Học sinh TP.HCM nói gì về 'nên cấm dùng điện thoại di động trong trường'?

Thúy Hằng
Thúy Hằng
23/02/2024 18:35 GMT+7

Học sinh có ủng hộ việc kiên quyết cấm dùng điện thoại di động trong trường hay không? Các em bày tỏ quan điểm gì về vấn đề này?

Học sinh TP.HCM nói gì về 'nên cấm dùng điện thoại di động trong trường'?- Ảnh 1.

Học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh, Q.1, TP.HCM giờ tan trường. Lúc này các em mới được dùng điện thoại di động

THÚY HẰNG

Diễn đàn 'Có nên kiên quyết cấm học sinh dùng điện thoại di động trong trường' thu hút nhiều sự quan tâm của độc giả là các giáo viên, phụ huynh và chuyên gia. Phóng viên Báo Thanh Niên tiếp tục ghi nhận ý kiến của học sinh tại TP.HCM về vấn đề này.

Ủng hộ việc cấm

Tại Trường THCS Lương Thế Vinh, Q.1, Yến Vy (lớp 6) cho biết học sinh không được mang điện thoại di động bên người, kể cả trong tình trạng máy đã tắt nguồn.

"Học sinh nếu mang theo điện thoại di động thì đầu giờ nộp cho giám thị, giáo viên, cuối buổi học sẽ nhận lại. Học sinh không được phép cố ý tắt máy rồi để điện thoại trong ba lô, bởi nếu bị phát hiện sẽ bị thu lại, gọi cho phụ huynh tới trường. Em thấy cách làm này cũng tốt, giúp các bạn tập trung trong giờ học, không bị phân tâm", Yến Vy nói.

Theo Yến Vy, các anh chị học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1 cũng phải nộp lại điện thoại đầu giờ cho thầy cô, khi tan học thì được nhận lại.

Thăm dò ý kiến

Nên cấm học sinh dùng điện thoại di động trong trường không?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

"Không dùng điện thoại di động trong trường cũng hay"

Tại Trường THCS Minh Đức, Q.1, Như Quỳnh (lớp 8) cho hay học sinh không được dùng điện thoại di động trong trường, kể cả đầu giờ học và giờ ra chơi. Các bạn có thể mang theo điện thoại di động nhưng phải tắt nguồn, đến khi tan học mới được sử dùng. Như Quỳnh cũng có điện thoại di động nhưng luôn tuân thủ quy định của nhà trường, đến khi tan trường mới mở máy để gọi cho ba mẹ hay đặt xe công nghệ…

Học sinh TP.HCM nói gì về 'nên cấm dùng điện thoại di động trong trường'?- Ảnh 2.

Học sinh Trường THCS Minh Đức, Q.1 giờ tan trường

THÚY HẰNG

"Quy định rất nghiêm, nếu học sinh cố tình sử dụng điện thoại trong trường, bị phát hiện lần đầu thì nhà trường mời phụ huynh lên nhận lại. Nếu học sinh tái vi phạm thì điện thoại di động sẽ bị nhà trường tịch thu tới cuối năm học mới trả lại. Em thấy quy định này cũng hay. Giờ ra chơi, các bạn học sinh trường em đều xuống sân trường, tham gia nhiều hoạt động, trò chuyện, trao đổi với nhau", Như Quỳnh nói.

Người hướng nội thì muốn không gian yên tĩnh

Phan Trúc Anh, học sinh Trường THPT Trần Văn Giàu, Q.Bình Thạnh, cho hay: "Tại trường của em, học sinh được mang điện thoại vào trường, tuy nhiên chỉ giờ ra chơi hoặc trong tiết thầy cô cho phép thì học sinh mới được dùng điện thoại di động. Còn lại, học sinh không được phép dùng điện thoại".

Trúc Anh ủng hộ cách làm này của Trường THPT Trần Văn Giàu, bởi "với học sinh thì việc học là việc quan trọng nhất". "Nếu các bạn dùng điện thoại thoải mái trong lớp rất dễ bị xao nhãng việc học. Tuy nhiên, sau những tiết học vất vả, em nghĩ học sinh nên được phép xài điện thoại như một cách giải trí", Trúc Anh nói thêm.

Giờ ra chơi không còn nhộn nhịp như xưa nữa rồi. Có phải do mình chuyển trường nên chưa kịp thích nghi không nhỉ. Nhưng mỗi giờ ra chơi sân trường hành lang vắng bóng xa lạ quá. Trong lớp đứa thì ngủ, còn mỗi đứa một cái điện thoại chẳng còn vui đùa xôm xôm hỏi bài như xưa nữa…

Minh Anh, học sinh tại TP.HCM

Phóng viên Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: "Nhiều người cho rằng nên kiên quyết cấm dùng điện thoại di động trong trường, kể cả ra chơi. Bởi trong giờ ra chơi, học sinh đứng lên vận động, kết nối với bạn bè, giao lưu thầy cô... chứ không phải chỉ ngồi 'bấm bấm điện thoại', như vậy sẽ khiến đứt gãy kết nối... Em có phản biện gì về quan điểm này không?".

Anh: Kiên quyết cấm học sinh dùng điện thoại trong trường

Nữ sinh Phan Trúc Anh trả lời: "Theo em, quan điểm này nó chỉ đúng một phần là sử dụng điện thoại có thể làm đứt gãy mối quan hệ. Tuy nhiên, một số bạn hướng nội lại muốn có một không gian yên tĩnh cho bản thân. Học sinh hiện nay cũng có thể kết nối thông qua những bài viết trên mạng, để cùng bàn luận về nó. Theo em, mỗi người sẽ có cách giải lao khác nhau. Một số bạn chọn đứng lên vận động nhưng một số thì lại không".

Bài viết 'Có nên kiên quyết cấm học sinh dùng điện thoại di động trong trường?' của Báo Thanh Niên đã được chia sẻ trên một diễn đàn học sinh TP.HCM với hơn 530.000 người theo dõi. Phía dưới bài đăng có gần 1.000 bình luận của nhiều học sinh, phụ huynh, giáo viên.

Một học sinh với tài khoản Minh Anh bình luận: "Giờ ra chơi không còn nhộn nhịp như xưa nữa rồi. Có phải do mình chuyển trường nên chưa kịp thích nghi không nhỉ. Nhưng mỗi giờ ra chơi sân trường hành lang vắng bóng xa lạ quá. Trong lớp đứa thì ngủ, còn mỗi đứa một cái điện thoại, chẳng còn vui đùa xôm xôm hỏi bài như xưa nữa…".

Học sinh TP.HCM nói gì về 'nên cấm dùng điện thoại di động trong trường'?- Ảnh 3.

Tan trường, học sinh mới được phép mở điện thoại di động, đặt xe ôm công nghệ ra về

THÚY HẰNG

Nên "chỉ đường cho hươu chạy"

Thầy Nguyễn Việt Đức, giáo viên ngữ văn Trường THCS-THPT Diên Hồng, Q.10, TP.HCM, cho biết tại trường thầy công tác, học sinh được mang điện thoại di động vào trường nhưng không được dùng trong giờ học.

"Trường hợp được sử dụng phục vụ cho việc học (trong giờ học) phải được giáo viên cho phép. Khi tiết học có sử dụng các thiết bị cá nhân của học sinh như laptop, điện thoại di động thì giáo viên phải ghi rõ trên bảng tiết học được sử dụng và ghi rõ thời lượng sử dụng (ví dụ 15 phút từ ... đến ... Nội quy nhà trường đều có quy định về việc sử dụng điện thoại di động, nếu vi phạm thì đánh giá rèn luyện; còn với trường hợp liên quan đến kiểm tra đánh giá thì vi phạm quy chế kiểm tra", thầy Nguyễn Việt Đức nói.

"Quan điểm cá nhân tôi là nên "chỉ đường cho hươu chạy". Thời kỳ chuyển đổi số, những giá trị to lớn của công nghệ mang lại cho đời sống mà mình cấm triệt để học sinh e là không nên. Thay vì cấm thì giáo dục các em sử dụng điện thoại di động vào mục đích gì, thời lượng ra sao; nội quy nhà trường cũng nên thay đổi để theo kịp bước tiến của thời đại trong đó quy định về sử dụng như thế nào cho hợp lý, xử lý việc sử dụng không đúng mục đích ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học sao cho nghiêm nhưng tích cực. Không nên vì khó quản mà quay qua cấm", giáo viên Trường THCS-THPT Diên Hồng, Q.10 trao đổi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.