Giáo viên: 'Hại nhiều, lợi ít nếu học sinh dùng điện thoại di động trong trường'

22/02/2024 10:57 GMT+7

Nhiều giáo viên đã trao đổi những góc nhìn với Thanh Niên Online, họ ủng hộ nên kiên quyết cấm học sinh dùng điện thoại di động trong trường, vì 'hại nhiều, lợi ít'.

Giáo viên: 'Hại nhiều, lợi ít nếu học sinh dùng điện thoại di động trong trường'- Ảnh 1.

Theo một số giáo viên 'mất nhiều hơn được, hại nhiều hơn lợi khi cho học sinh dùng điện thoại trong trường'

SHUTTERSTOCK

Thanh Niên Online đăng ý kiến của hai giáo viên, tại TP.HCM và Thừa Thiên - Huế về chủ đề xoay quanh chiếc điện thoại di động đang được quan tâm.

Nhiều học sinh không tự giác!

"Đối với người trưởng thành, kể cả những bậc phụ huynh thì không ít người đang lạm dụng điện thoại di động quá mức, sử dụng không đúng mục đích, "ghiền" mạng xã hội, sống với thế giới ảo. Là một người thầy, tôi thấy học sinh dùng điện thoại di động ở trường là điều không nên, mặt lợi thì ít, mặt hại thì nhiều, có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.

Có thể liệt kê những tác hại của việc học sinh dùng điện thoại trong trường: xao nhãng việc học, sa sút học tập, ảnh hưởng tới giờ dạy của thầy cô - bạn bè trong giờ học, tốn thời gian, ít vận động trong giờ ra chơi, sống ảo trong máy - ít tương tác với bạn bè, ghiền mạng xã hội - cái gì cũng có thể đưa lên mạng, kể cả những trò ác ý, đua đòi

Việc sử dụng điện thoại di động đúng mục đích như: để tiện liên lạc với gia đình, trao đổi bài vở với bạn bè, tìm tòi kiến thức, học hỏi những điều tốt đẹp - những câu chuyện giáo dục, học hỏi về kỹ năng sống,… thì đó lại là điều vô cùng bổ ích. Nhưng thật đáng tiếc, rất nhiều học sinh sử dụng không hướng tới mục đích tốt nên làm ảnh hưởng rất lớn đối với môi trường giáo dục.

Tôi đã có mấy chục năm đi dạy, hiện dạy một số trường tư thục. Các trường đều nghiêm cấm học sinh dùng điện thoại di động trong trường. Có trường thì học sinh phải giao điện thoại cho giáo viên chủ nhiệm (quản nhiệm) trước lúc vào lớp, giáo viên chủ nhiệm sẽ trao lại sau khi kết thúc buổi học.

Anh: Kiên quyết cấm học sinh dùng điện thoại trong trường

Học sinh ngoại trú thì buổi trưa nhận, bán trú thì buổi chiều được nhận, nội trú thì cuối tuần mới được nhận điện thoại di động. Có trường thì tuyệt đối không được sử dụng điện thoại di động vì có điện thoại của trường với rất nhiều máy để học sinh tiện liên lạc gia đình. Chính vì cấm như vậy giờ học đạt hiệu quả hơn, nhiều mặt tốt khác được phát huy.

Tôi cho rằng cần quản lý chặt chẽ việc học sinh mang điện thoại di động vào trường. Thầy cô chủ nhiệm, lớp trưởng có thể thu điện thoại di động của học sinh, bỏ vào tủ, nếu giáo viên bộ môn cần để học sinh sử dụng máy vào tiết nào thì học sinh mới được lấy. Quy định rõ ràng, nếu học sinh vi phạm thì có biện pháp xử lý nghiêm. Cha mẹ cho con đưa điện thoại đến trường cũng phải thường xuyên nhắc nhở con thực hiện tốt nội quy của trường, ý thức trong việc sử dụng". (Thái Hoàng, giáo viên Trường THCS-THPT Bác Ái, Q.Tân Bình, TP.HCM).

Thăm dò ý kiến

Nên cấm học sinh dùng điện thoại di động trong trường không?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Mất nhiều hơn được!

Là một nhà giáo cũng là phụ huynh có con là học sinh, tôi thấy nếu 'cởi trói' để học sinh dùng điện thoại di động ở trường có nhiều rủi ro. Ranh giới giữa được và mất rất mong manh.

Thứ nhất, học sinh có thể bị xao nhãng học tập. Nguồn tài nguyên học liệu phong phú trên mạng có thể được tận dụng một cách hữu ích để hỗ trợ việc học tập nhưng chỉ khi nào học sinh có ý thức cao và tự giác thôi. Bố mẹ và thầy cô hoàn toàn không thể quản được sự sa đà của các học sinh khi chỉ cần mấy cú lướt, trượt, nhấn, chạm là cả một thế giới ảo hiện ra với game online kỳ ảo, Facebook kết nối không giới hạn, TikTok nhiều trò vui… Người lớn chúng ta còn khó giữ mình để không sa đà vào thế giới ảo huống hồ các em đang tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới" ấy.

Việc học sẽ diễn ra thế nào khi chiếc điện thoại liên tục nhấp nháy màn hình và rung bần bật dưới hộc bàn? Lời giảng của thầy cô, câu trả lời của bạn bè, kiến thức thú vị hay kỹ năng sống cần thiết đều lu mờ bởi tâm trí các em đang mải vướng bận nơi tin nhắn vừa đến.

Thứ hai, có thể nảy sinh tâm lý ghen tị, đua đòi. Chúng ta đang hướng đến nền giáo dục công bằng và bình đẳng. Nhưng khi một vài chiếc điện thoại được phép xuất hiện công khai trong lớp học, sự so bì, tị nạnh lẫn nhau đã manh nha xuất hiện.

Tiếng xuýt xoa trước chiếc điện thoại phiên bản mới nhất hay cái bĩu môi chê điện thoại "cùi bắp", "cục gạch" giữa bọn trẻ đều không đáng xuất hiện trong môi trường học đường làm sứt mẻ tình bạn và nới rộng khoảng cách giàu nghèo.

Có học sinh mặc cảm, tự ti vì thua kém chúng bạn. Có em sẽ nhõng nhẽo, mè nheo đòi bằng được chiếc điện thoại cho bằng bạn bằng bè. Và có cả đứa trẻ nông nổi, dại khờ đã từng tìm cách tự tử chỉ vì… gia đình không sắm cho cái "smartphone".

Kế đến là đứt gãy kết nối. Học sinh được phép sử dụng điện thoại khi giáo viên đồng ý. Nhưng thầy cô nào có thể quản các em mọi nơi, mọi lúc. Giờ ra chơi, giờ tự quản, thời gian đổi tiết cấm tiệt các em đụng đến điện thoại ư? Hoàn toàn không thể!

Giáo viên: 'Hại nhiều, lợi ít nếu học sinh dùng điện thoại di động trong trường'- Ảnh 2.

Nhiều người không ủng hộ cho học sinh dùng điện thoại di động trong trường

THÚY HẰNG

Học sinh đến trường ngoài học tập còn tham gia vô số hoạt động khác: vui chơi giải trí, thể dục thể thao, sinh hoạt tập thể… Nhưng khi chiếc điện thoại xuất hiện, sự kết nối giữa trò và trò có nguy cơ bị đứt gãy.

Thứ ba, tiềm ẩn rủi ro. Nhiều người lý giải về tính an toàn khi học sinh được phép sử dụng điện thoại, nào là kiểm tra kiến thức thầy cô đúng hay sai, nào là liên hệ với bố mẹ trong tình huống khẩn cấp và loại trừ nguy cơ trẻ bị bạo hành.

Tuy nhiên, "tấm lưới an toàn" ấy lại tiềm ẩn quá nhiều rủi ro. "Sử dụng điện thoại phục vụ việc học" có thể biến thành tấm lá chắn để học sinh đánh lừa phụ huynh và sa đà vào nhiều thú vui đằng sau màn hình di động.

Thế giới ảo vốn hỗn độn thông tin thật - giả. Việc tiếp cận thông tin nhiều chiều thiếu kiểm chứng rất dễ khiến bọn trẻ lệch lạc nhận thức và sai lầm trong hành động.

Chưa kể nguy cơ mất an toàn thông tin cá nhân và bắt nạt trên mạng xã hội vẫn chưa bao giờ vơi nhức nhối. Hình ảnh cá nhân tung thoải mái lên mạng, thông tin cá nhân cứ thế cập nhật không chút lo toan rất dễ đẩy học sinh trở thành mục tiêu của tội phạm mạng.

Bạo lực học đường vẫn là vấn nạn đáng ngại. Từ mấy dòng bình luận, vài lượt like, ý kiến trái chiều trên điện thoại di động nhanh chóng làm nảy sinh mâu thuẫn, hiềm khích…". (Trang Hiếu, giáo viên tại Thừa Thiên- Huế).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.