Ở vùng hạ nguồn sông Bồ (Thừa Thiên-Huế), nơi mực nước lũ vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999, cô giáo Đỗ Thị Cẩm Nhung, Hiệu trưởng Trường mầm non Sao Mai 2 (xã Quảng Phú, H.Quảng Điền), kể: “Những gì tận dụng được chúng tôi đều đã sửa sang lại. Chiếu cũng vừa mua lại một ít để phục vụ cho trẻ em có thể đến trường trong ngày thứ hai này (hôm nay 26.10 - PV). Nhưng có những thứ quả thực quá sức với trường”, cô giáo Nhung nói. Trước đó, bão số 5 thổi bay hệ thống mái che Trường mầm non Sao Mai 2, nhà chòi ngoài trời cho trẻ, chưa kịp khắc phục thì lũ ập đến. Ba đợt lũ liên tiếp chỉ trong hơn 2 tuần. Nhìn cảnh hàng loạt đồ dùng học tập, giá đựng đồ dùng cá nhân, tập vở, đồ chơi… hư hỏng mà nhiều cô giáo không cầm được nước mắt.
Hàng trăm học sinh phải đi “học gửi” vì sạt lởChiều 25.10, ông Arất Blúi, Phó chủ tịch UBND H.Tây Giang (Quảng Nam), cho biết 277 học sinh cùng với giáo viên Trường THPT Võ Chí Công đã phải di tản để “học gửi” tại Trường THPT Tây Giang (ở trung tâm huyện), do lo ngại sạt lở núi. Trường THPT Võ Chí Công nằm ở xã biên giới A Xan, cách trung tâm H.Tây Giang khoảng 40 km. Thầy giáo Đinh Văn Tư, Hiệu trưởng Trường THPT Tây Giang, cho biết nhà trường đã tạo điều kiện cho thầy trò Trường THPT Võ Chí Công tránh trú mưa lũ, sạt lở; đồng thời điều chỉnh lịch dạy, chỉ tổ chức cho học sinh học 1 buổi để dành 7 phòng học cho thầy trò Trường THPT Võ Chí Công dạy học.
|
Bới rác, móc bùn tìm tận dụng đồ vật
“Con đường đến trường của thầy trò còn vô cùng gian nan”, cô giáo Nguyễn Thị Kim Oanh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (xã Hiền Ninh, H.Quảng Ninh, Quảng Bình) không giấu tâm trạng lo lắng khi nói về ngôi trường nằm bên bờ sông Kiến Giang. Nước rút, giáo viên phải băng trên từng “núi rác” để vào trường. Bên trong, máy tính, bàn ghế, sách vở, tài liệu… hỏng nặng, tường rào bị đổ sập từng đoạn… “Giáo viên và học trò đang gắng dọn bùn rác và tìm kiếm những thứ có thể sửa chữa lại được. Nhưng khó quá. Chúng tôi thiếu máy nổ để bơm nước, thiếu xe xúc ủi để đẩy rác…”, cô giáo Kim Oanh nói.
Học sinh của Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh ở vùng rốn lũ nên khi nhà cửa ngập sâu, hầu hết các em đang thiếu sách vở, áo quần, cặp sách, giày dép, thậm chí phương tiện đi lại cũng hỏng. Các tiệm sửa xe đang quá tải, không nhận sửa xe đạp và xe máy điện.
Tình cảnh của các giáo viên cũng không khá hơn. “Ở vùng trũng nên nhà các thầy cô cũng ngập sâu, máy tính, giáo án, tài sản và đồ dùng bị trôi và hư hỏng”, cô Hiệu trưởng Kim Oanh nói thêm.
Chiều qua (25.10), PV Thanh Niên xuôi theo dòng Kiến Giang về phía hạ nguồn, nơi nước lũ còn chưa rút hết ra khỏi điểm trường An Xá, thuộc Trường mầm non Lộc Thủy (xã Lộc Thủy, H.Lệ Thủy). Hai dãy tường rào xây bằng gạch, trụ giằng bê tông bị vỡ vụn, đổ sập. Bên trong, 2 phòng học cũng bị sập tường phía sau, toàn bộ đồ chơi ở khuôn viên trường ngập trong bùn. Bà Trần Thị Năm, Cụm trưởng cụm An Xá, bật khóc khi nhìn lên phía bể nước sạch bằng bê tông bị lũ “đập” vỡ, đường ống hư hỏng hết…
“Giờ cái gì cũng thiếu”
Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế, xác nhận sáng nay (26.10) vẫn còn khoảng 20% số trường phải tiếp tục dọn dẹp vệ sinh, khắc phục hậu quả mưa lũ, chưa thể đón học sinh trở lại trường. “Sở chỉ đạo trường nào dọn lũ, vệ sinh, khắc phục xong có thể an toàn thì đón học sinh trở lại, tránh để học sinh nghỉ dài ngày. Nhưng chưa khắc phục xong, chưa an toàn thì chưa đón học sinh”, ông Tân nói và cho biết thống kê sơ bộ trên địa bàn tỉnh cho thấy, riêng tiền sách vở của học sinh tạm tính tổng thiệt hại khoảng trên 10 tỉ đồng; đồ dùng dạy học, thiết bị mầm non, bàn ghế, sách vở, trường học tốc mái, hư hỏng hàng rào... và các hạng mục khác của ngành giáo dục thiệt hại ước tính 24,8 tỉ đồng.
Tại Quảng Trị, cuối tuần qua nhiều trường cũng tranh thủ thời tiết khô ráo để dọn dẹp, vệ sinh cho kịp thứ hai (ngày 26.10) đón học sinh đi học lại. Tuy nhiên, ông Võ Văn Minh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, cho hay vẫn chưa rõ thời điểm tổ chức dạy học đối với các trường ở vùng cô lập như Hướng Việt, Hướng Lập, Hướng Linh (H.Hướng Hóa). Không chỉ lo học sinh vùng cao thiếu đói, mà ngành giáo dục Quảng Trị hiện rất cần nguồn hỗ trợ bên ngoài như dung dịch diệt khuẩn, xà phòng, sạp nằm bán trú, máy phát điện, bồn trữ nước, bàn ghế học sinh, máy vi tính, sách vở... “Thiệt hại nặng quá, giờ cái gì cũng cần, cũng thiếu cả”, ông Minh chia sẻ. Ngành giáo dục Quảng Trị ước tính thiệt hại gần 60 tỉ đồng, trong đó có 308 trường/điểm trường bị ảnh hưởng với gần 3.000 phòng học, phòng chức năng công vụ, nhà ở tập thể, nhà bán trú cho học sinh bị hư hại hoặc ngập nước.
Ở Quảng Bình, không phải trường nào cũng kịp đón học sinh đi học trở lại. Ông Nguyễn Văn Vững, Trưởng phòng GD-ĐT H.Lệ Thủy, cho biết chỉ có một số trường dạy học trở lại từ hôm nay (26.10), rất nhiều trường khác còn phải lo tổng vệ sinh và rà soát kỹ mức độ an toàn. Ông Nguyễn Văn Thông, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT, cho biết ước tính ban đầu ngành giáo dục thiệt hại 180 tỉ đồng do nhà cửa của giáo viên, học sinh vùng lũ bị ngập sâu nên sách vở, thiết bị dạy học, đồ dùng học tập hư hỏng nghiêm trọng.
Bình luận (0)