Nhiều vụ học sinh (HS) tìm tới cái chết chỉ vì những lý do không đáng trong thời gian qua khiến các chuyên gia tâm lý cho rằng cần nhanh chóng tìm giải pháp ngăn chặn tình trạng này.
Nếu không, chúng ta sẽ đi theo vết xe đổ của Hàn Quốc và Nhật Bản, nơi mà HS tự tử như một trào lưu để tìm sự giải thoát.
Những cái chết thương tâm
Đáng báo động nhất là vụ 3 nữ sinh có học lực khá giỏi: Lê Thị Bích Loan, Nguyễn Thị Cẩm Nhung và Nguyễn Thị Mỹ Hạnh cùng sinh năm 1998, học lớp 7A Trường THCS Phan Chu Trinh (huyện Đắk Mil, Đắk Nông) tự tử vào ngày 17.3. Nguyên nhân khiến các em tìm đến cái chết đến giờ vẫn chưa sáng tỏ, khiến cho cả xã hội bàng hoàng.
Hơn một tháng trước đây, em Lê Thị Hoa, HS lớp 9 Trường THCS xã Cẩm Ðiền (Cẩm Giàng, Hải Dương) đã tự tử vì bị nghi ngờ ăn cắp quần jeans trong một cửa hàng thời trang. Trước đó, em Trần Thị Thùy Tiên (sinh năm 1995, ở Đắk Lắk) treo cổ tự tử chỉ vì bị bố mẹ mắng...
|
Để gây sự chú ý ?
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng tâm lý và truyền thông cộng đồng (TP.HCM), cho biết: “Lứa tuổi THCS chưa phát triển đầy đủ về suy nghĩ, dễ bốc đồng. Các em không có kỹ năng giải quyết tình huống, cho nên mỗi khi gặp chuyện buồn, không có ai chia sẻ, các em rất dễ tìm tới cái chết”. Bà Linh nhận định: “Thường thì các em chết chỉ vì để minh oan một vấn đề gì đó, hoặc để gây sự chú ý, để nhận được sự quan tâm của người khác...”.
Hết sức tâm tư, tiến sĩ Phạm Văn Thanh - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Nai, Phó chủ tịch Hội Tâm lý và giáo dục Đồng Nai - kể rằng: “Các đồng nghiệp của tôi và những người hoạt động tư vấn tâm lý tại các tổng đài cho biết, họ đang quá tải với các câu hỏi từ khắp nơi gọi đến, trong đó đa phần là của HS và bạn trẻ. Điều đó cho thấy, các bức bối về tâm lý ngày càng gia tăng. Thực tế cũng cho thấy các em HS đang thiếu chỗ dựa tinh thần từ nhà trường và gia đình”.
Minh chứng rõ rệt nhất cho sự thiếu hụt này là ý kiến của các HS tại buổi gặp gỡ với lãnh đạo TP.HCM vào cuối tháng 1.2012. Tại đây, nhiều HS đã thẳng thắn mong muốn lãnh đạo thành phố có chính sách để giảm giờ làm, giúp ba mẹ các em có được nhiều thời gian ở nhà, cùng trao đổi, nô đùa, tâm sự với các em. Ông Trần Tấn Tài - Phó phòng Giáo dục Q.5 (TP.HCM), thừa nhận: “Hiện nay, không ít phụ huynh phó mặc con em mình cho nhà trường, về phần họ thì vùi mài với công việc, nhằm để nuôi sống gia đình và làm giàu. Chính điều này khiến cho HS mất chỗ dựa vào những người thân khi các em buồn tủi, hoặc mắc sai lầm”.
Không chỉ thiếu sự quan tâm từ gia đình, HS hiện nay cũng không dễ tìm thấy sự chia sẻ, cảm thông ở trường học. Tiến sĩ Phạm Văn Thanh cho biết: “Ở trường học, các thầy cô phải đua nhau dạy sao cho tỷ lệ HS càng giỏi càng tốt vì nó liên quan tới vấn đề xét thi đua, ít ai quan tâm tới những vấn đề về nhân cách, lối sống, tâm sinh lý của HS. Việc quan trọng là tư vấn, định hướng tâm lý cho các em thì chúng ta lại xem nhẹ”. Thực tế hiện nay ngành giáo dục đang rất thiếu các chuyên gia tâm lý. Như Báo Thanh Niên đã từng có bài phản ánh, phần lớn các phòng tư vấn học đường đều tạm bợ, cán bộ thì chỉ là giáo viên kiêm nhiệm.
Hình phạt khiến học sinh ấn tượng xấu về thầy cô Một cuộc khảo sát trên 280 sinh viên các khoa văn, giáo dục chính trị, sử, vật lý... do thạc sĩ Huỳnh Mộng Tuyền, Trường ĐH Sư phạm Đồng Tháp, thực hiện năm 2008. Khi đặt vấn đề về ấn tượng tốt, xấu của HS đối với thầy cô, đã có hơn 40% sinh viên cho rằng: thời phổ thông, thầy cô giáo đã để lại ấn tượng xấu trong lòng họ. Đã không ít HS bị thầy cô giáo chửi đồ khùng, đồ điên, ngu như bò... Có trường hợp HS không hiểu bài, thầy giáo dùng compa đâm thẳng vào tay đến chảy máu. Khi không thuộc bài, thầy giáo bắt HS đứng trên bục giảng và yêu cầu các HS dưới lớp dùng thun bắn vào người; bắt học trò tự tát vào mặt 20 cái và bảo 20 lần ngu như bò; bắt học trò lấy hũ yaourt múc nước ở nhà vệ sinh tưới hết cây của khuôn viên trường... Cuộc khảo sát trên còn cho thấy, khi HS phạm lỗi, một số thầy cô giáo đã dùng những hình phạt đáng sợ, như: bắt học trò quỳ gối suốt tiết học, yêu cầu HS ngồi gần tát thật mạnh để bạn tỉnh. Khi HS ngủ gật, thì lấy nước đổ lên mặt, búng lỗ tai; thầy đi rón rén, lấy giấy, bật lửa đốt vào chân HS; yêu cầu cả lớp nhẹ nhàng ra về và khóa cửa ngoài nhốt HS ngủ gật lại... Mỗi khi nói chuyện trong giờ học, có thầy giáo bắt HS ngậm thước, phấn, sỏi. Có khi là giẻ rách, súc miệng bằng nước muối đến teo cả lợi, thụt dầu, hít đất... Chưa hết, HS còn phải chịu phạt bằng cách đeo bảng: em hứa không nói chuyện trong giờ học, tôi là người nhiều chuyện nhất trường và bắt đi vòng quanh khắp trường. |
Minh Luân
Bình luận (0)