Kinh nghiệm hút khách
Bà Bích Vân, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ VN, đã nói rất nhiều trong hội thảo diễn ra hôm qua 17.5 tại Hà Nội về việc từng hiện vật trong mỗi trưng bày đã được lựa chọn ra sao; cách thức bảo tàng “nài nỉ” để lấy ý kiến đóng góp của công chúng thế nào; những phương pháp trưng bày hiện đại của bảo tàng được chuyên gia tư vấn cụ thể ra sao... Khi bà ngừng lời, đại biểu vẫn còn bị ấn tượng bởi kết quả mà đơn vị này đạt được. Chỉ riêng khách tham quan 3 tháng đầu năm 2013 đã bằng cả năm 2012. “Con số tuyệt đối là chúng tôi có 150.000 lượt khách trong quý 1 vừa qua. Trong đó, 1/3 là khách du lịch”, bà Vân nói.
|
Trong triển lãm được coi thành công nhất tới giờ của Bảo tàng Phụ nữ VN là triển lãm về đạo Mẫu, hàng loạt phương pháp nghe nhìn được áp dụng. Những bức hình kèm theo chuyện kể nhân vật với nhiều đoạn băng video nhỏ. Ban thờ lộng lẫy được dựng lại đúng như nó vốn thế tại các điện thờ riêng. “Đây thực sự là sự đổi mới về tư duy trưng bày. Nó khuyến khích và tạo điều kiện cho các trải nghiệm”, bà Minh Lý nhận xét.
Tham quan để học
Một loạt các bảo tàng khác cũng đang đi theo con đường thay đổi tư duy, tăng cường trải nghiệm này. ThS Nguyễn Hoàng Hương Duyên, Bảo tàng điêu khắc Chămpa Đà Nẵng, cho biết bảo tàng của bà đã có những thiết kế trải nghiệm về bò thần Nadin trong điêu khắc Chăm cho học sinh 6-8 tuổi. Sau buổi học qua quan sát hiện vật, các em được chơi trò chơi tô tượng, tô những bức tượng có liên quan. Như thế, bảo tàng tránh cho các em việc chỉ được nghe một cách thụ động.
|
Với các đại biểu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh về dự hội thảo Làm thế nào để bảo tàng thu hút công chúng, những hiện vật như chiếc máy chữ hay những bản in thạch không xa lạ. Nhưng với công chúng nhỏ tuổi hiện nay thì đó hoàn toàn là một thế giới khác.
Chính vì thế, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã chọn chúng để đưa vào Phòng Khám phá dành cho trẻ em. “Các em sẽ được ngồi thử đánh máy trên chiếc máy chữ giống chiếc mà Bác Hồ thường dùng. Các em cũng sẽ được thử in những bản tranh Bác Hồ với thiếu nhi”, chị Hằng, cán bộ của Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết. Cách thức trưng bày hiện vật này thể hiện rõ hai điều bảo tàng muốn hướng tới. Một là hiện vật phải kể được những câu chuyện riêng. Thứ nữa, nếu lôi cuốn được trẻ em, bảo tàng sẽ có lớp công chúng bền vững lâu dài.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia lại mang đến một mô hình trải nghiệm khác: CLB Em yêu lịch sử đã được vận hành từ năm 2007. Các em được học về lịch sử qua những trò chơi. Chẳng hạn trong trò Tập làm chiến sĩ, các em sẽ thử làm những công việc như gấp chăn màn của lính. Ngoài hình dung về đời sống chiến sĩ, nó cũng giúp các em thói quen ngăn nắp trong đời sống thường ngày.
Sự linh hoạt trong việc mở rộng, đa dạng hóa không gian bảo tàng thậm chí đã khiến đại biểu tham dự đưa ra câu hỏi có nên chỉ đặt một chỗ hay không. Dường như câu trả lời là không nên “vít” bảo tàng vào một chỗ. Chẳng hạn, khi Bảo tàng Chứng tích chiến tranh mở ra các hoạt động tìm hiểu về ẩm thực thời kháng chiến với những món ăn thời chiến, nó hoàn toàn có thể được tổ chức ở một khuôn viên khác ngoài bảo tàng.
Nhưng những điều trên chỉ có thể được thực hiện khi tư duy về sứ mệnh của bảo tàng được đổi mới. “Phải lấy công chúng làm mục tiêu, động lực cho sự phát triển của mình”, bà Minh Lý nói.
Trinh Nguyễn
>> Bảo tàng sống về Hoàng Sa
>> Đề xuất mô hình “Bảo tàng sinh thái lịch sử” ở Huế
>> Thế giới huyền ảo trong bảo tàng Mỹ
>> Thăm Bảo tàng Chiến thắng B-52
>> Trao tặng bảo tàng hiện vật chiến tranh
Bình luận (0)