Học sinh TP.HCM làm gì trong khi chờ điểm thi lớp 10?

16/06/2023 15:26 GMT+7

Trong khi chờ điểm thi lớp 10 trường THPT công lập tại TP.HCM, một số học sinh đã chuẩn bị tìm sách giáo khoa, học trước chương trình lớp 10 hay dự tính cho xét tuyển ĐH.

Dự kiến kết quả thi lớp 10 TP.HCM sẽ có vào ngày 20.6, điểm chuẩn lớp 10 của các trường THPT thường sẽ công bố vào ngày 10.7. Không muốn phải ngồi chờ điểm thi lớp 10 một cách bị động, nhiều học sinh lên kế hoạch học tập nhằm chuẩn bị tốt nhất cho môi trường học tập mới ở bậc THPT. 

Chuẩn bị tư thế cho việc xét tuyển ĐH

Đặt nguyện vọng 1 vào Trường THPT Thủ Đức, Trương Ngọc Ánh Minh (cựu học sinh Trường THCS Linh Đông, TP.Thủ Đức) chia sẻ: "Đề thi lớp 10 năm nay tương đối dễ nên em dự đoán điểm chuẩn sẽ tăng cao hơn năm ngoái. Trong thời gian chờ điểm chuẩn, em lên mạng tham khảo chương trình lớp 10 mới và tìm chỗ học thêm. Hiện em học IELTS tại một trung tâm tiếng Anh và sẽ tập trung vào các môn toán, lý, hóa để chuẩn bị lợi thế cho việc xét tuyển ĐH sau này".

Tương tự, Bảo Ngọc (cựu học sinh Trường THCS Khánh Bình, TP.HCM) cho biết: "Trong lúc chờ đợi điểm chuẩn, em đã tham khảo từ các thầy cô cũng như tìm hiểu về nơi mua, nội dung của sách giáo khoa lớp 10. Em nghĩ sự chuẩn bị này là cần thiết để tránh tâm lý bỡ ngỡ khi bước vào cấp 3".

Còn Nguyễn Bùi Hoàng Yến (cựu học sinh Trường THCS Phước Bình, TP.Thủ Đức) cũng dự đoán điểm chuẩn sẽ tăng so với mọi năm, nhưng vẫn tự tin khi đặt nguyện vọng chuyên vào Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa và nguyện vọng 1 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai.

Ngay sau kỳ thi tuyển sinh lớp 10, nữ sinh đã tự định hướng về con đường học ĐH của mình. "Em đã chuẩn bị từ đầu năm lớp 9 với dự định sẽ chọn khối xã hội, cụ thể là khối D00. Do chưa có cơ hội tiếp xúc nhiều nên em cũng có chút phân vân giữa ngành quan hệ quốc tế và ngành ngoại giao", Yến chia sẻ.

Hoàng Yến cho biết sẽ tập trung vào 3 môn xét tuyển ĐH ngay từ lớp 10. "Ngoài tiếng Anh, em đang học tiếng Pháp, còn tiếng Nga sẽ bắt đầu vào năm lớp 11. Em cũng học thêm môn lịch sử, tham gia các hoạt động ngoại khóa trong khi chờ điểm", nữ sinh cho hay.

Học sinh TP.HCM làm gì trong khi chờ điểm thi lớp 10? - Ảnh 1.

Một số học sinh đã có kế hoạch cho kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển ĐH trong lúc chờ điểm chuẩn lớp 10 tại TP.HCM

NVCC

Trong khi đó, một số học sinh tận dụng thời gian chờ điểm lớp 10 để trau dồi kiến thức hoặc làm những việc mà bản thân yêu thích. Chẳng hạn, Phạm Đức Đại (cựu học sinh Trường THCS Lý Chính Thắng 1, H.Hóc Môn) tham gia các hoạt động xã hội. “Em vừa đăng ký tham gia cắm trại hè do Đoàn xã Tân Thới Nhì tổ chức. Buổi cắm trại được tổ chức 2 ngày 1 đêm với nhiều hoạt động như biểu diễn thời trang, văn nghệ, trò chơi tập thể… Em nghĩ tham gia những hoạt động này sẽ giúp em nâng cao tính tự lập và thả lỏng sau những ngày thi căng thẳng”, Đại cho hay.

Phải từ bỏ tư tưởng học thuộc lòng, học tủ

Các giáo viên nhận thấy việc học sinh tham khảo trước chương trình và sách giáo khoa lớp 10 sẽ giúp các em làm quen với môi trường bậc THPT.

Theo thầy Trịnh Văn Khoát (giáo viên ngữ văn, Trường THPT Võ Văn Kiệt, Q.8, TP.HCM), những trọng tâm đổi mới chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được thể hiện cụ thể qua sách giáo khoa như: mở đầu mỗi bài học đều nêu ra các mục tiêu cụ thể về phẩm chất, năng lực và kỹ năng. Mục tiêu về kiến thức không phải là mục tiêu chính và vì vậy không còn bao trùm lên các hoạt động dạy học.

"Cấu trúc mỗi bài học đều được thiết kế theo các chủ đề để giáo viên hướng dẫn học sinh tiếp cận, khám phá và nắm bắt những bước, thao tác, đặc điểm của dạng bài học/chủ đề kiến thức ấy. Qua đó, giúp học sinh hình thành kiến thức, kỹ năng, phẩm chất", thầy Khoát cho biết.

Chẳng hạn, đối với sách giáo khoa môn ngữ văn 10, mỗi bài học đều được thiết kế theo một dạng/thể loại/chủ đề. Trong mỗi bài học sẽ có cấu trúc: mục tiêu cần đạt; kiến thức ngữ văn (cung cấp những kiến thức cơ bản về đặc trưng thể loại/chủ đề); đọc (bao gồm 1 bài giáo viên hướng dẫn học sinh đọc, 1 bài rèn luyện kỹ năng đọc, 1 bài tự đọc-tự đánh giá); viết; thực hành tiếng Việt; nói và nghe. Một trong những điểm đổi mới quan trọng là tập trung phát triển cho học sinh 4 kỹ năng (nghe-nói-đọc-viết).

"Như vậy, học sinh khi tiếp cận chương trình mới cần phải có tinh thần tự học, tự khám phá cao. Rèn luyện các kỹ năng là một công việc học sinh phải làm thường xuyên, nhất là kỹ năng giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, tư duy độc lập", thầy Khoát chia sẻ.

Học sinh TP.HCM làm gì trong khi chờ điểm thi lớp 10? - Ảnh 2.

Chương trình sách giáo khoa 10 mới yêu cầu học sinh chủ động, sáng tạo

NVCC

Thầy Khoát cũng nhấn mạnh, học sinh cần chủ động và mạnh dạn thể hiện quan điểm của bản thân về các vấn đề bài học đặt ra và phải từ bỏ tư tưởng học thuộc lòng, học tủ, không được trông chờ giáo viên "mớm" sẵn kiến thức.

Lời khuyên cho những thí sinh lo lắng khi chờ điểm lớp 10

Với một số em cảm thấy áp lực, lo lắng khi chờ điểm lớp 10, thầy Khoát khuyên: "Chúng ta không thể thay đổi những gì đã xảy ra vậy thì hãy tích cực làm tốt nhất những việc hiện tại. Trong mọi hoàn cảnh, sự lạc quan, tích cực luôn mang lại những điều tốt đẹp, thậm chí có thể cải thiện những sai lầm trước đó".

Bên cạnh đó, thầy chia sẻ một số định hướng, cơ hội ở các trường dân lập, tư thục cho học sinh có kết quả không cao hoặc không đủ để vào trường THPT công lập. "Trong trường hợp học sinh không có hứng thú hoặc động lực để tiếp tục theo học ở bậc THPT thì nên lựa chọn học nghề. Dù học tiếp, dừng lại hay chuyển hướng thì thành công được quyết định bởi sự nỗ lực không ngừng của bản thân để trở nên giỏi nhất trong nghề nghiệp/sự nghiệp của mình", thầy Khoát đưa lời khuyên.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.