Cuộc thi năm nay ghi nhận sự vượt trội về số lượng và chất lượng của các dự án thuộc nhóm lĩnh vực khoa học xã hội hành vi với 43 dự án. Trong đó, các dự án tập trung chủ yếu vào giải quyết những vấn đề đang nóng và ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý, học tập, lối sống của chính lứa tuổi học sinh.
Đề tài “Cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới) - nhận thức và ứng xử của học sinh THPT” của nhóm học sinh Hoàng Khánh Linh và Lê Mỹ Anh, Trường THPT Việt Đức, Hà Nội gây chú ý khi chạm đến vấn đề nhạy cảm và còn nhiều quan điểm trái chiều trong xã hội. Khánh Linh chia sẻ, về mặt nhận thức, học sinh THPT Việt Đức đã được trang bị khá tốt và đầy đủ về LGBT. Tuy nhiên, do thiếu nhiều hoạt động gắn lý thuyết với thực tiễn dẫn đến sự hiểu biết về LGBT chưa thật sự đúng khiến các bạn LGBT không tránh khỏi cảm thấy cô đơn, bị phân biệt, kỳ thị, dò xét…
Còn hai học sinh của Trường THPT chuyên Hà Tĩnh là Phan Tống Hồng Thái và Nguyễn Thị Cẩm Ly thì nghiên cứu về nâng cao kỹ năng phòng chống nạn xâm hại tình dục cho học sinh tiểu học, một vấn đề đang gây bức xúc trong xã hội thời gian gần đây khi liên tiếp xảy ra những vụ xâm hại tình dục trẻ em. Không chỉ nghiên cứu thực trạng và đưa ra các giải pháp về mặt lý thuyết, nhóm nghiên cứu còn giúp các em có kiến thức thực tiễn từ nhân vật có thật, xử lý các tình huống giả định giúp học sinh tiểu học thực hành các kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục ra sao…
Hay như dự án nghiên cứu hội chứng “thao túng tinh thần” đời sống học sinh của em Nguyễn Thị Thảo My và Phan Huyền Nhung, những học sinh đến từ THPT chuyên Nguyễn Tất Thành, Yên Bái, cũng thu hút được sự quan tâm bởi đề tài khá lạ. Thảo My và Huyền Nhung đã làm phiếu khảo sát về thực trạng thao túng tinh thần trong các mối quan hệ: cha mẹ - con cái trong định hướng tương lai, nghề nghiệp; thầy cô - học sinh trong đánh giá phẩm chất, năng lực người học; và học sinh - học sinh trong định giá giá trị bản thân. Từ đó, đưa ra rất nhiều giải pháp cụ thể, đã, đang và sẽ thực hiện trong trường như: tạo trang fanpage trên Facebook, tổ chức các cuộc thi vẽ, kể chuyện, trò chơi, làm phim ngắn, đăng hình ảnh, clip lên YouTube, thành lập mô hình giáo dục kỹ năng phòng chống hội chứng thao túng tinh thần…
PGS Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT nhận định: Đây cũng là hướng đi đúng cho nghiên cứu khoa học bởi làm khoa học bao giờ cũng bắt nguồn từ cái nhìn rộng rồi thu hẹp dần cho đến một vấn đề cụ thể nhất, thiết thân nhất. Như vậy mới có sự đóng góp cho khoa học.
Điều này, theo ông Thành, cũng đúng với mong muốn của Bộ khi tổ chức cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học, đó là các em được học, được trải nghiệm và quan tâm tới những vấn đề đang diễn ra trong cuộc sống hằng ngày chứ không phải chỉ những kiến thức hàn lâm, cao siêu. Các em được tìm hiểu và tự mình đưa ra các giải pháp để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, đó là ví dụ thiết thực nhất về việc dạy học theo hướng phát triển năng lực của học sinh.
Tuy nhiên, ông Thành cũng trăn trở khi các đề tài nghiên cứu của học sinh mới dừng lại ở việc đi thi trong nước và quốc tế, chưa có nhiều đề tài có thể được lập thành hồ sơ khoa học, đăng ký bản quyền và có các tổ chức, doanh nghiệp đứng ra để ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống.
Bình luận (0)