|
Chương trình kéo dài từ ngày 6 đến 14-11 tại Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1).
Bào chế kem chống nắng? Dễ ợt!
Trước khi bào chế kem chống nắng, các bạn nhỏ chứng kiến hiện tượng lạ: chiếu đèn pin UV lên mặt kính nhỏ, sau khi đếm từ 1-30, trên mặt kính ửng lên vệt màu tím. Thế nhưng vệt này hoàn toàn biến mất khi mặt kính được che chắn bởi một lớp vải hoặc lớp kem chống nắng.
|
Các sinh viên phụ trách hướng dẫn giải thích nguyên nhân hiện tượng này là do vải, kem chống nắng có khả năng ngăn chặn tác hại của tia cực tím, tức vệt màu tím mà các bạn nhỏ nhìn thấy.
Ánh sáng từ chiếc đèn pin tương tự như tia cực tím (tia tử ngoại) xuất phát từ ánh sáng mặt trời. Tia tử ngoại có khả năng làm ung thư da, viêm giác mạc và làm đục thủy tinh thể.
Sau khi nghe về tác hại của tia tử ngoại, các bạn nhỏ hào hứng được tự tay pha chế loại “áo giáp” cho cơ thể mang tên kem chống nắng bằng những chất hóa học đơn giản.
Phòng thí nghiệm ồn ào như một cái chợ nhỏ. Các bạn tranh nhau xem ai là người pha đúng liều lượng nhanh nhất.
Vì sao nước biến mất?
“Lượng nước trên thế giới đang giảm dần. Chúng ta nên làm gì để tiết kiệm nước?”, câu hỏi đặt ra khiến các bạn nhỏ nhao nhao. Với các bạn, cách tiết kiệm nước nhanh và đơn giản nhất là “xài nước ít lại”, “xài nước xong phải khóa vòi nước”...
Để tìm thêm đáp án, các bạn nhỏ được hướng dẫn nhẹ nhàng đổ nước vào một chiếc phễu chứa cát. Nước nhanh chóng chảy hết xuống chiếc ly bên dưới. Nhưng khi trộn lẫn cát và một ít hạt polymer siêu thấm, nước chảy nhỏ giọt chậm hơn. Cuối cùng, các bạn rót nước vào chiếc ly chỉ chứa hạt polymer siêu thấm.
Những tiếng “à, ồ” vang lên khi các bạn nhìn thấy nước biến mất hoàn toàn. Nhờ tính năng hút nước mà hạt polymer siêu thấm được dùng để trữ lại phần lớn lượng nước tưới tiêu phòng khi khô hạn sẵn sàng cung cấp lượng nước vừa đủ cho rễ cây. “Đây là cách thức tiết kiệm nước đang được nhiều quốc gia trên thế giới ứng dụng tại những vùng đất khô hạn” - chị Đỗ Kim Chung, thành viên ban tổ chức, cho biết.
Học qua trực quan sinh động
Hàng loạt thắc mắc của các học sinh tiểu học đã được giải đáp thông qua trực quan sinh động. Có lẽ nhờ vậy mà khi được hỏi lại ở phần cuối chương trình, các bạn nhỏ nhớ lâu hơn bài học về tác hại của ánh nắng mặt trời, tia tử ngoại, cách bảo vệ mình trước các tia độc hại, “bí quyết” tiết kiệm nước tưới cây ở một số vùng khô hạn...
Theo ông Phạm Văn Đức - giám đốc bộ phận hóa chất Công ty BASF Việt Nam, điều quan trọng không kém mà chương trình muốn mang lại là ý thức bảo vệ môi trường ở những công dân nhỏ tuổi, bắt đầu đơn giản với suy nghĩ “Ngày mai, em sẽ sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên như thế nào...”.
Theo Hà Thanh / Tuổi Trẻ
Bình luận (0)