Học sinh mà nghỉ hết tháng 3 phòng dịch Covid-19: Cô giáo 'tự giải cứu' mình

Lê Hồng Hạnh
Lê Hồng Hạnh
23/02/2020 10:30 GMT+7

Giải cứu thanh long, giải cứu vé máy bay và giờ thì đã đến “ giải cứu giáo viên mầm non ”. Câu chuyện mà Thanh Niên đăng tải này trên mạng đã nhận hơn 15.000 lượt tương tác . Các cô người lo ba mẹ, người nuôi em học đại học, với đồng lương ít ỏi lại ngưng việc vì dịch Covid-19 nên bán hàng để 'chia nhau sống'.

Nhóm giáo viên lập gian hàng “tự giải cứu mình” thuộc trường mầm non tư thục Ngôi Nhà Trẻ Thơ (P.Thạnh Xuân, Q.12, TP.HCM). Do học sinh nghỉ học để tránh dịch Covid-19 nên các cô nghĩ ra cách buôn bán này để kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Trường không đủ tiền trả lương tháng 2

Trường tư thục Ngôi Nhà Trẻ Thơ được thành lập vào năm 2016, tự thu tự chi. Đối với các giáo viên, trường sẽ hỗ trợ chỗ ở miễn phí nếu giáo viên có nhu cầu ở lại ngay trong khuôn viên trường. Ở đây, lương giáo viên được trả theo bằng cấp và năng lực. Học sinh nghỉ học để tránh dịch Covid-19, nguồn thu từ học phí không có nên việc chi trả lương cho giáo viên ở đây cũng gặp nhiều khó khăn.

Khách sẽ được vào trong khuôn viên trường nghỉ ngơi và uống nước

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Trả lời Thanh Niên , cô Trần Phí Ngọc Châu (34 tuổi, hiệu trưởng trường mầm non tư thục Ngôi Nhà Trẻ Thơ) cho biết từ sau Tết thì học sinh được nghỉ học, hầu hết các cô giáo đều về quê. Tiền lương tháng 1, trường vẫn thanh toán cho giáo viên bình thường. Tháng 2, vì học sinh nghỉ học, các cô giáo nhận trực ở lại trường thì được hỗ trợ 50% lương và những giáo viên không trực thì không có lương.
“Qua tháng 3 nếu học sinh vẫn còn được nghỉ học thì chắc mấy cô đều về quê hoặc kiếm việc làm thêm khác nên trường cũng sẽ tạm thời đóng cửa”, cô Châu nói.
Buổi chiều, các cô còn bán thêm giày dép để kiếm thêm thu nhập - Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Buổi chiều, các cô còn bán thêm giày dép để kiếm thêm thu nhập

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Cô Châu Thanh Nhàn (54 tuổi, hiệu phó nhà trường) cho biết tiền thuê mặt bằng của trường lên đến 60 triệu đồng/tháng. Không những vậy, còn rất nhiều loại chi phí khác trong tháng. Chính vì vậy, nếu học sinh nghỉ học, trường mất nguồn thu thì các giáo viên cũng ngầm hiểu là trường không đủ tiền để thanh toán lương.

Bán hàng để “chia nhau sống”

Giáo viên mầm non mở gian hàng để tự cứu mình qua dịch Covid-19

Hiện có 6 giáo viên ở lại trường mầm non tư thục Ngôi Nhà Trẻ Thơ. Thấy các cô giáo quê ở xa lại phải nuôi em và gửi tiền phụ giúp gia đình, cô Nhàn mới bàn bạc đưa ra phương án buôn bán như trên.
Hằng ngày, các cô sẽ dọn hàng ra vào buổi sáng ở trước cổng trường rồi thay nhau trực quầy hàng. Mặt hàng gồm có các loại nước giải khát (trà tắc, dừa lạnh, sâm lạnh, nước cam…) đều do các cô tự tay chế biến. Ngoài ra còn có nước rửa tay và sắp tới sẽ có thêm khẩu trang y tế. Buổi chiều, các cô còn bán thêm giày dép.
Nguồn vốn ban đầu chỉ khoảng 1 triệu đồng. Hàng dày dép do cô Châu đầu tư, bán được bao nhiêu thì sẽ chia lợi nhuận sau. Số tiền bán được từ hàng nước giải khát, nước rửa tay thì sẽ chia đều cho các cô giáo.

Các cô giáo ở lại đều có quê ở các tỉnh xa TP.HCM

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

“Ngày bán từ sáng đến chiều có khi được mấy trăm ngàn thì cũng chia nhau sống. Chủ yếu là khách quen người ta đến mua ủng hộ, rồi người ta đặt thì mình chịu khó đi giao hàng. Mấy bữa nay có đông hơn một xíu chứ mấy ngày trước ít khách lắm. Ngày đầu mở bán, các cô còn bị khách lừa mua không trả tiền”, cô Nhàn kể lại.
Bữa cơm vui vẻ cuối ngày của cô hiệu trưởng, hiệu phó và các giáo viên ở lại trường sau một ngày dài buôn bán ngoài đường - Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Bữa cơm vui vẻ cuối ngày của cô hiệu trưởng, hiệu phó và các giáo viên ở lại trường sau một ngày dài buôn bán ngoài đường

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Phương (24 tuổi) chia sẻ: “Lương của em trung bình 6 triệu đồng/tháng. Hàng tháng em thường phải gửi tiền về cho ba mẹ, còn trả tiền góp mua xe vì không có phương tiện đi lại. Nói chung là nhiều khoản phải chi lắm mà giờ mình về nhà xin tiền ba mẹ đâu được, giờ xin tiền ngại lắm nên em ở đây em tự kiếm việc. Nếu qua tháng 3 mà học sinh vẫn nghỉ thì em sẽ kiếm việc phụ bán hàng gì đó. Còn tháng 2 thì cứ làm ở đây”.
Cô giáo Kim Anh (23 tuổi) cũng ngậm ngùi chia sẻ: “Lương của em 5,5 triệu đồng/tháng. Hàng tháng em phải gửi về nhà 2 triệu đồng, lại còn nuôi em đang học bên Đại học Y Dược TP.HCM 2 triệu đồng nữa nên giờ mà nghỉ hoài thì em cũng không biết làm sao. Em sẽ ở đây đến hết tháng 2, nếu tháng 3, học sinh vẫn chưa đi học thì em sẽ về quê làm phụ với mẹ chứ biết làm sao giờ. Cô hiệu trưởng cũng giúp đỡ tụi em nhiều lắm nhưng cũng không có điều kiện”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.