch.
Bình luận (0)