* Đài PT-TH Bạc Liêu truyền hình trực tiếp từ 8 giờ 30 hôm nay
* Số điện thoại nóng: 01277973397 - 01277707801
Do đang làm hồ sơ đăng ký dự thi nên những thắc mắc của học sinh tỉnh Bến Tre tại buổi Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên và Bộ GD-ĐT tổ chức trong ngày 22.3 tập trung về ngành học cũng như cơ hội việc làm sau khi ra trường.
|
Băn khoăn việc làm ngành sư phạm, y tế
Phan Mỹ Anh Duy, học sinh Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, thắc mắc: “Học ngành sư phạm hiện nay ra trường thất nghiệp khá nhiều. Vậy sau 4 năm, tình hình ấy còn hay không?”. Tiến sĩ Nguyễn Văn Bản, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp, trả lời: “Đây là câu hỏi chạm đến một vấn đề nóng của các trường đào tạo giáo viên trong những năm qua. Đó cũng là vấn đề của Trường ĐH Đồng Tháp vì trường có 60% là ngành nghề sư phạm”. Theo ông Bản, sinh viên sư phạm thất nghiệp do 2 nguyên nhân. Một là trong các năm vừa qua, có tình trạng thừa và thiếu cục bộ giáo viên tại khu vực ĐBSCL cũng như cả nước. Có địa phương thiếu giáo viên nhưng ngân sách nhà nước khoán 5 năm không thay đổi, nếu tuyển thêm thì không có kinh phí trả lương. Hai là quy hoạch đào tạo giáo viên của cả nước và các trường còn bất cập, các trường ít nắm được nhu cầu địa phương để đào tạo. “Từ năm 2015 trở đi sẽ đổi mới căn bản giáo dục nên dự đoán tình trạng thất nghiệp của sinh viên các trường đào tạo sư phạm những năm tới sẽ giảm đi nhiều”, ông Bản nói.
|
Đặt câu hỏi qua điện thoại, một học sinh mong muốn biết rõ hơn về ngành y học dự phòng, sự khác biệt giữa bác sĩ y học dự phòng và bác sĩ đa khoa, cơ hội việc làm của mỗi ngành. PGS-TS Đặng Văn Tịnh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, thông tin: “Cả hai ngành này đều học chung về kiến thức giải phẫu, hóa sinh, ký sinh trùng… Sinh viên học ngành y học dự phòng được trang bị các môn liên quan đến ngành này. Sinh viên tốt nghiệp có thể làm tại Viện Vệ sinh dịch tễ, các trung tâm y tế dự phòng, y học cộng đồng… Theo quy định, bác sĩ y học dự phòng không được trực tiếp khám chữa bệnh mà chỉ làm về phòng bệnh. Để bù đắp, và khuyến khích đội ngũ bác sĩ y học dự phòng, vừa qua Bộ Y tế có quy định tăng lương của đội ngũ này lên 1.8 so với mức lương cơ bản”.
Nữ học ngành công nghệ thông tin có dễ kiếm việc làm ?
Một học sinh Trường THPT chuyên Bến Tre thắc mắc về cơ hội làm việc ở nước ngoài của ngành công nghiệp điện, điện tử. Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết: “Ngành công nghệ thông tin (CNTT) ở các trường có phân ra một số chuyên ngành. Hiện nay, một số trường đào tạo ngành này có kết nối với các nhà tuyển dụng nước ngoài và sinh viên ra trường chỉ cần đáp ứng yêu cầu là được cử ra nước ngoài làm việc”.
Cũng liên quan đến nhóm ngành trên, một học sinh đặt câu hỏi: Những trường nào đào tạo ngành công nghệ kỹ thuật điện tử viễn thông? Tiến sĩ Tân Hạnh, Phó giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông (phía nam), giải đáp: “Các em có thể học ngành này tại các trường như Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH Giao thông vận tải TP.HCM... Sinh viên được học các kiến thức cơ bản về điện tử vì thiết bị truyền thông phải dựa trên điện tử, CNTT, kỹ năng về thiết kế vi mạch, đường truyền, mạng máy tính, mạng viễn thông…”.
Bạn Nguyễn Thị Kim Dung, học sinh Trường THPT chuyên Bến Tre, hỏi: “Học CNTT thì em nên học trường nào? Cơ hội việc làm giữa nam và nữ làm ngành này có khác nhau không?”. Thạc sĩ Trần Tiến Khoa, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết: “Có rất nhiều trường đào tạo và em có thể chọn trường phù hợp với bản thân. Cơ hội việc làm ngành này không phân biệt nam nữ”.
Hôm nay 23.3, chương trình Tư vấn mùa thi 2014 sẽ kết thúc tại tỉnh Bạc Liêu.
Đăng Nguyên - Khoa Chiến
>> Tư vấn mùa thi' đến với học sinh tỉnh Bến Tre
>> Chương trình Tư vấn mùa thi ở đồng bằng sông Cửu Long
>> Tư vấn mùa thi khép lại chặng miền Trung
>> Hàng nghìn học sinh dự buổi tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên tại Nam Định
>> Tư vấn mùa thi sôi động tại Phú Yên
>> ‘Tiếp sức’ cho tư vấn mùa thi
Bình luận (0)