Học sinh thi khoa học kỹ thuật: Sở GD-ĐT TP.HCM tìm cách chống 'đạo văn'?

Bích Thanh
Bích Thanh
04/02/2023 13:28 GMT+7

Ngày 4.2, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp thành phố, trong đó có đưa ra những giải pháp để chống đạo văn, tăng cường tính trung thực trong hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh.

Từ 1.226 dự án của học sinh 131 trường THCS, THPT tham gia vòng sơ khảo cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học, có 52 dự án được chọn tham dự vòng chung kết diễn ra sáng nay. Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá, cuộc thi khoa học kỹ thuật giúp học sinh bước đầu làm quen với việc nghiên cứu khoa học, biết vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các tình huống thực tiễn cuộc sống.

Gần 50% đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi

Theo đó, có gần 50% số lượng đề tài tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi, thể hiện sự quan tâm rất lớn của thế hệ trẻ với các vấn đề tâm lý lứa tuổi, hành vi trong cuộc sống đô thị hiện nay. Các dự án khoa học xã hội và hành vi đã giúp tạo một nguồn dữ liệu đáng kể cho các ngành giáo dục, văn hóa xã hội, thông tin truyền thông… để có thể biết thêm các thông tin về thực tế giới trẻ nhằm có những định hướng kịp thời trong tương lai.

Học sinh thi khoa học kỹ thuật: Sở GD-ĐT TP.HCM chống "đạo văn"? - Ảnh 1.

Ban giám khảo cuộc thi khoa học kỹ thuật yêu cầu học sinh dẫn giải đề tài nghiên cứu khoa học

BÍCH THANH

Nhóm đề tài theo định hướng chuyển đổi số của thành phố như hệ thống nhúng, robot và máy thông minh, hệ thống phần mềm… đã có sự thay đổi rõ rệt về chất lượng và số lượng. Nhóm đề tài là thế mạnh của thành phố như hóa sinh, kỹ thuật y sinh, hóa học, khoa học vật liệu thể hiện được những bước tiến đáng kể, cho thấy sự tìm tòi, học hỏi, sáng tạo của giáo viên khi tham gia các dự án…

Tại vòng chung kết, thí sinh trình bày đề tài nghiên cứu, trả lời các câu hỏi của ban giám khảo. Các giám khảo chấm điểm độc lập, chọn ra 4 trong số 52 dự án vào chung khảo để tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2022-2023 do Bộ GD-ĐT tổ chức.

Học sinh thi khoa học kỹ thuật: Sở GD-ĐT TP.HCM tìm cách chống 'đạo văn'? - Ảnh 2.

Ban giám khảo chấm điểm các đề tài trong cuộc thi khoa học kỹ thuật của học sinh TP.HCM năm 2023

NGỌC DƯƠNG

Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết cuộc thi năm nay có những điểm mới trong công tác tổ chức như: Vòng sơ khảo, do chỉ chấm điểm trên hồ sơ, nên Sở đã áp dụng các giải pháp như sử dụng phần mềm chống "đạo văn", chú ý cách thể hiện, các chỉ báo sự phù hợp giữa kiến thức, trình độ học sinh với nội dung, phương pháp thực hiện; Sự phù hợp, khoa học giữa các yếu tố thời gian, cơ sở vật chất, phương tiện nghiên cứu, cách thức thể hiện việc nghiên cứu; So sánh đối chiếu dự án dự thi với các nghiên cứu trước đó và giữa các dự án cùng đề tài; sự đảm bảo của ban giám hiệu nhà trường về dự án dự thi của học sinh; Xác minh tính trung thực qua việc trao đổi trực tiếp với giáo viên hướng dẫn và học sinh.

Ở vòng chung kết, Sở GD-ĐT sẽ chú trọng nội dung phỏng vấn của ban giám khảo với học sinh. Các câu hỏi của ban giám khảo sẽ giúp học sinh thể hiện được rõ nét năng lực của bản thân.

Học sinh thi khoa học kỹ thuật: Sở GD-ĐT TP.HCM chống "đạo văn"? - Ảnh 2.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, lắng nghe học sinh thuyết trình về đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật

BÍCH THANH

Sở GD-ĐT TP.HCM tăng tính trung thực trong nghiên cứu khoa học kỹ thuật thế nào?

Tính trung thực trong hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh được chú trọng trong công tác tổ chức thi khoa học kỹ thuật sau khi Báo Thanh Niên đăng tải loạt bài về thực trạng và nghịch lý học sinh phổ thông nghiên cứu khoa học. Các bài viết phản ánh những ý kiến nghi ngờ tính trung thực trong quá trình thực hiện và chỉ ra rằng việc nghiên cứu tốn tiền triệu nhưng không ứng dụng vào thực tế.

Ngay tại vòng chung kết cuộc thi khoa học kỹ thuật, trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, ông Quốc cho biết Sở GD-ĐT đã nhấn mạnh với ban giám khảo cuộc thi là đề cao tính trung thực trong nghiên cứu và sản phẩm đó phải xuất phát từ ý tưởng sáng tạo, hoạt động nghiên cứu của học sinh.

Theo ông Quốc, ban giám khảo là những thành viên có kinh nghiệm đến từ các trường ĐH, được lựa chọn phù hợp với bộ môn, đề tài nghiên cứu. Tại vòng chung kết, từng giám khảo sẽ trao đổi trực tiếp với từng học sinh. Quá trình trao đổi này sẽ tiếp tục rà soát thêm sự tham gia của các em trong đề tài đến mức độ nào.

Học sinh thi khoa học kỹ thuật: Sở GD-ĐT TP.HCM tìm cách chống 'đạo văn'? - Ảnh 4.

Thí sinh chuẩn bị sản phẩm trình bày

NGỌC DƯƠNG

Cũng theo ông Quốc, Sở GD-ĐT còn lưu ý ban giám khảo giúp học sinh bổ sung, điều chỉnh những vấn đề các em chưa đạt được trong quá trình nghiên cứu; định hướng phát triển đề tài để tham gia vòng chung kết quốc gia, từ đó tiếp tục con đường học tập, nghiên cứu sau này.

Khi được hỏi ngành giáo dục sẽ làm gì để đề tài nghiên cứu khoa học của học sinh có thể áp dụng vào thực tế chứ không chỉ là "dự thi xong rồi cất vào ngăn kéo", ông Quốc cho hay các đề tài nghiên cứu xuất phát từ thực tế như nghiên cứu hành vi xã hội, hỗ trợ cho người khiếm thị…

"Vì vậy, chúng tôi luôn luôn xem đó là một trong những vấn đề quan trọng. Phòng Chính trị tư tưởng của Sở GD-ĐT đã có kế hoạch tổ chức cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo và những đề tài nghiên cứu vào vòng chung kết sẽ là một đề tài tiếp tục tham gia cuộc thi này. Và từ cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp, với sự tham gia của doanh nghiệp, việc phát triển các đề tài đó đưa vào cuộc sống chắc chắn sẽ có nhiều thuận lợi", ông Quốc cho biết thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.