Phó giáo sư Nghiêm Đình Vỳ, tổng chủ biên một số sách giáo khoa Lịch sử, đã đưa ra những hình dung cần thiết phải bổ sung về cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía bắc Việt Nam của Trung Quốc.
Phó giáo sư Nghiêm Đình Vỳ nêu dự kiến việc đưa vào sách giáo khoa lịch sử nội dung cuộc chiến tranh
xâm lược biên giới phía bắc Việt Nam của Trung Quốc |
Phó giáo sư Nghiêm Đình Vỳ nhận định:
Hiện nay trong chương trình môn lịch sử phổ thông, cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía bắc Việt Nam của Trung Quốc (năm 1979) đã có. Cụ thể, ở bậc THCS, trong sách giáo khoa Lịch sử lớp 9, bài 32 với tên gọi “Xây dựng đất nước và bảo vệ tổ quốc” có một phần nói về cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam và một phần nói về cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới phía bắc. Đã có rồi nhưng nội dung đề cập đến còn chưa hết, chưa đầy đủ, chưa thỏa mãn không chỉ với người đọc, người học, mà chưa thỏa mãn kể cả với những người viết sách giáo khoa lịch sử chúng tôi. Tất nhiên, vì nhiều lý do khác nhau nên chúng tôi đã phải chấp nhận như vậy.
* Vậy theo ông, nhìn một cách tổng thể thì sắp tới sách giáo khoa Lịch sử mới cần bổ sung nội dung này ra sao?
Phó giáo sư Nghiêm Đình Vỳ: Trước hết cần phải xác định lại vai trò, vị trí của cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía bắc Việt Nam của Trung Quốc trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc. Điều quan trọng là chúng ta không né tránh và phải nói rõ sự thật lịch sử diễn ra như thế nào. Cần có sự mô tả để nhằm mục đích giáo dục truyền thống, giáo dục tinh thần yêu nước. Cá nhân tôi cho rằng, đây là sự kiện cần phải được khắc cốt ghi tâm đối với mỗi người dân VN, hiểu biết về cuộc chiến tranh này đồng thời trân trọng những con người đã gian khổ, hy sinh để bảo vệ một phần lãnh thổ của tổ quốc. Đồng thời, truyền cho lớp trẻ hào khí vẻ vang, tinh thần cảnh giác, sẵn sàng đập tan âm mưu thâm độc của kẻ thù.
* Theo ông, học sinh từ cấp học nào thì cần phải được biết và hiểu về cuộc chiến tranh này?
Việc bổ sung thế nào phải phụ thuộc vào chương trình tổng thể cũng như chương trình của các bộ môn. Mặc dù vậy, do tôi được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mời làm tổng chủ biên cho môn lịch sử phổ thông nên chúng tôi cũng đã bắt đầu đưa ra những dự kiến về chương trình bộ môn này.
Đối với cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía bắc Việt Nam của Trung Quốc, chúng tôi sẽ cố gắng đưa vào đầy đủ nhất những nội dung về cuộc chiến tranh để các thế hệ sau hiểu được một cách chân thực nhất.
Nội dung này cần được đề cập đến ngay từ cấp tiểu học. Ở cấp này, do môn lịch sử sẽ không dạy thông sử như hiện nay mà chuyển sang hình thức kể chuyện lịch sử, nên học sinh sẽ biết đến cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía bắc Việt Nam của Trung Quốc thông qua những câu chuyện cụ thể về các địa danh đã xảy ra các trận chiến. Cùng với đó là những câu chuyện về những người anh hùng, những người chiến sĩ đã dũng cảm đấu tranh, đã hy sinh ra sao trong cuộc chiến. Ví dụ, gương anh hùng Nguyễn Văn Hiền đã dũng cảm chiến đấu một mình với biển người của kẻ thù để bảo vệ 12 đồng đội của mình…
Đến cấp THCS, sẽ yêu cầu cao hơn, nghĩa là phải bổ sung đầy đủ thông tin hơn, kể về sự kiện, phân tích ý nghĩa, đưa sử liệu vào để học sinh hình dung đầy đủ hơn về cuộc chiến tranh. Đồng thời, phát triển năng lực tư duy của học sinh bằng những câu hỏi liên quan đến cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc Việt Nam của Trung Quốc rồi cho các em so sánh với những cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước khác của cha ông ta trước đó…
Cấp THPT, có thể xây dựng thành những chuyên đề, chủ đề riêng về các cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước, trong đó có cuộc chiến này. Ở cấp học này cũng cần phải cho học sinh biết được thế lực thù địch đã tuyên truyền xuyên tạc như thế nào về cuộc chiến để học sinh bày tỏ quan điểm, phản bác lại dựa trên những bằng chứng, nhân chứng lịch sử ở trong nước.
Thời lượng như thế nào, bao nhiêu tiết, bao nhiêu bài… thì phải tính toán cụ thể khi xây dựng chương trình bộ môn.
* Vậy học sinh sẽ phải chờ đến khi thay đổi chương trình, sách giáo khoa thì mới được học về sự thật lịch sử này?
Tôi cho rằng không nên chờ đến sau 2018 mới bắt đầu giảng dạy cho học sinh về cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía bắc Việt Nam của Trung Quốc. Trước mắt, cùng với sự chỉ đạo, khuyến khích của Bộ GD-ĐT, các sở GD-ĐT, các nhà trường phải đưa vào nội dung chương trình chính khóa hoặc ngoại khóa nội dung kiến thức về cuộc chiến tranh này. Đặc biệt, với học sinh của 6 tỉnh biên giới phía bắc, nơi ông cha ta đã chiến đấu, hy sinh để bảo vệ lãnh thổ thì việc này cần phải càng được chú trọng hơn. Cho học sinh thăm quan mảnh đất từng là chiến trường xưa, thăm nghĩa trang liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến… sẽ là cách hữu hiệu nhất để nội dung lịch sử này thấm vào thế hệ trẻ.
* Ngoài ra, theo ông chương trình giáo dục mới cần bổ sung những sự kiện lịch sử lớn nào cần phải giáo dục cho thế hệ trẻ, thưa ông?
Những sự kiện lớn còn thiếu vắng trong sách giáo khoa lịch sử hiện nay, theo tôi, ngoài cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía bắc Việt Nam của Trung Quốc còn có cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, những vấn đề liên quan đến quá trình gìn giữ quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, nhất là trong bối cảnh phức tạp hiện nay.
Bình luận (0)