Học sinh ngủ vài giờ mỗi ngày, cùng lúc luyện nhiều kỳ thi vào ĐH

30/03/2024 06:05 GMT+7

Nhiều học sinh lớp 12 đang bước vào giai đoạn "nước rút" ôn luyện cho các kỳ thi khác nhau từ đánh giá năng lực, IELTS đến SAT để tranh suất vào những trường ĐH hàng đầu, thay vì chỉ dựa trên kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Chỉ hơn 1 tuần nữa, khoảng 95.000 học sinh (HS) lớp 12 ở các tỉnh thành phía nam sẽ bước vào kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) đợt 1 của ĐH Quốc gia TP.HCM. Mặt khác, các đợt thi IELTS trên giấy tổ chức thời điểm này luôn trong tình trạng "kín lịch", buộc Hội đồng Anh và IDP phải mở thêm ngày thi để đáp ứng nhu cầu. Tình hình trên phản ánh thực tế luyện thi đang ngày càng "nóng" lên.

LUYỆN ÍT NHẤT 2 BÀI THI ĐỂ "BẢO HIỂM" TRÚNG TUYỂN

Theo khảo sát của chúng tôi, hiện không ít HS lớp 12 chọn ôn luyện từ 2 bài thi trở lên để tăng cơ hội trúng tuyển ĐH. Như Huỳnh Phạm Nghi Văn, HS Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), đang ôn thi IELTS với mục tiêu 7.0, đồng thời học thêm môn văn để duy trì điểm trung bình từ 9 trở lên, từ đó có cơ hội giành học bổng của một trường ĐH Úc.

"Ngoài ra, em cũng phải tập trung ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra cuối tháng 6 tới. Mọi thứ dồn một lúc nên nhiều hôm em chỉ được ngủ 3-4 tiếng. Thiếu ngủ và đọc nhiều làm mắt em yếu hơn hồi trước, cũng như dễ bị sốt hơn. Em còn hay đau bao tử do không kịp ăn sáng. Nhưng để có "bảo hiểm" trúng tuyển vào các trường, tụi em buộc phải đánh đổi", nữ sinh bộc bạch.

Học sinh ngủ vài giờ mỗi ngày, cùng lúc luyện nhiều kỳ thi vào ĐH- Ảnh 1.

Buổi thi thử đánh giá năng lực của HS lớp 12 tại một trường THPT ở tỉnh Bến Tre

HÙNG ĐẶNG

Nghi Văn chia sẻ thêm em không là trường hợp hiếm gặp, bởi các bạn cùng lớp thậm chí còn thi nhiều hơn. "Có bạn vừa thi IELTS, SAT lẫn tốt nghiệp THPT, hay IELTS, ĐGNL và tốt nghiệp THPT. Phần nhiều đều là để tăng cơ hội và sự lựa chọn cho bản thân khi điểm xét tuyển IELTS hay SAT ở các trường ĐH ở VN tương đối thấp. Nhiều bạn cũng chọn thi để biết sức học của mình tới đâu", nữ sinh chia sẻ.

Điều tương tự cũng diễn ra tại lớp của Hồ Thị Yến Như, HS Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM). Theo Như, ngoài IELTS hay ĐGNL là lựa chọn phổ biến, nhiều bạn đăng ký kỳ thi riêng của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Bản thân Như cũng dự thi ĐGNL nên thời gian này nữ sinh "siêu stress" vì phải vừa luyện đề ĐGNL, vừa ôn thi giữa học kỳ, dẫn đến việc "hết học thêm ở trung tâm lại về nhà tiếp tục tự học".

TIẾNG ANH TĂNG TRƯỞNG "NÓNG"

Trong số các kỳ thi được HS lớp 12 quan tâm, IELTS là một trong những lựa chọn phổ biến và có sự tăng trưởng vượt bậc ở những năm qua. Như tại các trung tâm của Hệ thống Anh ngữ IELTS Vietop (TP.HCM), tỷ lệ học viên là HS THPT trong năm 2023 tăng khoảng 40% so với năm 2022. Riêng các HS lớp 12 hiện chiếm khoảng 60% tổng số học viên, theo bà Nguyễn Trình Hạnh Phúc, Tổng giám đốc hệ thống.

"Các bạn chủ yếu nhắm đến mức điểm IELTS từ 6.5 trở lên để được miễn thi tốt nghiệp THPT, tuyển thẳng vào ĐH top đầu và du học", bà Phúc lý giải.

Bà Phúc cho biết khác với các khóa dành cho sinh viên hay người đi làm, việc đào tạo tiếng Anh cho HS THPT có sự khác biệt nhất định. Chẳng hạn, lớp thường được tổ chức vào buổi tối, ngoài giờ học. Chương trình giảng dạy cũng được thiết kế riêng, bám sát chương trình phổ thông ở trường, đi cùng đó là những hoạt động giúp tăng khả năng phản biện, tư duy sáng tạo và kiến thức xã hội.

Ngoài IELTS, nhu cầu luyện tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT cũng tăng vọt. Thạc sĩ Khưu Hoàng Nhật Minh, Giám đốc phát triển và học thuật Trung tâm Anh ngữ Origins Language Academy (TP.HCM), cho biết gần đây đơn vị đã khai giảng "nóng" một số lớp trực tuyến phục vụ mục đích này cho HS ở những địa phương khác. Nhiều em thậm chí đăng ký học tiếng Anh ở hai trung tâm khác nhau cho "an toàn".

Để tránh "tẩu hỏa nhập ma" khi học nhiều bài thi, ông Minh khuyên HS nên lựa chọn dựa theo năng lực. Chẳng hạn, SAT yêu cầu trình độ tiếng Anh IELTS từ 6-6.5 nên nếu chưa đạt mốc này, HS nên tập trung ôn IELTS trước. "Cũng đừng chạy theo giáo viên "top" vì các thầy cô chủ yếu dạy cho HS "top". Quan trọng là phải học thử để xem họ có phương pháp dạy học phù hợp với bản thân không", thạc sĩ Minh lưu ý.

NỞ RỘ CHỌN THI CHUẨN HÓA

Thầy Đặng Duy Hùng, quản lý hệ thống luyện thi ĐGNL Lasan - Helius Education (TP.HCM), cho biết vừa tổ chức thi thử cho hàng trăm HS cuối cấp ở một trường THPT tại tỉnh Bến Tre. Đây là hoạt động phối hợp với ban giám hiệu nhà trường nhằm định hướng cho HS về một cơ hội mới để vào trường ĐH và giúp "thử lửa", hướng dẫn kỹ thuật làm bài trước khi các em chính thức bước vào kỳ thi thật.

"Thời điểm này, trung tâm cũng tăng buổi ôn luyện, tăng tần suất giải đề thi thử để rèn tâm lý cho HS. Ngoài ĐGNL, chúng tôi cũng tổ chức dạy thêm các môn toán, lý, hóa, tiếng Anh cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ngoại trừ các em đăng ký kỳ thi chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM hay Bộ Công an, hoặc đặt mục tiêu vào một số ngành đặc thù khác như y dược, thì hầu hết đều đăng ký thi ĐGNL đồng thời học thêm để thi tốt nghiệp THPT nhằm tìm nhiều cơ hội đỗ vào ngành mong muốn", thầy Hùng nói.

Ngoài ĐGNL, SAT là một bài thi chuẩn hóa khác đang ngày càng nhận được nhiều sự chú ý. Bởi từ năm 2022, nhiều trường ĐH hàng đầu VN đã dùng kết quả bài thi này để tuyển sinh, đơn cử như ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, một số trường thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM. SAT cũng là tiêu chí tuyển sinh của nhiều trường ĐH trên thế giới, nhất là tại Mỹ.

Học sinh ngủ vài giờ mỗi ngày, cùng lúc luyện nhiều kỳ thi vào ĐH- Ảnh 2.

Đông đảo HS tìm hiểu về bài thi IELTS trong một sự kiện tổ chức hồi tháng 3.2024

NGỌC LONG

Thạc sĩ Phạm Huy Hùng, Giám đốc chương trình SAT ở DOL English, cho biết từ trước đến nay có khoảng 700 em đăng ký học ở trung tâm, chủ yếu là HS trường chuyên và trường quốc tế. "Để đạt mức điểm an toàn, HS thường đặt mục tiêu tối thiểu 1.300 hoặc cao hơn nữa là 1.400-1.450 để tăng tính cạnh tranh khi nộp hồ sơ vào các trường trong nước", ông Hùng lưu ý.

Lý do SAT dần nở rộ, theo thạc sĩ Hùng, đến từ hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, SAT kiểm tra kỹ năng đọc, viết tiếng Anh và làm toán thay vì kiến thức nhiều môn như bài thi ĐGNL hay tốt nghiệp THPT. Điều này giúp HS vẫn có thể chứng minh năng lực nếu không mạnh kiến thức phổ thông. "Thứ hai, SAT tạo điều kiện cho các em học chương trình quốc tế có thể ghi danh vào những trường ĐH tại VN", ông Hùng cho hay.

VÌ SAO HS CHỌN LUYỆN THI ?

Theo thạc sĩ Khưu Hoàng Nhật Minh, khác với bài học trên lớp, các chương trình luyện thi không chỉ nhắm đến bồi dưỡng kiến thức mà còn rèn luyện cho HS kỹ thuật làm bài như phân tích văn bản, phân tích ngôn từ... "Chương trình luyện thi không thể dựa hoàn toàn vào mỗi kỹ năng ghi nhớ, như yêu cầu thuộc lòng ngữ pháp, từ vựng rồi giải đề mà không dạy các kỹ năng khác. Bởi điều này ép buộc trí não chỉ làm một chức năng duy nhất, hoàn toàn không hiệu quả", ông Minh phân tích.

Đồng tình, một chuyên gia luyện thi ĐGNL tại TP.HCM cho biết ngoài nền tảng kiến thức, HS nên rèn luyện kỹ thuật làm bài phù hợp. Đây là điểm cạnh tranh giúp các em vượt qua những thí sinh khác. "Chưa kể, bài thi ĐGNL còn có phần phân tích số liệu, tư duy logic mà nếu không học thêm sẽ mất nhiều thời gian để làm quen. Thực tế cũng chỉ ra, nhiều thủ khoa ĐGNL cũng từng luyện thi tại trung tâm", người này nói. 

Hàng triệu lượt thi IELTS, SAT trên toàn thế giới

Bà Donna McGowan, Giám đốc Hội đồng Anh tại VN, cho biết năm 2023 có hơn 4 triệu lượt thi IELTS được đơn vị này tổ chức trên toàn cầu. Tại VN, Hội đồng Anh đang có 23 điểm thi tại 16 tỉnh, thành được Bộ GD-ĐT phê duyệt liên kết tổ chức thi. Trong khi đó, College Board, đơn vị tổ chức thi SAT, cho biết có khoảng 1,9 triệu thí sinh trên toàn thế giới trong năm 2023, tăng 200.000 người so với năm 2022.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.