Các chú thích được làm bằng cách cắt ngắn những mục từ, từ cuốn Đường phố Hà Nội của tác giả Nguyễn Vinh Phúc. Có điều tiêu chí cho việc cắt ngắn không thực sự rõ ràng.
“Thoạt đầu chúng tôi cũng muốn đặt thêm một biển phụ để chú thích tên phố bên dưới những tấm biển đang sử dụng. Tuy nhiên, sau đó Hà Nội cho phép chúng tôi thay biển mới”, ông Lê Đình Lộc - thành viên chủ chốt của nhóm thực hiện dự án chú thích cho biển phố Hà Nội - cho biết.
“Dựa trên kích cỡ của những tấm biển đang được sử dụng, cộng với thời gian dừng xe, chúng tôi thấy mỗi chú thích chỉ nên dừng lại ở 20-25 từ là thích hợp. Như thế, người đi đường khi dừng xe có thể đọc thuận tiện hơn”, ông Lộc nói.
Trong 20-25 từ đó, nhóm thực hiện cũng đặt yêu cầu phải có thân thế, sự nghiệp, năm sinh, năm mất để hình dung khoảng thời gian sinh sống của nhân vật. Nếu như phụ chú năm sinh - năm mất không quá phức tạp thì công lao, thân thế sự nghiệp lại là điều khó soạn thảo trong một giới hạn từ không nhiều.
|
Chính vì vậy, nhóm soạn thảo đã đặt ra tiêu chí chỉ chọn những công lao quan trọng nhất chứ không lan man. Quan trọng hơn, theo ông Lộc, những soạn thảo này đều dựa trên tác phẩm về 1.000 tên đường phố Hà Nội của ông Nguyễn Vinh Phúc. Dựa trên những mục từ trong sách, nhóm soạn thảo cắt ngắn lại rồi lại được ông Phúc duyệt lại lần nữa sao cho đúng 20-25 từ trước khi “tổng duyệt” lần cuối.
“Một cuốn sách khảo cứu phải có những diễn giải đủ dài. Do đó, nếu cắt cho đủ ngắn để dùng cho việc làm biển phố thì sẽ rất khó, không biết chọn đoạn nào”, PGS-TS Võ Kim Cương phân tích. “Chưa kể, cách xây dựng mục từ của cuốn sách có thể khác với cách xây dựng chú thích tên đường phố. Ngay cả việc soạn từ điển, những loại từ điển khác nhau cũng sẽ có những yêu cầu khác nhau”, ông Cương nói. Chính vì thế, theo ông, việc không xây dựng trước tiêu chí mà dựa phần lớn vào nội dung một cuốn sách đã soạn thảo sẽ là việc làm thiếu khoa học. “Chẳng hạn, phố Hàng Trống nổi danh trong lịch sử với ba nghề: làm trống, làm lọng và làm tranh dân gian. Giờ thì nghề làm trống không còn, cũng không còn ai bán lọng, chỉ còn một gia đình làm tranh. Thế thì chú thích sẽ nói về nghề nào, nói ra sao nếu không có tiêu chí từ trước?”, ông Cương đặt câu hỏi
Cũng chính vì sự thiếu tiêu chí từ đầu này nên đã có những biển phố chưa thực sự thuyết phục nhà chuyên môn. “Chẳng hạn, về Phan Châu Trinh - ông được giới thiệu là người làm nhiều thơ văn yêu nước. Nhưng thực sự thơ văn yêu nước của ông cũng không phải quá xuất sắc. Với ông, ghi rõ ràng chí sĩ yêu nước là đủ”, nhà sử học Dương Trung Quốc phân tích.
“Định danh là việc rất khó. Viết ngắn lại càng khó. Làm chú thích cho các phố Hà Nội là việc đồ sộ, lại càng khó thêm. Chính vì thế, phải có tiêu chí rõ ràng, viết gì, không viết gì. Nếu không, viết ngắn mà vẫn thừa hay viết thừa mà vẫn thiếu”, ông Quốc nói.
Cũng thông cảm như ông Quốc với công việc khó khăn mà nhóm thực hiện dự án đang làm, PGS-TS Lâm Mỹ Dung cho rằng: “Nên có tiêu chí rõ ràng để thực hiện. Và càng nên ủng hộ những người thực hiện, bởi họ có ý tốt”.
Về tiêu chí, bà Dung nhấn mạnh: “Chúng ta nên viết đơn giản như nhiều nước đã làm. Chẳng hạn, nhà văn, nhà chính trị kèm theo năm sinh năm mất. Không nên quá kỳ vọng dẫn đến gây sức ép với công việc làm chú thích biển phố. Nhiều người nghĩ rằng việc học sử qua biển phố có thể khiến kiến thức lịch sử lên nhanh. Đây đúng là một kênh thông tin tốt, nhưng nó cũng chỉ có tính hết sức sơ đẳng. Đặt những bảng to lớn với chú giải quá chi tiết chỉ gây ách tắc giao thông mà thôi”.
“Tôi nhấn mạnh rằng kênh thông tin này hoàn toàn không thể thay cho việc học sử qua sách vở và bài giảng. Do đó, chỉ nên chú thích ngắn đủ để người đi đường không đến mức hoàn toàn không biết gì về phố mà thôi”, bà Dung nói
Trinh Nguyễn
Bình luận (0)