Học sinh THCS được dạy về quy tắc...đồ lót

11/04/2017 08:14 GMT+7

Không cho ai nhìn vào, sờ vào khu vực mặc đồ lót… là một trong những bài học mà học sinh Trường THCS Chu Văn An được học để bảo vệ bản thân tránh khỏi xâm hại tình dục .

Tiết học lớn mang tên "chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên" được Trường THCS Chu Văn An, quận Tây Hồ, Hà Nội tổ chức vào cuối tuần qua, thời điểm dư luận đang sôi sục vì bất bình và lo lắng sau hàng loạt vụ xâm hại tình dục trẻ em trên cả nước. Tiết học được chuyên gia là bác sĩ Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và bà Nguyễn Thị Bích Lại, Giám đốc Trung tâm Phát triển kỹ năng xã hội, Học viện Thanh thiếu niên trực tiếp đứng lớp tư vấn và giải đáp đáp thắc mắc cho học sinh.
Gần 2 giờ diễn ra tiết học đặc biệt này, ghi nhận của PV Thanh Niên cho thấy, học sinh vừa hào hứng, vừa không tránh khỏi cảm giác ngượng ngập khi nghe các chuyên gia chỉ toàn đề cập đến những chuyện tế nhị, khó nói, nhất lại nói ở chỗ đông người.
Câu chuyện đau lòng của cô bé 13 tuổi phải mổ lấy con
PGS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ, bản thân ông đã chứng kiến không ít cảnh bé gái vị thành niên phải vào Viện xử lý hậu quả của xâm hại tình dục hoặc thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản dẫn tới có thai. Có trường hợp bé gái mới 13 tuổi mang thai đến ngày sinh nở nhưng bản thân và gia đình cháu không biết, hoặc không quan tâm phải sinh mổ.
“Chúng tôi chứng kiến cảnh một cháu bé mới 13 tuổi đầy ngơ ngác và sợ hãi khi lên bàn đẻ và quá đau lòng vì cuộc mang thai và sinh đẻ ấy đã gần như lấy mất hết sức khỏe còn quá non nớt của cháu”, PGS Ánh ngậm ngùi.
Kể câu chuyện thực tế như vậy cho học sinh đúng lứa tuổi 13-14, bác sỹ Ánh mong muốn các em hãy ghi nhớ những bài học về sức khỏe sinh sản để tự bảo vệ mình.
Một loạt các câu hỏi của học sinh dưới hình thức viết vào giấy gửi lên cho các chuyên gia cho thấy có sự “ngơ ngác”, tò mò và rất nhiều lo lắng trong các em ở lứa tuổi dậy thì về sức khỏe sinh sản: “Con trai có thể có thai không?”; “Con trai thủ dâm nhiều có hại không?”; “Uống thuốc tránh thai có sao không?”; “Không làm gì nhưng bị chậm kinh với buồn nôn thì có phải có bầu không?” “Học hành sa sút thì có nên yêu nữa không?”…
Học sinh chăm chú lắng nghe những bài học khó nói Ảnh Tuệ Nguyễn
Khi chuyên gia đặt câu hỏi: Mấy tuần nay trên báo chí, mạng xã hội tràn ngập các thông tin về các vụ xâm hại tình dục. Vậy ở nhà, bố mẹ và người thân của các em có nói gì với các em về vấn đề này không? Cả hội trường chỉ lác đác vài cánh tay giơ lên xác nhận có.
Bà Nguyễn Thị Bích Lại cho rằng, khoảng 10% học sinh trả lời có là một con số quá ít so với mong đợi, bởi giáo dục giới tính, kỹ năng sống rất cần sự tham gia của gia đình.
Để học sinh không xấu hổ, bà Bích Lại không chỉ truyền đạt cho học sinh những kiến thức khô cứng từ sách vở mà dí dỏm kể những câu chuyện thực tế, đặt các câu hỏi mang tính gợi mở để học sinh cùng giải đáp và tham gia vào bài học. Vì vậy, khi mới bắt đầu giờ học, nhiều em cúi gằm xuống hoặc đỏ mặt vì những từ ngữ được nói đi nói lại nhiều lần rất…dõng dạc như xuất tinh, thủ dâm, hành kinh… Tuy nhiên, dần dần nhiều em đã không ngần ngại giơ tay để trả lời những câu hỏi có liên quan đến các vấn đề đó.
Dạy học sinh  về quy tắc… đồ lót
Bà Lại nhắc nhở: “Lâu nay bố mẹ, thầy cô hay nhắc các con đừng đi theo người lạ, nhưng thực tế rất nhiều vụ xâm hại tình dục xảy ra gần đây đều do chính những người thân quen gây ra. Do vậy, vấn đề sẽ không phải là người quen hay người lạ mà là cách chúng ta ứng xử với các tình huống ra sao.
Bà Lại nhấn mạnh về quy tắc đồ lót theo một cách dễ hiểu và dễ nhớ, đó là: ngoài trường hợp bắt buộc phải gặp bác sĩ, nhân viên y tế để khám chữa bệnh, các em tuyệt đối “không cho ai nhìn vào, chạm vào, sờ vào, giao hợp vào khu vực mặc đồ lót trên cơ thể.”
Chuyên gia Nguyễn Thị Bích Lại tư vấn cho học sinh Ảnh Tuệ Nguyễn
Cũng theo bà Bích Lại, dù với tư cách là phụ huynh hay chuyên gia thì bà đều không khuyến khích và mong muốn các con có tình cảm yêu đương ở lứa tuổi này. Tuy nhiên, nếu cảm xúc đó đến mà các con không cưỡng lại được thì lời khuyên là các con tuyệt đối không quan hệ tình dục. “Cơ quan sinh sản của các con ở lứa tuổi vị thành niên (10-17 tuổi) còn rất non nớt, nếu có quan hệ tình dục hoặc thủ dâm thì sẽ bị tổn thương, viêm nhiễm, thậm chí dẫn tới vô sinh…”
Cứ như vậy, một loạt kiến thức, kỹ năng được truyền tải tới học sinh một cách dễ hiểu, dễ nhớ. Học sinh được kiểm tra lại kiến thức vừa được nghe ngay trong quá trình lên lớp, em nào trả lời đúng sẽ nhận được một phần quà, khiến các em rất hào hứng.
Không phải “mất bò mới lo làm chuồng”
Ông Đặng Việt Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, cho biết: "Việc giáo dục giới tính từ trước tới nay vẫn được nhà trường lồng ghép trong các hoạt động ngoại khóa hoặc các giờ học như giáo dục công dân, sinh học… Tuy nhiên, sau các vụ xâm hại tình dục nổi lên gần đây cho thấy, chỉ lồng ghép sẽ không đủ. Các em cần được các chuyên gia tư vấn, giải đáp các kiến thức, kỹ năng này một cách trực diện và chuyên sâu, như tiết học này.
Dự buổi học cùng với học sinh từ đầu đến cuối, ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo quận Tây Hồ, chia sẻ với PV Thanh Niên: "Đây là một trong những tiết học tiêu biểu mà hàng loạt các trường trên địa bàn quận đã và sẽ triển khai tới học sinh. Bản thân tôi từng trải qua giai đoạn có con ở lứa tuổi dậy thì nên rất hiểu sự cần thiết phải có sự giáo dục, tư vấn kịp thời, vì đây là thời điểm các con có những biến đổi rất lớn về tâm sinh lý”.
Do vậy, theo ông Vũ, trong quan điểm chỉ đạo của Phòng Giáo dục là không phải “mất bò mới lo làm chuồng”. "Với các trường THCS, chúng tôi yêu cầu mỗi trường phải xây dựng một câu lạc bộ mang tên Câu lạc bộ vị thành niên để kịp thời chia sẻ, giải đáp và tổ chức các hoạt động phù hợp với lứa tuổi và mong muốn của các em", ông Vũ nói.
Cũng theo ông Vũ, việc trang bị kiến thức, kỹ năng là cần thiết nhưng làm thế nào để trường học thực sự là nơi an toàn nhất, học sinh có những sân chơi lành mạnh, cuốn hút các em vào các hoạt động thể chất, vui chơi giải trí để các em giải phóng năng lượng, không còn thời gian “chết” để nảy sinh những ý nghĩ và hành động tiêu cực, là rất cần thiết.
Tuy nhiên, ông Vũ thẳng thắn chỉ ra rằng, nhiều trường học hiện nay còn thiếu sân chơi, chỉ chăm chăm lo dạy và học thế nào trong giờ chính khóa mà không nghĩ tới việc giờ ra chơi, giờ tan trường học sinh sẽ được chơi gì, hoạt động gì để học sinh thích thú lại vừa tốt cho sự phát triển của các em. "Ví dụ, vừa rồi chúng tôi đầu tư cho Trường THCS một sân bóng rổ đạt tiêu chuẩn quốc gia để các em có chỗ hoạt động sau giờ học. Một loạt các trường trên địa bàn quận cũng đã có dự án đầu tư về sân chơi, bãi tập hiện đại, chất lượng cho học sinh. Đó mới là cách giải quyết gốc rễ của vấn đề", Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo quận Tây Hồ nhấn mạnh.
Hơn 12.000 học sinh đã được trang bị kiến thức
Năm 2015 - 2016, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã thẩm định nội dung, hỗ trợ tài chính và phối hợp với Trung tâm Phát triển kỹ năng xã hội triển khai chương trình "Chăm sóc sức khỏe sinh sản Vị thành niên” tại 30 trường học trên địa bàn Hà Nội, đồng thời biên soạn cuốn “Cẩm nang chăm sóc sức khỏe sinh sản Vị thành niên - tài liệu dành cho cha mẹ”.
Hơn 12.000 học sinh của 60 trường THPT đã được trang bị kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, gợi ý kỹ năng ứng xử trước sự thay đổi về tâm, sinh lý tuổi dậy thì; vấn đề khó nói của các em trong tình bạn khác giới, tình yêu, tình dục đã được tư vấn giải đáp tận tình; Các em được chia sẻ kỹ năng phòng tránh bệnh lây truyền qua đường tình dục, đối phó với tệ nạn xâm hại tình dục và phòng tránh HIV/AIDS.  
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.